Bạn đang ở đây

Sự "tiến hoá" từ đàn ông thành "chuẩn men"

Những sự kiện xung quanh Cao Thái Sơn đã làm bùng phát cơn lốc “chuẩn men”. Vậy “chuẩn men” là gì?

Nhắc đến “chuẩn men” người ta có thể liên tưởng đến từ “hot boy”, hay đúng hơn là chuẩn mực về vẻ đẹp của đàn ông thời nay. Và từ “chuẩn men” chắc chỉ có người Việt mình hiểu dù có “men” vốn là tiếng Anh.

Thời “bình”, thời của “đàn ông”

Nói là thời bình vì lúc đó cuộc sống chưa “bao gồm” internet, truyền hình số, thậm chí là đầu DVD. Có thể tạm chọn cột mốc từ năm 2000 trở về trước.

Các ca sĩ như Lam Trường, Đan Trường vào thời điểm đó là “hàng hiếm”, với hình ảnh thư sinh, “bạch mã hoàng tử” - có được lượng fan hâm mộ đồ sộ từ Bắc vào Nam.

Nói là hàng hiếm bởi lúc ấy, mọi người vẫn chịu ảnh hưởng đậm nét của thế giới giải trí phương Tây. Khi mà những gã trai bụi bặm, thô ráp như Kevin Costner, Harrison Ford, Mel Gibson, Bruce Willis.v.v. khiến giới trẻ mê mẩn với phong cách quyết đoán, mạnh mẽ và có phần thô bạo.

Xưa hơn một chút, một ông trùm Mafia thực sự được đưa lên màn ảnh với Marlon Brando trong “Bố Già” (The Godfather) hay hình ảnh chàng cao bồi bất tử của Clint Eastwood trong tác phẩm kinh điển 'The bad, the good and the ugly'.

Mà cũng không cần nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, hình ảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với dáng vẻ hơi gầy gò nhưng phong trần, đầy ưu tư; hay “Đại tá Nguyễn Thành Luân” – Nguyễn Chánh Tín hào hoa, lịch lãm cũng trở thành hình mẫu mà giới trẻ ngày ấy theo đuổi.

Gã cao bồi đầy bụi bặm Clint Eastwood

...và “lãng tử” Trịnh Công Sơn

Thời kỳ đầu tiên giải ngoại hạng Anh bắt đầu đến với người hâm mộ Việt Nam một cách chưa chính thức, thông qua bản tin tổng hợp vòng đấu hay một số trận đấu được chọn lọc, thì những cầu thủ như Cantona, Roy Keane, Viera với dáng vẻ “ngầu ngầu”, cùng lối chơi quyết liệt để lại ấn tượng sâu đậm nhất.

David Beckham vào lúc đó có lẽ cũng giống như… Đan Trường – có khả năng tạt bóng, sút phạt thần sầu, nhưng liệu nếu không có vẻ mặt thiên thần cùng mái tóc hai mái lãng tử - một ngoại hình khá “khác biệt” so với hầu hết các cầu thủ bóng đá lúc bấy giờ, anh có được mọi người chú ý!

David Beckham khi còn là "baby"

...vẫn giữ vững phong độ khi đã là người đàn ông của gia đình

 

Bất kể điều đó, đây vẫn là thời điểm mà ngay cả Brad Pitt hay Tom Cruise cũng “sắm” cho mình dáng vẻ lì lợm, bụi bặm để theo đuổi vẻ đẹp mà mọi người gọi đơn giản là: Đàn ông!

"Chuẩn men"- Từ cơn lốc internet…

Bạn có biết đã từng có cơn sốt “lục thùng rác tìm tóc” khi người ta hay tin Beckham xuống tóc “gần như hoàn toàn” lần đầu tiên?!

Sự việc đó đánh dấu việc giới trẻ dần bắt đầu hấp thụ hiệu ứng từ những ngôi sao mới như Leonardo Dicaprio – khi “Jack” của anh làm thổn thức biết bao con tim với “chuyến tàu Titanic định mệnh”.

Thế giới âm nhạc chứng kiến những ban nhạc Rock gần như lép vế trước sự trỗi dậy của các Boy bands. Mà ngay cả xu hướng boy bands cũng có sự chuyển đổi đại loại như: từ “cơ bắp” như 98 Degrees, “bụi bặm” với Backstreet Boys hay Five “rock” - dần nhường bước cho những phiên bản “nhẵn nhụi”, “thanh tú” hơn như A1, Westlife.v.v.

Từ “bụi bặm” với BSB

...đến “thanh tú” như A1

…và đầy màu sắc như K-Pop hiện nay

Cuộc chiến ban đầu diễn ra trên các chương trình MTV và về sau trở nên dữ dội với INTERNET – kênh thông tin ngày càng tiếp cận gần gũi hơn với người dùng Việt Nam.

