Bạn đang ở đây

6 bệnh nguy hiểm nhăm nhe trở lại

Lao, thương hàn, lậu… là những bệnh lây nhiễm mà chúng ta cứ nghĩ rằng không còn tồn tại, hoặc không phải lo lắng vì đã có thể điều trị dễ dàng. Nhưng không phải vậy, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây về tình trạng kháng thuốc ở cấp độ toàn cầu cho biết, một số bệnh đang phát triển trở lại, có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
 


Lao đa kháng thuốc là mối lo không thể xem thường đối với cộng đồng 

 

Bệnh lao

Bệnh lao (tên khoa học là Tuberculosis, thường gọi tắt là TB) có thể điều trị khỏi trong vòng 6 tháng khi người bệnh được chỉ định dùng loại thuốc kháng sinh mạnh isoniazid và  rifampicin. Nhưng hiện nay, hiện tượng kháng thuốc không chỉ xảy ra với các loại thuốc này mà còn ở phạm vi rộng. Điều đó dẫn đến sự xuất hiện của các chủng lao đa kháng thuốc, bệnh nhân phải dùng nhiều loại thuốc điều trị nhưng lại thất bại với phác đồ điều trị. Theo WHO, bệnh lao đa kháng thuốc hiện đã đạt đến quy mô toàn cầu với báo cáo có bệnh nhân ở 92 quốc gia.

Bệnh lậu

Bệnh lây truyền qua đường tình dục này nhiều người không muốn đề cập đến hoặc miễn cưỡng thừa nhận là mang bệnh. Tuy nhiên, nó từ lâu đã được coi là có thể dễ dàng điều trị và không có gì phải e ngại. Trước kia, vi khuẩn lậu có thể bị tiêu diệt khi dùng kháng sinh penicillin hay tetracycline, nhưng gần đây, nó đã kháng thuốc ở mức độ cao nên thậm chí loại kháng sinh duy nhất có thể trị được lậu hiện tại là ceftriaxone đang dần trở nên ít hiệu quả. Đến khi loại thuốc đặc trị cuối cùng này mà mất tác dụng thì căn bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI) có thể lây lan thành đại dịch.

Klebsiella

Có thể bạn chưa bao giờ nghe nói về loại vi khuẩn này nhưng nó lại là nguyên nhân phổ biến của các bệnh viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não và tiêu chảy. Đây là mầm bệnh thường trực với con người, lại có ở khắp nơi trong tự nhiên và được các chuyên gia y tế xếp vào những nhóm vi khuẩn kháng thuốc hàng đầu. Báo cáo của WHO nhấn mạnh, thường xuyên khám hoặc điều trị tại viện có thể khiến cho loại trực khuẩn này gây nên hậu quả chết người.

Thương hàn

Dù vaccine thương hàn đã phổ biến nhưng theo thống kê, căn bệnh này mỗi năm vẫn ảnh hưởng đến 21,5 triệu người tại các nước đang phát triển. Quá trình toàn cầu hóa khiến cho các nguồn lây nhiễm tiềm năng có cơ hội phát triển, cụ thể là  hơn 5.000 người Mỹ bị nhiễm thương hàn hàng năm từ nguồn thực phẩm và thức uống bị ô nhiễm. Sốt thương hàn  - do vi khuẩn salmonella typhi gây ra, được điều trị bằng thuốc kháng sinh, nhưng khả năng kháng thuốc ngày càng tăng nên việc điều trị ngày càng phức tạp, nhất là khu vực Nam Á. Vì thế, cách đề phòng tốt nhất là tiêm chủng nếu quyết định đi du lịch nước ngoài. 

Bạch hầu và giang mai

Mặc dù khả năng kháng thuốc với 2 căn bệnh truyền nhiễm này chưa xuất hiện nhưng nhiều nơi vẫn còn khá chủ quan. Đáng chú ý, tỷ lệ mắc bệnh giang mai tại Anh mặc dù ở mức thấp nhưng có xu hướng gia tăng từ năm 1997 đến nay. Bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục này hiện được điều trị bằng một liều tiêm penicillin duy nhất. Trong khi đó, bệnh bạch hầu chủ yếu xuất hiện ở các nước đang phát triển và mặc dù đã có thuốc chủng ngừa nhưng nếu chủ quan, ai cũng có thể mắc phải.

 
 

Theo ANTĐ

people like INLOOK.VN fanpage