Bạn đang ở đây

Hàng hiệu đang đổ về đâu?

Có gần một nửa thành phố nằm trong Top 20 điểm đến của hàng hóa xa xỉ toàn cầu tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và không có gì là khó khăn khi tìm sản phẩm của Louis Vuiton, Gucci, Prada, Ermenegildo Zegna… trong các shop thời trang ở Hong Kong, Singapore, Bắc Kinh, Tokyo…

Mặc dù kinh tế đang thời khủng hoảng, nhiều nhà sản xuất và người tiêu dùng phải “co mình”; Paris, Milan, London, New York không còn là trung tâm tiêu thụ hàng xa xỉ hàng đầu thế giới, nhưng thị trường hàng hiệu châu Á vẫn nóng lên từng ngày. Seoul, Thượng Hải, Mumbai, Hong Kong tràn ngập những khu mua sắm xa hoa ngang tầm với Bond Street, Champs Élysées hay Fifth Avenue.

Lối đi nào cho ngành công nghiệp xa xỉ ?

Theo khảo sát mới đây của hãng tư vấn bất động sản CB Richard Ellis, kinh tế thế giới đang trên đà tuột dốc mạnh trong vòng 1 thập kỷ qua. Chứng khoán, bất động sản, ngân hàng và đến bây giờ là ngành công nghiệp xa xỉ đã phải hứng chịu áp lực triền miên qua các làn sóng dao động của nền kinh tế.Chỉ trong 1 năm nay, các tập đoàn hàng đầu như Richemont và LMVH của Pháp (chủ nhân của các nhãn hiệu như Louis Vuitton, Gucci) đã mất gần 40% giá trị vốn đầu tư.

Đồng hồ xuất khẩu Thuỵ Sỹ thời gian qua đã giảm 12%, rượu champagne Pháp xuất sang Mỹ giảm 17%. Gã khổng lồ Tiffany trên đại lộ đắt đỏ Fifth Avenue, New York cũng giậm chân tại chỗ.

Thậm chí, để cắt giảm chi phí, cách đây gần 2 năm, Chanel cũng đã tuyên bố chấm dứt hợp đồng với hơn 200 nhân viên… Tăng trưởng của ngành công nghiệp nhà giàu này chỉ đạt mức trung bình 7-8% trong những năm qua.Nhiều hãng đã tung ra các chiến dịch giảm giá để thu hút sức mua như hàng YSL của Gucci, Saks Fifth Avenue, Brioni, Cartier, Van Cleef & Arpels, Montblanc… Nhưng việc tậu những món đồ trị giá hàng trăm nghìn đô trong thời buổi khó khăn phải được tính toán kỹ lưỡng. Chính vì vậy mà thị trường tiêu thụ sản phẩm cứ thu hẹp từng ngày, ngay trên những mảnh đất kinh đô thời trang vốn nổi tiếng với mức sống và tiêu thụ hàng hiệu dẫn đầu thế giới. Một thời gian dài người ta lấy mục tiêu “giảm sản xuất, hạn chế mở rộng thị trường” làm kim chỉ nam cho hoạt động của thương hiệu.

Giải cơn “khát khách”

Nhưng cũng phải đến lúc cục diện thị trường hàng hiệu lập một trật tự mới. Người ta không còn tuyệt đối chú trọng New York, Milan, London, Paris, Los Angeles… mà bắt đầu khai thác những thị trường đầy tiềm năng, vốn đã chuyển mình từ vài thập kỷ trước nhưng hiếm hoặc chưa được chú ý. Theo nghiên cứu của Merrill Lynch và Cap Gemini, những năm gần đây, số triệu phú tại Bắc Mỹ và châu Âu không thay đổi nhiều, tương ứng là 3,4 và 3,1 triệu người. Trong khi đó, tại châu Á-Thái Bình Dương, con số đã tăng từ 2,8 triệu người năm 2007 lên 3,3 triệu (2010). Chính vì vậy mà hàng loạt các thành phố của châu Á lọt vào tầm ngắm của các đại gia hàng hiệu mà dẫn đầu phải kể đến Hong Kong, và sau đó là Thượng Hải, Seoul, Đài Loan…

Với ưu điểm cư dân đông, hàng hóa nội địa chủ yếu dừng lại ở mức trung bình, trong khi thu nhập và mức sống khá cao, khi hàng hiệu ùa về, họ đua nhau chứng tỏ sự giàu có, sành điệu, sang trọng. Không biết từ khi nào, người ta lấy tiêu chí chiếc đồng hồ Vacheron Constantin, đôi giày Ferragamo, túi xách Chanel… là tiêu chuẩn để đánh giá đẳng cấp của một doanh nhân, ngôi sao, thậm chí là người bình thường.Chỉ sau một thời gian ngắn, khắp các con phố của những thành phố lớn ở châu Á đã tràn ngập các cửa hàng thời trang thời thượng với giá trị mỗi món đồ tương đương với cả tháng, có khi cả năm thu nhập bình quân đầu người. Không phải là người ta nhắm mắt vung tiền, mà xài hàng hiệu đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với người châu Á.

