Bạn đang ở đây

Công nghệ máy ảnh số đương đại

Bên cạnh công nghệ máy ảnh DSLR, trong thời gian gần đây, thị trường xuất hiện thêm các công nghệ máy ảnh kỹ thuật số mới, bao gồm mirrorless camera (máy ảnh không gương lật) và translucent mirror DSLR camera (máy ảnh phản xạ ống kính đơn với gương mờ).
>> Những máy ảnh du lịch đẹp nhất 2011
>> Khuyến mãi lớn cho người mua máy ảnh cuối năm

Máy ảnh kỹ thuật số phản xạ ống kính đơn
 
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, máy ảnh số phản xạ ống kính đơn đã trở thành thiết bị công nghệ thời thượng trong thời điểm hiện nay.
 
Máy ảnh DSLR được ưa chuộng vì chất lượng ảnh xứng đáng với số tiền đầu tư. Cảm biến ảnh của DSLR có kích thước gấp hơn 10 lần máy ảnh compact truyền thống. Đó là lý do DSLR có thể tạo ra ảnh có độ nét và chi tiết cao, chiều sâu ảnh (D.O.F - depth of field) thể hiện rõ.
 
 
 
DSLR là cấu trúc máy ảnh phức tạp. Bên trong là hệ thống cơ khí bao gồm gương lật, lăng kính, màn trập quét dọc; hệ thống điện tử bao gồm cảm biến ảnh và hệ thống lấy nét. Để chụp ảnh với máy DSLR, người chụp phải ngắm vào kính ngắm quang học, thông qua phản xạ của lăng kính và gương lật, khung cảnh cần chụp sẽ hiện ra tạm thời. Riêng hình ảnh hiển thị như thế nào phụ thuộc vào thông số mà người dùng thiết lập. Khi nhấn chụp, hệ thống gương của máy sẽ lật, đồng thời màn trập mở ra/đóng lại trong tích tắc tạo nên bức ảnh.
 
Hạn chế lớn nhất của cấu trúc máy ảnh DSLR thế hệ đầu là không thể hiển thị hình ảnh sẽ chụp trực tiếp qua màn hình LCD (Live View) và không có chức năng quay phim. Olympus đã giải quyết vấn đề này khi giới thiệu máy ảnh Evolt E-330 (năm 2006) với tính năng lật mở gương và màn trập để hình ảnh có thể hiển thị lên màn hình LCD. Từ nguyên lý này, về sau, các nhà sản xuất DSLR đã thêm tính năng Live View cho sản phẩm, trong đó phải kể đến máy ảnh D90 hỗ trợ tính năng quay video HD 720p của Nikon. Thực chất tính năng này là sự tích hợp chip xử lý có khả năng thu nhận phim HD từ cảm biến, thay vì chỉ hiển thị màn hình Live View trước đó.
 
Khi gương của máy ảnh DSLR lật lên, máy không thể lấy nét tự động do phần gương phản xạ ánh sáng với hệ thống lấy nét bị che lấp. Vì thế, dù một số máy ảnh DSLR với tính năng Live View được giới thiệu có thể lấy nét tự động theo công nghệ contrast detection khi mở cảm biến, nhưng tốc độ lấy nét vẫn rất chậm.
 
Vậy tại sao một số máy ảnh DSLR vẫn có màn hình Live View với khả năng AF nhanh? Đầu năm 2008, Sony đã thiết kế hệ thống cảm biến phụ đặt gần kính ngắm quang học. Cảm biến này như con mắt điện tử giúp người dùng không phải nhìn vào kính ngắm quang để chụp ảnh. Nhờ đó, hệ thống lấy nét vẫn hoạt động bình thường vì gương lật luôn trong trạng thái sẵn sàng lấy nét và chụp. Sony gọi chế độ này là Quick AF Live View do nó còn có tính năng Live View trực tiếp như các dòng máy thông dụng khác: lật gương mở cảm biến để ngắm chụp. Lúc này, DSLR có thể dễ dàng quay video.
 
Do những hạn chế của công nghệ máy ảnh DSLR cho chức năng quay phim, Sony đã phát triển dòng máy ảnh translucent mirror DSLR có cấu trúc đơn giản và hoạt động hiệu quả hơn. Đó là lý do sau gần hai năm Nikon ra mắt máy ảnh D90, Sony mới tích hợp tính năng này vào dòng sản phẩm DSLR-A560 và DSLR-A580.
 
Máy ảnh thay đổi ống kính rời không gương lật
Những máy ảnh compact dạng ngắm chụp (Point & Shoot) đã trở nên quen thuộc với người dùng nhờ tính tiện dụng (có thể bỏ túi) với chất lượng ảnh đáp ứng nhu cầu in ảnh gia đình, ảnh kỷ niệm. Tuy nhiên, khi người dùng máy ảnh compact ống kính liền mong muốn chất lượng ảnh tương đương dòng máy DSLR, họ đã có lựa chọn mới với dòng máy ảnh Mirrorless (không gương lật).
 
Mirrorless camera hướng đến người dùng muốn mang theo chiếc máy ảnh thật gọn, nhưng chất lượng ảnh không thua kém máy DSLR.
 
Hiểu đơn giản, mirrorless camera là dòng máy ảnh point & shoot có khả năng thay đổi ống kính. Hiện tại, mirrorless camera sở hữu hai chuẩn cảm biến:
1) Cảm biến định dạng Micro Four-thirds (tỷ lệ ảnh 4:3, kích thước 18x13,5mm) của liên minh Panasonic và Olympus.
2) Cảm biến định dạng APS-C (tỷ lệ ảnh 3:2, kích thước 23,4x15,6mm) có cùng kích thước với cảm biến ảnh của các nhà sản xuất Nikon, Sony, Samsung, Pentax...
 
