[sách mới] The Waves - triều dâng cuộc sống

"Những lớp sóng" của Virginia Woolf là triều dâng của đời sống, triều dâng của một thứ ngôn từ nghệ thuật ngoại hạng mà dường như chỉ có một thiên tài như nàng, người tạo ra những bước sóng lạ thường trong văn chương thế kỷ hai mươi. Tác phẩm này được xếp hạng thứ 16 trong số 100 tiểu thuyết Anh hay nhất mọi thời đại.

 

Tác phẩm cuốn người đọc vào những bài thơ xuôi của sóng triều qua những thời khắc khác nhau, vào những độc thoại nội tâm triền miên của sáu nhân vật  (Bernard, Neville, Jinny, Susan, Rhoda và Louis) hay sáu phương diện của một nhân vật cũng được, như những lớp sóng khác nhau cũng chỉ là biển mà thôi, thế nên cuối cùng Bernard đã nói: "Tôi là ai? - Tôi là tất cả bọn họ"? Tôi là một và  tách biệt? Tôi không biết nữa".


Woolf đã tràn trề linh ứng, dựng lên những lớp sóng ngôn từ  để thử nắm bắt những nhịp điệu sâu sa trầm bổng của cõi người ta. Nhưng cõi người ta là một công án, thứ không phải để diễn giải hay nắm bắt. 

 


Vậy "Những lớp sóng" để làm gì? Để bạn tắm mình trong đó, trong niềm vui nỗi buồn và Cái Đẹp thiên thu.


Tôi nghĩ đó là lý do mà dịch giả Nguyễn Thành Nhân, người say mê Virginia Woolf  đến độ thắng lướt những e sợ ngại ngần (Ai sợ Virginia Woolf !?), đã đưa "Những lớp sóng" về ngân nga tiếng Việt.

Đó là một niềm vui.

Sách do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành, giá bìa: 135.000 đồng.

NetaBook đang bán giá 108.000 đồng, đặt hàng ngay tại đây https://www.netabooks.vn/nhung-lop-song-the-wave

Mặt trời chưa mọc. Không thể phân biệt giữa biển và trời, ngoại trừ việc mặt biển hơi gờn gợn, giống như những nếp nhăn trên một mảnh vải. Khi bầu trời rạng dần, một vạch sậm nằm trên chân trời tách biển khỏi bầu trời và tấm vải xám biến thành vải sọc, với những đường sọc dày di động, sọc này nối tiếp sọc kia bên dưới bề mặt, chạy theo nhau, đuổi theo nhau, liên miên không dứt.
 
Khi chúng tới gần bờ, từng đường sọc dựng lên, cuộn thành khối, vỡ tung, và quét một màn nước trắng mỏng manh qua bãi cát. Lượn sóng dừng lại, rồi rút lui, thở dài như một kẻ ngủ mê, hơi thở đến và đi trong vô thức. Dần dà, đường vạch sậm trên chân trời trở nên trong trẻo, như thể chất cặn trong một chai rượu vang cũ đã lắng xuống và trả lại màu xanh cho cái ly. Phía sau nó, bầu trời cũng trong dần, như thể chất cặn màu trắng ở đó đã lắng xuống, hay như thể cánh tay của một phụ nữ đang nằm bên dưới chân trời đã giơ lên một ngọn đèn, và những vạch trắng, lục và vàng mịn màng trải ngang qua bầu trời như những nan quạt của một chiếc quạt xếp. Rồi nàng nâng ngọn đèn lên cao hơn và dường như không gian bị tách thành từng thớ sợi từ bề mặt màu lục, lung linh và bùng cháy trong những thớ sợi đỏ và vàng như ánh lửa mờ khói tỏa ra từ một viên pháo hoa. Dần dần, những thớ sợi của viên pháo hoa tan chảy thành một làn sương mù, một sự nóng chảy nâng sức nặng của bầu trời màu len xám lên tới đỉnh và biến nó thành một triệu nguyên tử của màu xanh êm dịu. Bề mặt của biển dần trở nên trong suốt và gợn sóng lăn tăn, lấp lánh, cho tới khi những đường sọc tối hầu như bị xóa sạch. Cánh tay cầm ngọn đèn chậm rãi nâng nó lên cao hơn, cao hơn nữa, cho tới khi một ánh lửa tỏa rộng hiện ra; một vòng cung lửa bùng cháy trên mép chân trời, và biển tỏa ánh vàng quanh nó.”
 
