Bạn đang ở đây

Đại dịch Ebola khiến cả thế giới hoang mang

2 y tá ở Mỹ nhiễm Ebola dù chăm sóc bệnh nhân trong điều kiện được bảo hộ đầy đủ, cùng hiện trạng đại dịch chết người vẫn đang lây lan mạnh ở Tây Phi càng khiến thế giới hoang mang.



Có bao nhiêu bệnh nhân đang được điều trị bên ngoài Tây Phi?

Có ít nhất 17 trường hợp nhiễm bệnh đang được điều trị bên ngoài Tây Phi trong đại dịch Ebola hiện tại. Hầu hết trong số đó là các nhân viên y tế ngoại quốc bị nhiễm Ebola ở Tây Phi và được chuyển về đất nước của họ để điều trị.
 

Toàn cảnh về đại dịch Ebola khiến cả thế giới hoang mang 1
Nhân viên y tế Anh tập huấn chống dịch Ebola

4 trường hợp bị nhiễm bên ngoài Tây Phi bao gồm: 1 người đàn ông Liberia bắt đầu có triệu chứng nhiễm bệnh 4 ngày sau khi tới Dallas, Mỹ; 1 nữ y tá người Tây Ban Nha bị lây bệnh sau khi tham gia chăm sóc cho 2 nhà truyền giáo ở bệnh viện Madrid; 2 nhân viên y tế ở Dallas bị nhiễm khi điều trị cho người đàn ông Liberia.

Hơn 400 nhân viên y tế ở Tây Phi đã bị nhiễm Ebola kể từ khi đại dịch này xảy ra cho đến nay. Trong số đó, 233 người đã chết, tính đến thời điểm ngày 8/10. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tỷ lệ lây nhiễm cao trong số các nhân viên y tế có thể là do tình trạng thiếu hoặc không sử dụng thiết bị bảo hộ an toàn, thiếu nhân lực và phải làm việc trong khu vực cách ly suốt thời gian dài .

Dịch Ebola đã tới nước Mỹ như thế nào?

Thomas Eric Duncan, 1 người đàn ông Liberia đã lên đường tới Dallas thuộc bang Texas, Mỹ thăm họ hàng ngày 19/9. Duncan đến Dallas ngày 20/9 và phát bệnh vài ngày sau đó. Những người hàng xóm ở thủ đô Liberia tin rằng, Duncan bị nhiễm Ebola khi giúp một bà bầu bị ốm lên taxi và đi cùng tới nơi khám chữa trước đó vài tuần.

Y tá Nina Pham, một người Mỹ gốc Việt, là thành viên trong nhóm nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Ebola Thomas Eric Duncan tại Bệnh viện Presbyterian Dallas (bang Texas, Mỹ) trước khi anh ta tử vong ngày 8/10. Hai ngày sau, cô đã đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe do có triệu chứng thân nhiệt tăng vọt.

Toàn cảnh về đại dịch Ebola khiến cả thế giới hoang mang 2
Cô Nina Pham, nữ y tá gốc Việt bị nhiễm Ebola tại Mỹ


Hiện tại, cô y tá trẻ dũng cảm này được cho là “ổn định về mặt lâm sàng”, cô đang được điều trị tại phòng cách ly, sau khi kết quả chẩn đoán xác nhận dương tính với virus Ebola.

Amber Vinson, 29 tuổi là y tá thứ hai bị nhiễm Ebola tại bệnh viện ở Dallas, nơi bệnh nhân Thomas Eric Duncan qua đời. Chỉ 2 ngày sau cái chết của Duncan, Vinson đã bay từ Cleveland tới Dallas trên chuyến bay có 132 hành khách. Hiện Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) đã ra thông báo đề nghị 132 hành khách đi cùng chuyến bay với cô Vinson gọi điện tới một đường dây nóng của cơ quan này.

Nước Mỹ làm gì để chắc chắn Ebola không lan rộng?

Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Mỹ (CDC) đã gửi các chuyên gia tới Texas để theo dõi những người tiếp xúc với Duncan.

Các nhân viên y tế đang xác nhận vào theo dõi bất kỳ ai có thể đã tiếp xúc với bệnh nhân này trong thời gian bị lây nhiễm. Nếu bị nhiễm bệnh, hầu hết mọi người sẽ xuất hiện các triệu chứng trong vòng từ 8 đến 10 ngày.

Bất kỳ ai bắt đầu bị sốt hoặc có triệu chứng biểu hiện sẽ ngay lập tức được cách ly và kiểm tra xem có nhiễm Ebola hay không. Nếu thử nghiệm cho kết quả dương tính, người đó sẽ được cách ly và điều trị. Và tất cả những ai từng liên lạc với bệnh nhân này trong vòng 21 ngày trước đó sẽ được theo dõi. Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại liên tục cho đến khi không còn xuất hiện trường hợp lây nhiễm mới.

Các nhân viên liên bang tuyên bố hôm 8/10 cho biết các hành khách từ Tây Phi tới 5 sân bay Mỹ sẽ được kiểm tra xem có bị sốt hay không. Khoảng 90% những người tới từ các quốc gia đang có dịch Ebola sẽ đi qua 5 sân bay này. Quá trình chiếu chụp bắt đầu tại sân bay Kennedy ở New York vào hôm 11/10. Các sân bay còn lại cũng thực hiện biện pháp này sau đó.