Bỏ qua cấu trúc gương lật phức tạp của DSLR, máy ảnh mirrorless dùng cảm biến ảnh và hướng trực tiếp thông qua ống kính để ghi nhận hình ảnh. Đồng thời, cảm biến ảnh có nhiệm vụ lấy nét và đo sáng tương tự dòng máy ảnh compact.
 
Ưu điểm của máy ảnh mirrorless là có thể giảm kích thước tương đương dòng máy ảnh compact chuyên dụng (pro-compact camera). Dù vậy, khi gắn ống kính zoom, kích thước của ống kính không tương xứng với thân máy mà Sony Alpha NEX-5 là ví dụ. Ngoài ra, máy ảnh mirrorless mỏng hơn dòng máy ảnh DSLR do không tích hợp hệ thống gương lật, trong đó Olympus E-PL1 chỉ dày 4,2cm hay Sony NEX-5 là 3,8cm (chưa gồm ống kính)
 
Hạn chế của máy ảnh mirrorless là người chụp phải sử dụng hệ ống kính riêng biệt do nhà xuất thu nhỏ kích thước máy ảnh cảm biến lớn. Cơ chế lấy nét tự động contrast AF chưa đáp ứng được nhu cầu chụp ảnh chuyển động cao. Ngoài ra, do luôn hướng trực tiếp đến ánh sáng khi hoạt động, nên tuổi thọ của cảm biến giảm so với máy ảnh DSLR.
 
Máy ảnh phản xạ ống kính đơn với gương mờ
Công nghệ máy ảnh mới nhất này được Sony ứng dụng trong máy ảnh Alpha STL-A33 và STL-A55. Tên gọi Translucent Mirror DSLR camera thể hiện cấu trúc gương của máy ảnh có thể cho ánh sáng lọt qua, dù tấm gương không có đặc tính trong suốt hoàn toàn (gọi là gương mờ).
 
Với những tính năng của DSLR, nhưng dễ sử dụng cùng khả năng quay phim lấy nét tự động liên tục, translucent mirror DSLR camera phù hợp với người dùng gia đình hoặc mới tiếp cận dòng máy ảnh cảm biến lớn.
 
Với tấm gương mờ, ánh sáng đi từ bên ngoài qua ống kính sẽ xuyên qua tấm gương và rọi trực tiếp vào cảm biến ở trạng thái mở (màn trập mở tương tự máy ảnh mirrorless). Không chỉ có vậy, tấm gương translucent còn được đặt với góc nghiêng và cố định vị trí đặt gương để hướng ánh sáng lên hệ thống lấy nét tự động (gần kính ngắm, thay thế lăng kính quang học).
 
Sự khác biệt với cấu trúc máy ảnh DSLR là khả năng thu nhận ánh sáng của hệ máy ảnh translucent mirror DSLR tốt hơn nhờ tấm gương có diện tích lớn hơn gương phản xạ lấy nét của máy ảnh DSLR. Nhờ đó, máy ảnh translucent mirror DSLR có thể tối ưu hóa tốc độ lấy nét liên tục chính xác hơn.
 
Việc cảm biến tiếp nhận hình ảnh thông qua gương mờ trực tiếp kết hợp với khả năng lấy nét tự động liên tục giúp máy ảnh translucent mirror DSLR có thể quay phim và lấy nét liên tục một cách dễ dàng và chính xác hơn (đây là điểm yếu lớn nhất của dòng máy DSLR). Hơn thế, công nghệ này còn khắc phục hạn chế của máy ảnh DSLR truyền thống, thiết kế cơ khí đơn giản hóa, thu nhỏ kích thước và tính phức tạp trong thiết kế.
 
Hạn chế của translucent mirror DSLR camera là không thể sử dụng kính ngắm quang học (OVF) mà phải sử dụng kính ngắm điện tử (EVF). Nếu có sự xuất hiện của kính ngắm quang, khi ống kính khép ở khẩu độ nhỏ (f/16 trở lên), người dùng sẽ không có đủ ánh sáng để nhìn rõ cảnh vật. Kính ngắm điện tử EVF có thiết kế gọn gàng, không chiếm diện tích. Vì thế, phần không gian dành cho lăng kính quang học trên DSLR sẽ dành cho hệ thống lấy nét của máy ảnh translucent mirror. Hạn chế này không ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động, mà còn đem đến nhiều lợi ích cho người mới chụp ảnh như: khả năng hiển thị thông số cân bằng trắng, phơi sáng, hiệu ứng màu sắc... trực tiếp trên kính ngắm, tương tự màn hình LCD.
 
Bên cạnh máy ảnh compact truyền thống, DSLR vẫn là công nghệ máy ảnh chủ đạo dành cho người dùng nhiếp ảnh thực sự. Máy ảnh DSLR đang có nhiều cải tiến và đổi mới về cách thức sử dụng nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tượng mới tiếp cận nhiếp ảnh. Trong khi đó, hai hệ máy mirrorless camera và translucent mirror DSLR camera sẽ dành cho yêu cầu riêng biệt của người dùng. Theo đó,  translucent mirror DSLR camera phù hợp với người dùng gia đình hoặc mới tiếp cận dòng máy ảnh cảm biến lớn do có những tính năng của DSLR, nhưng dễ tiếp cận, sử dụng cùng khả năng quay phim lấy nét tự động liên tục. Mirrorless camera lại hướng đến khách hàng gia đình, những người thích mang theo chiếc máy ảnh thật gọn, nhưng chất lượng ảnh không thua kém máy DSLR. Cuối cùng, sự lựa chọn máy ảnh theo công nghệ nào sẽ phụ thuộc nhu cầu sử dụng của người dùng.
 
Theo Nghenhin
people like INLOOK.VN fanpage