Bạn đang ở đây

Facebook thử nghiệm thu tiền người dùng, nước cờ liều lĩnh

Chưa hết nóng với IPO, Facebook tiếp tục gây náo loạn cộng đồng mạng khi thử nghiệm một hệ thống buộc người dùng muốn status (trạng thái) được hiển thị ở vị trí đẹp đẽ, họ phải xì tiền ra.

Facebook đang thử nghiệm một hệ thống “trả tiền để quảng cáo” cho những cập nhật trên status. Có nghĩa là cho phép người dùng trả một khoản phí nhỏ để quảng cáo cho bài/đoạn post của họ. Khi họ sử dụng tính năng này, thì những status sẽ xuất hiện ở vị trí dễ nhìn hơn trên các trang news feed (cập nhật thông tin) của bạn bè. Theo thông báo hiện chương trình này mới chỉ chạy thử nghiệm ở New Zealand và cũng chưa có tuyên bố khác về việc thị trường nào sẽ được chọn làm điểm đến tiếp theo.

 

Thông thường, thuật toán của Facebook ưu tiên cho những post đến từ những bạn bè thuộc diện thân thuộc nhất với người dùng hay những người khác được có số lượt like hay comment của bạn nhiều nhất. Highlight cho phép những người dùng bình thường, không phải là các Page hay trang doanh nghiệp, chọn một post quan trọng và "đảm bảo bạn bè thấy được nó".

Facebook đang thử nghiệm ở các mức giá khác nhau cho tính năng này, từ 0,4 USD cho đến 2 USD. Facebook cũng mới chỉ chấp nhận thanh toán qua PayPal hay thẻ tín dụng. Đến khi tính năng này được áp dụng rộng rãi, hãng sẽ tính tới chuyện dùng hệ thống Facebook Credits.

 
Tính toán với lá bài may rủi

Theo phát ngôn chính thức từ Facebook, Highlight chỉ là một bài thử nghệm nho nhỏ để “đánh giá sự quan tâm của người dùng với phương pháp chia sẻ với bạn bè này”.

Nhưng điều nằm dưới lời tuyên bố đó có thể còn phức tạp hơn thế. Tại Hội nghị Marketing của Facebook diễn ra vào tháng 3 vừa qua, công ty đã tiết lộ chỉ có khoảng 12% bạn bè thấy được những gì bạn chia sẻ một cách nóng hổi nhất. Điều này có nghĩa là nếu họ không kịp lên cho đúng lúc hay đủ kiên nhẫn lội qua hàng trăm post thì sẽ có những bài bị “chết yểu”. Hạng mục kinh doanh cũng chẳng mấy khả quan hơn, khi những mặt hàng mới trên bài viết chỉ “chạm” được khoảng 16% những người theo đuôi (follower), cũng bởi lý do tương tự. Facebook có truyền thống hạ thấp những “món không quan trọng” để đưa những thứ được coi là khẩn cấp và đáng chú ý hơn lên trên. Và chính điều này đã giúp Facebook nghĩ ra cách kiếm tiền mới.

 

 Bên cạnh đó, Facebook còn nhắm tới những mục đích “cao cả” hơn. Đầu tiên là chứng minh cho các nhà đầu tư thấy hãng là một cỗ máy hái ra tiền dù cho mức tăng trưởng doanh số mỗi năm một giảm. Nhất là khi Facebook đang gây nóng làng công nghệ hiện nay với thương vụ IPO được cập nhật từng ngày. Số tiền cho highlight quá nhỏ, đúng, những nếu nhân với con số 900 triệu người sử dụng thì đó lại là một câu chuyện khác. Chỉ cần một năm có 10% số người sử dụng tính năng này chỉ cho một post thì khoảng 160 triệu USD sẽ chảy vào thu nhập hàng năm của Facebook.

Thứ hai, news feed đang tỏ ra là có hiệu quả hơn nhiều so với việc treo vài lời quảng cáo bên cạnh trang. Tháng 12 năm ngoái, Facebook bắt đầu cung cấp Coupon xuất hiện trên news feed và tỳ lệ click xem cao hơn 50% so với cách thức quảng cáo vốn có. Thông điệp này đã quá rõ ràng: Những người sử dụng Facebook chú ý vào những gì xuất hiện trên news feed. Điều này càng củng cố thêm tầm quan trọng của trang này trong mục tiêu hàng đầu: tiền tệ hóa. Và lại càng đặc biệt đúng khi mà số lượng những người truy cập qua điện thoại đang tăng lên trong khi họ ít phải nhức mắt với quảng cáo và chú ý vào news feed hơn.

 
Dịch vụ + Phí - Kỷ nguyên mới cho social network?

Nếu Facebook triển khai Highlights, nó sẽ không phải là một thứ bắt đầu cái gọi là Ngày tận thế, mà đánh dấu một chuyển biến quan trọng: Lần đầu tiên, Facebook liên kết giữa tiền và việc sử dụng các dịch vụ cơ bản của nó. Facebook đã luôn hạnh phúc khi rút được tiền từ túi các nhà quảng cáo và hành xử như một trung gian giữa người sử dụng và các công ty như Zynga. Nếu thành công với việc thu tiền trực tiếp từ người dùng, đây sẽ là điểm khởi đầu cho các dịch vụ thu tiền sau này - điều có thể giúp Facebook thoát khỏi nghịch cảnh của thói sớm nắng chiều mưa từ việc thu tiền quảng cáo.