Toàn cảnh về đại dịch Ebola khiến cả thế giới hoang mang 3
Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp hôm 15/10.

Tổng thống Barack Obama cũng muốn thành lập các đội phản ứng nhanh đối phó với dịch bệnh Ebola, để có thể triển khai tại bất kỳ bệnh viện nào trong vòng 24h.

Virus Ebola truyền nhiễm như thế nào?

Giới chức nhấn mạnh rằng không có khả năng lây nhiễm Ebola từ người có tiếp xúc với virus nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng bệnh. Bác sĩ Thomas R. Frieden, giám đốc CDC, cho biết hôm 2/10 rằng tỷ lệ nhiễm bệnh Ebola ở Mỹ là rất thấp.

Ebola lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của người bị bệnh. Nếu máu hoặc dịch nôn của người nhiễm bệnh bắn vào mắt người khác, vào mũi hoặc miệng, thì sẽ có khả năng lây bệnh. Mặc dù Ebola không gây các vấn đề về đường hô hấp nhưng 1 cái ho của người nhiễm bệnh vẫn có thể lây nhiễm sang cho người đứng gần do nước bọt bắn ra. Vì lý do đó, nếu không có quần áo bảo hộ, nên đứng cách xa bệnh nhân nhiễm bệnh để tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể của họ.

Toàn cảnh về đại dịch Ebola khiến cả thế giới hoang mang 4
Các nhân viên y tế tại Tây Phi đang chuẩn bị đi chôn cất 1 nạn nhân Ebola vừa tử vong.

Virus Ebola có thể tồn tại trong vài giờ trên bề mặt, vì vậy bất kỳ vật thể nào dính dịch cơ thể của người bệnh cũng có thể trở thành vật trung gian truyền bệnh. Theo CDC, virus này có thể tồn tại vài giờ trên bề mặt khô như nắm đấm cửa hoặc mặt bàn và có thể sống vài ngày trong các vũng nước hay các chất dịch cơ thể khác.

Trong đại dịch hiện tại, hầu hết các trường hợp nhiễm mới xảy ra trong số những người chăm sóc người thân bị bệnh hoặc những người làm công tác mai táng thi thể người chết vì Ebola. Vì vậy, các nhân viên y tế có khả năng bị lây nhiễm cao.

Hiện Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ chưa chứng thực loại thuốc hay vắc xin nào để điều trị hoặc phòng ngừa Ebola. Trong quá khứ, dịch bệnh Ebola bùng phát có tỷ lệ tử vong từ 60% đến 90%. Loại thuốc thử nghiệm có tên ZMapp có thể giúp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh nhưng hiện vẫn chưa được chứng minh là thực sự hiệu quả và cũng không có sẵn.

WHO từng đề xuất rằng máu của người sống sót sau khi nhiễm virus Ebola có thể được sử dụng để điều trị cho người khác nhưng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy phương pháp này thực sự có tác dụng.

Chính phủ Mỹ dự kiến phát triển một loại vắc xin được thử nghiệm trên khỉ nhưng vẫn chưa có gì chứng minh nó sẽ hiệu quả trên người. Ngoài ra, tất cả những gì các bác sĩ có thể làm là cố gắng chăm sóc người nhiễm Ebola vượt qua căn bệnh, sử dụng các loại thuốc để ổn định huyết áp và điều trị tình trạng nhiễm trùng thường xảy ra ở các cơ thể bị suy yếu. Có một tỉ lệ nhỏ những người có khả năng miễn dịch với virus Ebola.

Bao nhiêu người đã bị nhiễm Ebola ở châu Phi?

Theo WHO, số người chết vì Ebola hiện nay là 4.447 trong số 8.914 ca nhiễm bệnh được ghi nhận. WHO dự báo số ca nhiễm sẽ vượt con số 9.000 trong tuần này, hầu hết tại Tây Phi. Sierra Leone, Guinea và Liberia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Toàn cảnh về đại dịch Ebola khiến cả thế giới hoang mang 5
Biểu đồ thể hiện các khu vực đang xảy ra dịch Ebola ở Tây Phi.


WHO thông báo vào hôm 14/10 rằng số các trường hợp nhiễm Ebola mới có thể lên tới 10.000 mỗi tuần vào tháng 12. Thông tin này do Trợ lý Tổng thư ký WHO Bruce Aylward đưa ra trong một cuộc họp báo. Ông Aylward cho biết, 4 tuần qua có khoảng 1.000 ca nhiễm Ebola mới mỗi tuần. Mục tiêu WHO nhắm đến là cách ly được 70% trường hợp nhiễm bệnh trong vòng 2 tháng tới.

CDC cũng ra thông báo vào tháng 9 nhấn mạnh rằng trong viễn cảnh tồi tệ nhất, tổng số ca nhiễm Ebola có thể lên tới 1.4 triệu trong 4 tháng.

Theo Afamily
people like INLOOK.VN fanpage