Một số công ty chuyên phân phối hàng xa xỉ tiết lộ rằng khi vực châu Á hiện đang chiếm từ 1/3 đến ½ doanh thu bán hàng toàn cầu. Con số này chỉ tăng vọt trong 2 thập kỷ trở lại đây, và nó thực sự làm người ta choáng váng. Nhiều thương hiệu nhanh chóng mở rộng hệ thống cửa hàng, biến nhiều nơi ở Trung Quốc và Đông Nam Á thành thiên đường mua sắm được khét tiếng thế giới.

Thị trường bền vững cho hàng xa xỉ

Theo số liệu của Bain & Co, năm 2008, châu Âu chiếm 38% thị trường hàng hóa xa xỉ toàn cầu nhưng đã tụt xuống khoảng 1-2% trong năm qua. Trong khi đó, châu Á lại tăng đột biến từ 25% năm 2008 lên 28% (2010). Người ta còn dự đoán rằng con số này sẽ tăng đều đặn thời gian tới, mặc dù thị trường nào rồi cũng có lúc sẽ bão hòa.Ermenegildo Zegna, thương hiệu thời trang nam hàng đầu nước Ý chỉ sau một thời gian ngắn “khám phá”, đến nay đã có hơn 70 cửa hàng tại Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan. Mang phong cách phong trần của quý ông phương Tây cổ điển kết hợp với nét hiện đại của người đàn ông thành đạt, gam trầm nền nã nhưng sắc nét trong các bộ sưu tập gần đây của Zegna đã khiến không ít người tiêu dùng “điêu đứng”. Giờ đây, khu vực này là thị trường quốc tế lớn nhất của Zegna.Chỉ tính riêng trong năm 2010, Louis Vuitton, tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới, đã kiếm được 6,9 tỉ Bảng Anh (9,7 tỉ USD) tại châu Á với hệ thống hơn 800 cửa hàng. Trong khi đó, doanh thu tại hơn 570 cửa hàng đóng ở châu Mỹ cũng chỉ dừng lại ở mức 4,6 tỉ Bảng Anh, không cao hơn so so với năm trước bao nhiêu.Tuy chậm chân hơn một chút, như Prada cũng đã kịp nắm bắt cơ hội khi đầu tư vào Trung Quốc đại lục, Singapore và Seoul. Cuối năm 2010, họ có hơn một nửa trong số 319 cửa hàng nằm ở khu vực châu Á-Thánh Bình Dương, trong đó, hơn 10 cửa hàng rải rác khắp các trung tâm mua sắm của Hong Kong. Song song với sự đổ bộ của hàng hóa là việc phát hành cổ phiếu (IPO) và kết quả cũng khả quan không kém. Dự kiến thời gian tới, Prada sẽ mở rộng chuỗi cửa hàng bằng chính số tiền kiếm được từ cổ phiếu, trị giá khoảng 2,1 tỉ USD.

Trật tự hiện tại của thị trường hàng xa xỉ thế giới

Sau giai đoạn chuyển mình, thị phần của các thương hiệu hàng xa xỉ đã được thiết lập mới. CB Richard Ellis đã chính thức công bố danh sách những kinh đô thời trang và hàng hiệu thế giới. Dẫn đầu vẫn là New York, Hong Kong đứng thứ 2, qua mặt các kinh đô truyền thống như London, Paris, Roma và cả Milan.Đặc khu Hong Kong đã thu hút tới 84% các thương hiệu xa xỉ thế giới. Các thành phố của châu Á nằm trong top 20 của bảng danh sách này gồm có Tokyo (8) với 69% thương hiệu xa xỉ toàn cầu, Bắc Kinh (10) với 67% thương hiệu, Singapore, Thượng Hải, Tokyo.

Theo Xinhua, không chỉ riêng hàng xa xỉ, Hong Kong còn là thành phố hấp dẫn nhất đối với các hãng bán lẻ quốc tế. Hơn 41% hãng bán lẻ trên toàn thế giới có đại lý tại đây. Các thành phố khác ở châu Á cũng chiếm ưu thế bán lẻ cao, trong đó có Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải và Tokyo.

Tại Đông Nam Á:

- Singapore nổi tiếng từ lâu là trung tâm hàng hiệu hàng đầu khu vực. Đàn ông Singapore thích bỏ tiền vào đồng hồ, xe hơi và bất động sản.

- Malaysia và Thái Lan đã có những bước phát triển vững vàng trên con đường hàng hiệu nhờ khách hàng thượng lưu và hàng chục triệu khách du lịch hàng năm.

- Indonesia và Philippines mới chỉ bắt đầu. Đối tượng hàng xa xỉ ở Indonesia là người giàu mới nổi và điểm đặc biệt của hàng hiệu ở đây là đơn giản đến mức… đơn điệu. Còn Philippines mang đậm chất phương Tây hơn cả.

- Ở Việt Nam, 71% người được hỏi cũng đã “mềm lòng” với hàng hiệu.

Theo Himmag

 

people like INLOOK.VN fanpage