 

Một bước thử thay đổi vận mệnh, song cũng là một bước “đầy tính bất lương” với nhiều người dùng. Mùi tiền luôn có thể trở thành con dao cắt đứt sợi dây giữa một nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng. Người dùng chú ý đến news feed đơn giản vì đó là nơi cập nhật từng phút những gì đang diễn ra trên thế giới xã hội ảo của họ, biến nó trở thành chất bôi trơn cho các quan hệ trong đời thực giữa bạn bè hay những mới làm ăn kinh doanh. Nếu Facebook Highlights có thể biến news feed tiếp cận gần hơn với người dùng, họ sẵn sàng đổ xô vào nó. Song nó cũng dễ rơi vào chảo lửa nếu chỉ làm “bẩn” những gì được coi là một trong những dịch vụ có giá trị của Facebook. Nếu đặt một trạm thu phí giữa con đường “Ai cũng có thể kết nối và chia sẻ”, Facebook có thể sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

 
Việc thu phí ở các mạng xã hội khác
 

Tumblr cũng từng đưa ra dịch vụ Highlighted Posts, vẫn đang ở dạng thử nghiệm, nơi mà người dùng trả 1 USD cho một post xuất hiện ở vị trí đầu tiên trên trang Dashboards (Hộp điều khiển), chứ không phải trên trang blog cá nhân.

Twitter thì lại là một nền tảng mạng xã hội đi con đường “tránh quảng cáo”, song các những người có nhu cầu có thể dùng hình thức Promoted Tweets để treo những lời quảng cáo của mình lên đầu các trang tìm kiếm hay thậm chí cả timeline của người sử dụng. Tuy nhiên, Promoted Tweets không dành cho người sử dụng cá nhân. Do chỉ hướng đến những người có nhu cầu quảng cáo nên Twitter không tính tới chuyện nhồi phí vào một dịch vụ miễn phí đang tồn tại hay cung cấp dịch vụ cao cấp mới cho người dùng. Promoted Trends cũng vậy.

 

Còn Facebook Offers cho phép các nhà quảng cáo tạo nên các coupon họ có thể chia sẻ với khách hàng thân thiết hay những follower thông qua news feed. Một số người cho rằng những coupon này chỉ tổ làm ô nhiễm news feed, nhưng chúng cũng chỉ xuất hiện ở những người đăng ký là fan của đơn vị kinh doanh đó. Dù các công ty ở Mỹ không phải trả tiền cho dịch vụ này, nhưng có lẽ cũng phải chi “một chút” cho việc quảng cáo và nâng cao lượng fan của mình, nên hình thức này thực chất cũng là một dạng để hỗ trợ cho quảng cáo.

 
Phí hay không phí?

Giờ tính năng này vẫn còn ở dạng thử nghiệm. Facebook có thể quyết định áp dụng mức phí free, với ý niệm rằng nó cho phép người dùng xác định các bài viết có ý nghĩa đặc biệt để chúng có thể được đưa lên đầu trang news feed của bạn bè trong một lúc. Ý tưởng về những người sử dụng quyền lực - hơn là việc chạy đi thu phí họ - có thể giúp Facebook tiệm cận với người sử dụng hơn, tất nhiên là phải song hành cùng một cơ chế tránh gây khó chịu cho người khác. Nhưng sẽ có một tiêu cực là xuất hiện những kẻ nghiện đánh dấu nổi bật cho bài viết của mình. Khi ấy một hình thức giới hạn sẽ là hợp lý. Mà dù trong trường hợp nào, điều Facebook phải quan tâm là những thứ được dán nhãn Highlights không làm giảm giá trị của news feed.

 

Tuy nhiên, nếu Facebook Highlights có thể tạo nên một nguồn thu bất ngờ cho hãng, Facebook có thể xem xét đến những dịch vụ cao cấp khác và củng cố thêm địa vị của mình trong lòng các nhà đầu tư. Chỉ riêng việc Facebook chịu khó tịch cực tìm cách “kiếm tiền cho nhà đầu tư” cũng đủ để tạo thiện càm cho họ. Điều này đặc biệt quan trọng khi mà Facebook đã đưa ra lời cảnh báo rằng việc kinh doanh quảng cáo đang gặp nguy hiểm khi mà người dùng truy cập Facebook qua di động gia tăng mà các quảng cáo lại hiếm xuất hiện được trên đó.

Tất nhiên Facebook không đặt cược quá nhiều vào Highlights. Thử nghiệm ở một môi trường khá tách biệt như New Zealand là một bước đi thông minh. Facebook phải hết sức thận trọng để không ảnh hưởng đến những thành công khác mà hãng đã đạt được. Bởi suy cho cùng, có một điều luôn đúng trong cái thế giới Internet này: Miễn phí no.1 và Tính phí no. 2, với đa phần người sử dụng.

Theo DigitalTrends.

people like INLOOK.VN fanpage