Bạn đang ở đây

Giám khảo VNTM: chuyên nghiệp chỉ là nói suông?

Thành viên ban giám khảo cuộc thi “Vietnam’s Next Top Model 2011” năm nay có sức thuyết phục hơn bởi luôn sử dụng những ngôn từ chuyên nghiệp. Nhưng dường như mọi thứ mới chỉ dừng lại ở khía cạnh ngôn ngữ.

"Bộ tứ quyền lực" của VNTM
Nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam là cái tên nổi trội trong làng nhiếp ảnh thời trang Việt Nam. Nhiều mỹ nhân Việt bỗng trở nên hút hồn và quyến rũ hơn qua từng góc máy của anh. Từ cách chọn bố cục, khai thác ánh sáng, kết hợp màu sắc... đều đạt chuẩn của sự chuyên nghiệp.
 
Đỗ Mạnh Cường là một nhà thiết kế trẻ, anh đã nhanh chóng xây dựng được thương hiệu sau thời gian du học về nước. Đã không ít lần Đỗ Mạnh Cường bị chỉ trích khi tác phẩm của anh có những đường nét tựa các mẫu thiết kế nổi tiếng của các thương hiệu lừng danh trên thế giới. Nói cách khác là đạo ý tưởng.
 
Cùng với Vietnam’s Next Top Model, cái tên Nam Trung trở nên thân quen hơn. Bởi công việc của chuyên gia trang điểm hầu hết ở hậu trường chứ hiếm khi họ xuất đầu lộ diện.
 
Cả 4 nhân vật đều gặt hái được nhiều thành quả trên con đường sự nghiệp của họ. Ngoài tài năng, yếu tố không thể thiếu để tạo nên thành công ấy chính là thái độ mẫn cán trong công việc. Nhưng khi ngồi vào vị trí ban giám khảo của cuộc thi tìm kiếm người mẫu Việt Nam, nhiều khán giả truyền hình, độc giả mạng khá băn khoăn về độ chuyên nghiệp của bộ tứ quyền lực. Đặc biệt là 3 thành viên Xuân Lan, Đỗ Mạnh Cường và Nam Trung.
 
Xuân Lan – Lý thuyết suông? 

Nhiều khán giả tò mò muốn chứng kiến cảnh Xuân Lan "cảm nhận đôi chân"
trên chiếc cầu khỉ

Xuân Lan chịu trách nhiệm chính trong việc rèn giũa và giúp các thí sinh hoàn thiện khả năng catwalk, thể hiện tốt ngôn ngữ hình thể và những đòi hỏi gắt gao về tác phong, phong cách trình diễn của một người mẫu chuyên nghiệp. Ngoài những phần catwalk đơn giản, bài học đơn thuần, khán giả mong muốn được chứng kiến "cô giáo" Xuân Lan thị phạm ( làm động tác mẫu) cho thí sinh để các thí sinh có thể hiểu rõ hơn về những lý thuyết chị vừa cung cấp.
 
Nhưng nhiều khán giả theo dõi kỹ chương trình năm nay đều có chung nhận xét: Xuân Lan nói nhiều hơn là hành động. Đặc biệt trong bài học kỹ năng catwalk nâng cao, Xuân Lan nhấn mạnh yếu tố: “cảm nhận đôi chân, giữ thăng bằng, lưng thẳng, eo cong, vai mở”. Nhưng khán giả chỉ thấy cô giáo Xuân Lan đứng chống hông dưới thảm cỏ xanh và nhắc đi nhắc lại lý thuyết suông. Nhiều khán giả rất tò mò muốn thấy hình ảnh siêu mẫu Xuân Lan đi trên cầu khỉ. Lúc ấy, chắc chắn những lời cô giảng dạy cho các thí sinh mới có trọng lượng và sức thuyết phục cao.
 
Không như mùa giải trước, ở mỗi phần thử thách các thí sinh đều được xem giám khảo Hà Anh thị phạm. Đặc biệt ở màn chụp ảnh trên không. Cô bay lơ lửng thực hiện phần tạo dáng đẹp mắt, chỉ ra những lỗi sai và giúp thí sinh nhanh chóng khắc phục để có được những shoot hình ấn tượng.
 
Nam Trung – gây rối trí?

Chuyên viên trang điểm Nam Trung với phong cách over.
 
Nam Trung xuất hiện tại các buổi chụp hình trong vai trò người giúp thí sinh hoàn thiện công đoạn tạo dáng và thể hiện thần thái. Nhưng xem qua 9 tập phát sóng có thể nhận thấy, các thí sinh khá bối rối trước sự hướng dẫn của anh. Các cô gái trẻ còn lạ lẫm với ống kính chuyên nghiệp, điều họ cần là “trực quan sinh động” chứ không phải những mỹ từ mang đầy tính chuyên nghiệp. Người xem có cảm giác, thí sinh nghe rõ nhưng không hiểu trọn vẹn ý nghĩa những thông điệp của Nam Trung đưa ra. Kết quả họ thực hiện không đúng ý đồ. Thầy giáo bực ra mặt, tiết tấu và cường độ giọng nói luôn cao hơn một mức: “em phải làm thế này, em phải làm thế kia”.
 
Đặc biệt trong thử thách chụp ảnh dưới nước, các thí sinh đều lúng túng không biết phải xoay sở ra sao khi ngụp lặn dưới nước, bộ trang phục như ghì họ xuống, khó lòng tạo dáng đẹp mắt. Nam Trung vẫn đứng trên bờ, hoa tay múa chân. Ở đây, cái thí sinh cần là chút gì thực tế và dễ cảm nhận chứ không chỉ là lời nói. 



Thầy trên bờ và trò dưới nước, khoảng cách của không gian và đặc điểm
địa hình khá là mênh mông.

 
Đỗ Mạnh Cường – kiệm lời và lỡ lời
Để nhận rõ được sự sâu sắc cũng như mức độ chuyên nghiệp của ban giám khảo có thể lắng nghe qua các nhận xét của họ. Xuân Lan và Nam Trung có cách trình bày ngôn ngữ khá tốt. Chỉ nghe hai vị giám khảo này phát biểu, nhiều người dễ tính sẽ nhận định họ là người có chuyên môn cao và cực kỳ chuyên nghiệp. Và đương nhiên chuyên nghiệp ở đây mới chỉ thể hiện ở khía cạnh “văn nói” của Xuân Lan và Nam Trung. 

Đỗ Mạnh Cường, Nam Trung, Xuân Lan, Phạm Hoài Nam
 
Đỗ Mạnh Cường tỏ ra khá kiệm lời trong mỗi lần nhận xét. Có thông tin cho hay, anh cũng phát biểu rất nhiệt tình, nhưng nội dung không mấy phù hợp với việc lên sóng truyền hình nên đã bị cắt bỏ. Điều khiến phần đông độc giả bận tâm về mức độ chuyên nghiệp của Đỗ Mạnh Cường là phát ngôn gây sốc, nặng lời của anh dành cho thí sinh Hoàng Oanh. Nhiều khán giả còn cho rằng anh thiếu cái nhìn bao dung, anh "xử sự như trò con trẻ và không xứng tầm với vị trí thành viên ban giám khảo".
 
Trên một số diễn đàn mạng còn ngỏ ý nên thay đổi thành viên trong ban giám khảo. Khán giả theo dõi chương trình khá bức xúc khi thấy được phần nào đó mức độ thiếu chuyên nghiệp của một vài thành viên luôn tỏ ra chuyên nghiệp.
Theo 24h
people like INLOOK.VN fanpage