Tôi bỡ ngỡ bước vào Những lớp sóng từ những dòng đầu tiên trích dẫn bên trên, và từ đó câu chuyện, hoặc không có câu chuyện nào hết, mà chỉ những dòng văn xuôi đẹp như thơ, những hình ảnh và âm thanh, nhịp điệu và sắc màu, hiện tại và quá khứ của các nhân vật trộn lẫn vào nhau chảy thành một dòng miên man liên tục từ đầu đến cuối, dõi theo cuộc đời của bảy con người, bảy cá thể, và những suy tư, thao thức, trở trăn của từng người trong cuộc kiếm tìm ý nghĩa cuộc đời thông qua tình bạn, tình yêu, lẽ sống. Một cuộc kiếm tìm “bản lai diện mục”, với những câu hỏi mà từng nhân vật luôn đặt ra, lặp đi lặp lại với chính mình: “Tôi là ai?”, “Bạn là ai?” “Ý nghĩa của cuộc sống này là gì?”
 
Rốt cuộc mỗi cá nhân cũng tự xác định được cho mình con đường phải bước, vui vẻ, hạnh phúc, chấp nhận, hoặc miễn cưỡng, đau khổ, đắng cay, và biết ở cuối chặng đường đó là cái chết không ai tránh khỏi. Cái chết cũng là một ám ảnh khôn nguôi trong Những lớp sóng. “Cái chết là gì, và ta phải đối phó với nó như thế nào?” Có lẽ từng nhân vật trong tác phẩm, và mỗi chúng ta phải tự trả lời cho mình câu hỏi đó, bởi mỗi cá nhân đều phải đối mặt với cái chết, theo cách của mình. Trong tác phẩm này, Percival chết vì ngã ngựa ở Ấn Độ trong lứa tuổi giữa hai mươi. Rhoda tự sát. Và Bernard, ở những dòng cuối cùng, tự xác định với mình: “Kẻ thù nào chúng ta nhận thấy đang tiến lên chống lại chúng ta, ngươi, con ngựa mà ta đang cưỡi lúc này, khi chúng ta đứng trên vỉa hè này, có biết không? Đó là cái chết. Cái chết là kẻ thù. Đó là cái chết mà để chống lại nó tôi cưỡi trên lưng ngựa với ngọn giáo vắt ngang và mái tóc bay ngược về phía sau như mái tóc của một chàng trai trẻ, như mái tóc của Percival, khi cậu ấy phi nước đại ở Ấn Độ. Tôi thúc đinh vào con ngựa của tôi. Để chống lại ngươi, ta sẽ lao tới trước, bất khả chiến bại và bất khuất, hỡi Cái chết!”  
 
Những lớp sóng dõi theo cuộc đời của 7 người bạn, Bernard, Louis, Neville, Percival (nam), và Susan, Jinni, Rhoda (nữ), từ lúc họ cùng sống với nhau ở một nhà trẻ vùng duyên hải cho đến chặng cuối cuộc đời của mỗi người. (Riêng Percival không xuất hiện với tư cách một nhân vật có tiếng nói của riêng mình mà chỉ hiện lên qua những suy nghĩ và hồi ức của các bạn anh ta.) Tác phẩm gồm có chín phần. Mở đầu  cho từng phần là một miêu tả chung cảnh biển khơi, môi trường xung quanh và thời điểm (vị trí của mặt trời trên bầu trời) trong ngày. Các miêu tả đi từ sáng sớm, lúc mặt trời chưa mọc ở phần đầu, khi các nhân vật còn là những đứa trẻ, cho tới lúc mặt trời đã lặn ở phần cuối, khi các nhân vật tới chặng cuối cuộc đời của họ. Trừ những miêu tả mang tính chất trung tính, khách quan, những phần đều là dòng ý thức và độc thoại của các nhân vật.
 
Sau đây xin được tóm tắt nội dung cơ bản của từng phần:
 
Phần 1:
Miêu tả cảnh mặt trời đang mọc và ngày dần đến. Câu chuyện bắt đầu với những độc thoại ngắn của từng nhân vật về những gì họ nhìn thấy ở môi trường xung quanh lúc mặt trời vừa rạng. Sau đó là những triển khai đi sâu hơn vào tính cách, suy tư của các nhân vật trong cuộc sống của họ ở nhà trẻ.
 
