Bạn đang ở đây

Những dấu hiệu ở mắt cần phải đi khám ngay

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” đó là phương châm để bảo vệ sức khỏe từ bao đời nay. Ai cũng thấy đó là phương pháp hữu hiệu, rẻ tiền, an toàn nhưng không hề dễ thực hiện. Rất ít người ở thời còn sung sức lại chịu khó bỏ thời gian, tiền bạc đi truy tìm bệnh tật hay thực hiện nghiêm túc chế độ dinh dưỡng, khám bệnh định kỳ. Đối với đôi mắt, vốn quý của mỗi người cũng vậy. Bài viết sau xin đề cập về việc khám mắt.

Đừng quên khám mắt định kỳ

Các bác sĩ mắt của Mỹ lên lịch thăm khám mắt trong đời người như sau:

- Lần đầu tiên ngay sau khi sinh ra bởi bác sĩ nhi hoặc bác sĩ mắt nếu thấy cần tư vấn.

- Lần thứ 2 khi trẻ được khoảng 3 tuổi, lứa tuổi được cho là đã có thị giác hai mắt, để phát hiện những vấn đề về lác hoặc khúc xạ, nếu có nhược thị thì vẫn còn cơ may cứu chữa.

- Lần thăm khám trước khi nhập học tiểu học, khoảng 6 tuổi, càng nên cho trẻ đi khám nếu thấy có vấn đề gì bất thường hoặc tiền sử gia đình có nhiều người mắc bệnh về mắt.

- Tuổi 13 cũng là tuổi nên cho trẻ đi khám thường quy thêm một lần nữa.

- Bắt đầu học đại học hoặc kết thúc trung học cũng là giai đoạn nên khám mắt để hướng nghiệp cho bản thân. Một số ngành nghề đòi hỏi con mắt tinh tường, hoạt động cường độ cao. Không phải ai cũng đáp ứng được những tiêu chuẩn về mắt của một số ngành nghề đặc biệt: phi công, chuyên gia máy tính...

- Sau tuổi 40, cứ 2 năm bạn nên khám mắt một lần để tầm soát bệnh glôcôm, lão thị...

- Sau 65 tuổi nên khám mắt hằng năm. Cùng với tuổi tác, bệnh đục thể thủy tinh, glôcôm, thoái hóa hoàng điểm cũng sẽ tăng tương ứng.

Nếu theo lịch trình như trên thì việc khám mắt có vẻ không làm bạn mất nhiều thời gian lắm. Thế nhưng đáng tiếc vẫn có nhiều người phải chịu cảnh mù lòa suốt đời vì quên khám mắt. Một số bạn trẻ đến tuổi vào đại học hoặc thi bằng lái môtô mới biết rằng một mắt của mình đã mù không biết từ bao giờ (nhược thị do không nhìn). Hóa ra họ bị viễn thị hoặc cận thị số cao ở một bên mà không hề biết, chỉ nhìn bằng một mắt còn lại. Khi phát hiện ra thì đã quá muộn. Sau tuổi 60 thì các vấn đề về mắt cũng tăng lên. Ngoài những bệnh do lão hóa: lão thị, đục thể thủy tinh, thoái hóa hoàng điểm thì một số  bệnh lý nội khoa khác cũng tham gia tàn phá con mắt như tiểu đường, tăng huyết áp...Chúng tôi gặp các bệnh nhân này ở 2 trạng thái. Nhóm hăng hái đi khám do các bệnh nhân này đã nghỉ hưu có nhiều thời gian nhàn rỗi, chăm đọc sách và tra cứu, con cái rất quan tâm đến sức khỏe các cụ. Nhóm lười đi khám phần lớn là những người bi quan, tủi thân do không ai quan tâm chăm sóc đến mình, kinh tế khó khăn nên để buông trôi các vấn đề về mắt. Cả hai trạng thái trên đều là thái quá và không có lợi cho bản thân bệnh nhân, gây khó khăn trong việc theo dõi và điều trị cho giới chuyên môn.

Khi nào nên đi khám mắt ngay?

- Cảm giác nhìn mờ nhiều và đột ngột.

- Cảm giác nhìn đôi: nhìn một thành hai.

- Nhìn thấy nhiều vật thể trôi nổi trước mắt, thấy chớp sáng trong mắt.

- Nhìn thấy vật méo mó hoặc xoắn vặn.

- Đỏ mắt nhiều.

- Đau nhức mắt nhiều.

Những dấu hiệu khác như nhìn hơi mờ, ngứa mắt, khô rát mắt, ruồi bay trước mắt, thấy có quầng đen, thay đổi về hình dáng mi nhãn cầu... cũng nên xếp lịch khám bác sĩ chuyên khoa mắt sớm.

Những vấn đề về mắt của người cao tuổi

Đục thể thủy tinh chắc chắn vẫn là nguyên nhân số 1 gây mù lòa cho người cao tuổi. Thật may là chúng ta đã có một vũ khí hữu hiệu để đương đầu với chúng đó là phẫu thuật. Mạng lưới chăm sóc mắt khắp các tỉnh thành đều có thể phẫu thuật tốt căn bệnh này. Bên cạnh đó là các đội phẫu thuật lưu động xuống tận các huyện vùng sâu, vùng xa phẫu thuật theo hẹn. Phương pháp Phaco từ một phẫu thuật kỹ thuật cao nay đã gần như phổ cập tại các tỉnh/thành đem lại con mắt tinh tường chỉ sau khoảng 15 phút phẫu thuật, gần như không đau đớn. Hằng năm chúng ta có khoảng 1 triệu người được mổ thể thủy tinh. Đây là phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên thế giới hiện nay.

Khoảng 90% các bệnh nhân sẽ xuất hiện bệnh võng mạc tiểu đường sau 10 năm sống chung với bệnh tật. Mù lòa do bệnh võng mạc tiểu đường chiếm từ 5-10% tổng số người mù. Lịch thăm khám mắt cho bệnh nhân tiểu đường nói chung là khám ngay sau khi phát hiện tiểu đường. Sau đó khám lại hằng năm. Khi mang thai hoặc tiểu đường đã có biến chứng thì 6 tháng/1 lần. Tiểu đường týp 1, tiểu đường đã có biến chứng tăng sinh võng mạc đòi hỏi khám thường xuyên hơn. Các bệnh nhân nên tuân thủ lịch khám lại của các bác sĩ mắt.

Thoái hóa hoàng điểm: Khoảng 25% bệnh nhân trên 65 tuổi sẽ có vấn đề về hoàng điểm. Chắc chắn nếu không điều trị hoặc phòng ngừa thì họ sẽ bị mất thị lực trung tâm, không thể đọc sách hay lái xe, chất lượng cuộc sống sẽ đen tối như con mắt vậy. Điều trị thoái hóa hoàng điểm cho dù gần đây đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung vẫn là tốn kém nếu không nói là xa xỉ. Vì vậy phải nói lại quan điểm phòng bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh, đặc biệt đúng trong thoái hóa hoàng điểm. Dinh dưỡng được nói nhiều trong phòng thoái hóa hoàng điểm. Thực đơn hằng ngày nên có nhiều vitamin A, C, E và sắc tố như các loại rau xanh thẫm, hoa quả màu vàng đỏ. Các loại thuốc bổ mắt nếu cần.

Theo BS. Hoàng Cương (SKĐS)

 

people like INLOOK.VN fanpage