Theo đó, các khán giả bắt đầu quan tâm đến kiểu tóc mới của Beck, đám cưới của Beck và cuộc sống của Beck. Anh khiến giới truyền thông tạo ra cụm từ Metrosexual - dùng để chỉ một người đàn ông rất quan trọng hóa và chăm chút ngoại hình của mình.

Beck chăm đi shopping, chăm sóc móng tay, mái tóc. Anh có những người hưởng ứng nổi tiếng như diễn viên Jude Law và khiến dịch vụ dành cho doanh nhân điền thêm mục chăm sóc móng tay hay da mặt, bởi họ bị ám ảnh theo kiểu: Tôi không để mình kém hoàn hảo hơn đối thủ - một biểu hiện của áp lực cạnh tranh trong cuộc sống lẫn công việc ngày nay. 

Tại châu Á, ngôi sao hàng đầu của điện ảnh Hàn Quốc Bae Young Jun tạo ra làn sóng hâm mộ không chỉ riêng tại Việt Nam mà còn khắp châu Á. Anh có hàm răng trắng đều như bắp, mái tóc luôn hoàn hảo, nụ cười “chết người”. Nói chung, tất cả đều “chuẩn không cần chỉnh”.

Ngoài ra, bạn còn có thể tìm thấy trên những tờ báo được ưa chuộng vào lúc đó như Thế giới Phụ nữ, Mực tím, Hoa học trò dẫn chứng cho một xu hướng: các chàng trai có vẻ baby dễ tìm được bạn gái hơn trong khi những gã quá nam tính lại bị mất điểm.

…đến “chuẩn men” và Metrosexual biến mất 

Thực vậy, khái niệm Metrosexual gần như đã không còn một khi nó trở thành  một điều bình thường, tất yếu trong cuộc sống.

Có những thứ được Internet làm thay đổi quá nhiều chỉ trong khoảng 1 thập kỷ - và nếu như thời trang cho nữ giới vẫn ổn định thì thời trang cho nam giới chính là một điều như vậy.

Châu Á chiếm tới 60% dân số thế giới là những người quyết định xu hướng thị trường tiêu dùng. Điều này lý giải việc: khi làn sóng K-Pop lan tỏa với tốc độ chóng mặt thì phong cách thời trang của sao Hàn trở thành chuẩn mực cho giới trẻ.

“Chuẩn men” trong rất nhiều ý nghĩa người ta đã sử dụng với đủ loại hàm ý – mỉa mai, đề cập đến vấn đề giới tính, quảng cáo – thì phổ biến nhất là cách mọi người – chủ yếu là giới trẻ Việt -  nói về một phong cách thời trang hay ngoại hình lý tưởng cho người đàn ông hiện nay.

Thời trang nam thật sự có quá nhiều “thay đổi”

Từ quần áo với màu sắc sặc sỡ, những kiểu dáng trước đây vốn chỉ dành cho phụ nữ đến việc chăm sóc da mặt, cơ thể được các cậu trai đón nhận “nồng nhiệt”, trong khi nữ giới có xu hướng không chấp nhận bạn trai mình quá “xuề xòa” với vẻ bề ngoài và coi trọng những người biết chăm chút ngoại hình của mình.

Điều đó được hiểu một cách đơn giản là đã khai tử khái niệm Metrosexual vì giờ đây hiện tượng nam giới dành nhiều thời gian cho việc ăn mặc, chăm sóc cơ thể trở thành một điều hết sức bình thường.

Vì vậy, ngay cả khi từ “Chuẩn men” có thể không bao giờ trở thành một từ ngữ chính thống của tiếng Việt thì cũng không nên hiểu lệch lạc thành vấn đề “giới tính”.

Hãy nhìn Cristiano Ronaldo – CR7 luôn giữ vẻ ngoài hoàn hảo ở mọi lúc nhưng anh vẫn tỏa sáng trên sân cỏ. Ca sĩ Psy, người nổi tiếng với điệu nhảy Gangnam Style cũng là fan trung thành của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng. Leonardo - chàng Jack “Titanic” thư sinh ngày nào lại vừa thay cô bồ mới.

Không chỉ riêng tại Hàn Quốc – nơi thị trường mỹ phẩm nam giới đã đạt tới cột mốc 900 triệu USD – đàn ông ở nhiều nơi trên thế giới đang triệt để thay đổi ý thức hệ xưa cũ. Làm đẹp không còn là lĩnh vực riêng của  nữ giới nữa.

Có thể thấy, đây là một xu hướng tất yếu. Miễn là đừng để việc trang điểm ảnh hưởng đến nam tính của bạn. Vẻ đẹp “đàn ông” kiểu mẫu ngày xưa và quan điểm “chuẩn men” ngày nay không phủ nhận hay mâu thuẫn gì với nhau cả. Chúng tồn tại song song.

Và khi ai đó nói – “Anh ấy thật chuẩn men” – thì bạn có thể tự tin hiểu rằng họ đang nói đến điều gì!

Theo NCĐT

people like INLOOK.VN fanpage