Phần 2:                        
Miêu tả mặt trời vẫn đang mọc, sóng vỗ mạnh hơn. Các cô bé và cậu bé rời nhà trẻ để tới trường nội trú riêng của họ. Mạch độc thoại nêu chi tiết những phản ứng và suy nghĩ của họ ở trường nội trú và trong thời gian họ trở về nhà nghỉ hè. Phần này giới thiệu nhân vật nam Percival, kẻ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của tất cả các nhân vật còn lại nhưng không có tiếng nói nào trong tác phẩm. Ở cuối phần này, Susan trở về nhà, Neville và Bernard chuyển sang học đại học. Rhoda và Jinni tới London và Louis tìm được một việc làm.
 
Phần 3:
Mặt trời đã mọc và chim chóc kêu hót vang lừng. Các nhân vật đang cố cải thiện tính cách của mình trong lúc đấu tranh để làm hòa với chính mình. Bernars và Neville cùng học chung một trường đại học. Bernard cố gắng phát triển bản thân với tư cách một nhà văn, còn Neville học văn chương và mơ tưởng tới Percival. Louis sống ở London với tư cách một thư ký. Rhoda và Jinny có cùng một giai tầng xã hội ở London. Tuy nhiên Jinny thích giao tế rộng rãi trong khi Rhoda chán ghét môi trường xã hội và rút lui sâu hơn vào chính mình. Susan trở về nhà sau khi du học ở nước ngoài.
 
Phần 4:
Mặt trời ở đang thời điểm sáng chói. Độc thoại của Bernard mở đầu phần này và ngay lập tức anh thông báo về việc mình đã đính hôn. Anh đang trên đường tới London để gặp các bạn khác trong một buổi tiệc đêm tiễn chân Percival sang Ấn Độ. Đây là lần đầu tiên từ hồi còn bé họ gặp nhau với tư cách một nhóm và những độc thoại của họ thể hiện những suy tư của họ. Percival là người tới sau cùng và khi anh tới, số còn lại cảm thấy nhẹ nhõm.
 
Phần 5:
Mặt trời lên tới vị trí cao nhất và sóng vỗ mạnh vào bờ. Bi kịch bắt đầu với cái chết của Percival. Phần này đi sâu vào những cảm giác và phản ứng của Neville, Bernard và Rhoda đối với cái chết của người bạn thân. Neville cực kỳ đau đớn. Bernard buồn phiền nhưng cũng vui mừng vì sự ra đời của con anh. Với Rhoda, cái chết khẳng nhận sự trống rỗng của cuộc đời cô.
 
Phần 6:
Mặt trời bắt đầu đi xuống và sóng rút ra xa, vỗ vào những tảng đá ngoài khơi và tràn vào các hang động. Các nhân vật giờ là những cá nhân trưởng thành chín chắn và đang đi theo con đường họ đã chọn. Susan và Bernard có vẻ hài lòng với cuộc sống nhất trong số các nhân vật, và đều đã có con cái. Neville và Jinny tới gần với mục tiêu thành đạt của mình nhất, cả hai đều sống cuộc sống tròn đầy. Louis thành công trong công việc trong lúc có một quan hệ tình cảm với Rhoda chán đời. Cái chết của Percival vẫn treo lơ lửng bên trên họ, nhưng nặng nề nhất là với Neville, luôn so sánh những mối tình sau này với mối tình đầu dành cho Percival.
 
Phần 7:
Mặt trời xuống thấp hơn và sóng vỗ bờ. Các nhân vật giờ đã ở lứa tuổi trung niên và những độc thoại của họ quay ngược về quá khứ. Bernard suy nghĩ về một cuộc sống thất vọng và sự đổ vỡ tình cảm với vợ mình trong lúc đi du lịch ở Rome. Susan hài lòng với cuộc sống quê mùa, nhưng nhớ tiếc thời tuổi trẻ. Jinny suy nghĩ về ngoại hình ở lứa trung niên của mình và tự trấn an rằng cô vẫn còn hấp dẫn đối với những chàng trai trẻ. Louis tiếp tục thành công trong sự nghiệp, nhưng cố thể hiện khía cạnh tâm hồn của mình nhiều hơn. Rhoda du lịch ở Tây Ban Nha sau khi cắt đứt tình cảm với Louis, cô vẫn không nhẹ nhõm hơn và toan tự sát khi đứng trên rìa một vách đá. Neville trở thành một nhà thơ, nhưng cũng giống như Jinny, cảm nhận được những tác động của tuổi tác đối với cuộc sống của mình.
 
Phần 8:
Mặt trời đang lặn và lũ chim săn mồi xuất hiện thay cho những con chim bé nhỏ hiền lành. Sáu người bạn lại đoàn tụ một lần nữa ở cung điện Hampton Court. Như lần họp mặt trước, nó bắt đầu một cách không thoải mái rồi dần dần trở nên dễ chịu hơn. Vào cuối bữa ăn, họ gạt bỏ quá khứ sang bên và đi dạo trong công viên Hampton. Louis và Rhoda thảo luận về cuộc chia tay của họ.
 
Phần 9:
Mặt trời đã lặn, ngày kết thúc. Phần này chỉ bao gồm độc thoại duy nhất của Bernard. Xuyên suốt tác phẩm, anh luôn là người kể chuyện và lúc này anh kể lại câu chuyện đời mình với một thực khách không quen biết. Anh mô tả những người bạn cũng như cuộc đời của chính mình với một tinh thần tranh đấu. Cuối cùng, anh quyết định bỏ lại cuốn sổ tay ở nhà hàng, cố gắng quay lại với việc tạo ra những cụm từ đơn giản hồi còn thơ ấu.
***
           
Những lớp sóng là cuốn tiểu thuyết thứ 7 của Virginia Woolf. Bà khởi thảo tác phẩm này vào khoảng tháng 9/1929 và hoàn thành vào tháng 2/1931, sau 19 tháng miệt mài viết và chỉnh sửa nhiều lần.
Ban đầu bà định đặt tên tác phẩm là Moths (Bướm đêm). Tháng 4/1930, bà hoàn thành bản thảo đầu tiên, nhưng ngay từ tháng 10/1929, những ý tưởng mới nảy sinh và bà cảm thấy tựa đề cũng như chủ đề của bản thảo này chưa thỏa đáng, và quyết định viết lại toàn bộ. Ngày 13/6/1930, bà viết bản thảo thứ hai và mãi tới đầu 1931 mới hoàn thành nó, nhưng vẫn còn có những chỉnh sửa quan trọng khác sau đó. Đây là tác phẩm gây khó cho Virginia Woolf nhất, khiến bà lao tâm nhiều nhất, mất thời gian nhiều nhất trong quá trình tạo tác so với toàn bộ các tiểu thuyết khác của mình. Một phần vì mong muốn chảy bỏng viết ra một tác phẩm mà theo bà là “tác phẩm đầu tiên của tôi theo phong cách của chính tôi” (“my first book in my own style” – Diary IV, 1983, tr. 53). Phần khác là vì những hồi ức thương tâm đối với người anh trai Thoby đã mất, mà bà bắt buộc phải gợi lại, vì ông là nguyên mẫu của nhân vật Percival.
 
Đây cũng là một tác phẩm cực kỳ thách thức, cực kỳ khó đọc, thậm chí đối với những độc giả mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Nhưng tôi hy vọng rằng với các độc giả  đã quen với văn phong của tác giả qua các tác phẩm khác như Tới ngọn hải đăng, Bà Dalloway hoặc Căn phòng của Jacob, sự tiếp cận và cảm thụ Những lớp sóng sẽ ở một mức độ lạc quan hơn rất nhiều. Nói như thế, không có nghĩa rằng đây là một tác phẩm không đáng đọc. Cho tới nay, nó được đại đa số các nhà nghiên cứu phê bình và một số lượng tương đối các độc giả yêu thích tác phẩm văn chương hiện đại đánh giá rất cao. Có vô số công trình nghiên cứu không thể liệt kê hết ra đây, phân tích và đánh giá Những lượn sóng từ các góc độ khác nhau như văn học, triết học, nhân văn, kinh tế chính trị, phê bình sinh thái… Bản thân tôi cũng chỉ có thời gian để đọc lướt qua vài tác phẩm tình cờ tìm được trên mạng trong số đó, chẳng hạn như Porous Identity in Virginia Woolf’s The Waves: Anticipating a Digital Subjectivity của Tiến sĩ Elise Takehana (University of Florida),  The mind grows rings – Mindscape, Lanscape and the Biotic Community in Virginia Woolf’s The Waves của  tác giả Hesinggin Yliopisto (University of Hensingki, một luận văn cao học thuộc lĩnh vực phê bình sinh thái, hoặc “One World One Life”: the Politics of Personal Connection in Virginia Woolf’s The Waves của Jocelyn Rodal (MIT).
 
Dù không thành công về mặt thương mại, Những lớp sóng được công nhận rộng rãi là một tuyệt phẩm văn chương hiện đại. Trong cuộc bình chọn do BBC tổ chức vào năm 2015 với sự tham dự của 77 nhà phê bình văn học từ khắp nơi trên thế giới (không có ai là người Anh), tác phẩm này được xếp hạng thứ 16 trong số 100 tiểu thuyết Anh hay nhất mọi thời đại.
 
Tác phẩm này cũng là khơi gợi cảm hứng cho một số tác phẩm âm nhạc. Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Canada Gary Kulesha đã viết tác phẩm The Boughs of Music. Tựa đề của bản giao hưởng này là một cụm từ trong The Waves (trong độc thoại của Rhoda).
 
Khi Virginia qua đời, mười năm sau khi Những lớp sóng được công bố, Leonard Woolf, chồng bà, đã khắc hai dòng cuối của Những lớp sóng lên tấm bia mộ nơi đặt tro cốt của bà ở sân sau tòa nhà Monk’s House ở Rodmell:
 
“Để chống lại ngươi, ta sẽ lao tới trước, bất khả chiến bại và bất khuất, hỡi Cái chết!  
Những lượn sóng vỡ tung trên bờ biển.”
 
(“Against you I will fling myself, unvanquished and unyielding, O Death!
The waves broke on the shore”)

            Nhân tiện, tôi xin giải thích đôi lời về tựa đề của bản dịch này. Tôi chọn Những lớp sóng thay vì Những lượn sóng, bởi Những lớp sóng hàm ý nhiều hơn. Những lớp sóng vừa bao gồm những lượn sóng ở một thời điểm cụ thể, như những thời điểm cụ thể trong chín phần của The Waves, vừa chỉ ra sự biến thiên thay đổi, lớp sóng này thế chỗ cho lớp sóng kia, thế hệ này thế chỗ cho thế hệ kia. Như một câu đã trở thành sáo ngữ nhưng vẫn có một ý nghĩa hay ho nhất định: “Sóng Trường Giang lớp sau xô lớp trước”.
 
Cuối cùng, tôi xin mượn vài dòng nhận xét của nhà văn Anh trẻ tuổi và nổi tiếng đương thời Amy Sackville thay cho lời kết của phần giới thiệu này:
 
“Tôi đọc cuốn sách này lần đầu có lẽ vào năm mười sáu tuổi; tôi từng nghe nói nó là cuốn tiểu thuyết khó đọc nhất của Woolf, và, vốn là một cô gái cứng đầu, tôi đã quyết định rằng đây là nơi để bắt đầu [nghiên cứu] sự nghiệp văn chương của . với tư cách một độc giả, một nhà văn, tôi thường xuyên quay lại, vì tính chất trữ tình, u sầu, nhân văn của nó. Bản chất của cái tôi, sự suy nghiệm về thế giới bằng những ngôn từ, cái cách thức mà trong đó cả hai vấn đề đều bất khả giải quyết; đây là những mối quan tâm mà tôi quay lại hết lần này sang lần khác. ‘Điều gì nằm bên dưới sự giống nhau của sự vật’; ‘Tôi cần một ngôn ngữ nhỏ nhẻ như thứ ngôn ngữ mà những cặp tình nhân sử dụng’; có những cụm từ cứ tràn qua bờ tâm trí xao lãng của tôi, lặp đi lặp lại, một phần của nhịp điệu nội tâm của tôi, mỗi lần lại xuất hiện theo cách khác nhau.”
 
Vì là một tác phẩm rất khó đọc, dĩ nhiên Những lớp sóng cũng là một tác phẩm rất khó dịch. Vì vậy mong độc giả lượng thứ nếu có chi tiết nào sơ thất trong bản dịch, và tôi rất mong nó được đón nhận với niềm đồng cảm. Xin trân trọng cám ơn.
 
Sài Gòn, ngày 23/10/2019
Nguyễn Thành Nhân

T.Đ

 

people like INLOOK.VN fanpage