Bạn đang ở đây

Sa tế kém chất lượng gây hại cho gan

Sa tế là loại gia vị không thể thiếu trong các món thịt nướng và lẩu, nước lèo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu sử dụng sa tế không rõ nguồn gốc, không biết cách bảo quản thì sa tế cũng có thể gây tổn thương cho gan, thận dẫn tới ung thư.

Nhiều nguy cơ gây độc

Theo các chuyên gia, nguyên liệu chính để làm sa tế là ớt bột chưng với dầu và một số gia vị khác. Thời gian qua nhiều mẫu ớt bột được chứng minh có chứa chất RhodamineB gây nguy cơ ung thư cao. Vì vậy, sa tế cũng có nguy cơ nhiễm chất này. Mặt khác, ớt bột là thành phần chính tạo màu sắc đỏ, độ cay. Nhưng hầu hết các nhà sản xuất sa tế đều không công bố nguồn gốc loại ớt, thậm chí có loại còn không có tên cơ sở sản xuất hoặc nhập nhèm hạn sử dụng... cho thấy độ an toàn của sa tế thấp.

Sa tế kém chất lượng gây hại cho gan 1

Khi mua sa tế nên chọn loại có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và dùng đúng hạn sử dụng để đảm bảo sức khỏe. Ảnh: T.G

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học thực phẩm, nguy cơ gây hại của sa tế với cơ thể còn ở chỗ dầu ăn dùng để chiên ớt và các thành phần khác rất dễ bị ôxy hóa, nếu không được bảo quản đúng sẽ gây ra các mầm bệnh. Về cảm quan, sa tế có màu đỏ (trên thị trường nhiều hũ sa tế có màu nâu đỏ), khi cho phụ gia khác có thể biến màu, biến chất gây độc hại cho cơ thể. Nếu sử dụng sản phẩm không an toàn lâu ngày, hóa chất độc hại sẽ tích tụ trong cơ thể gây ra bệnh mãn tính như tổn thương gan, thận và dẫn đến ung thư. Với những người cơ địa yếu, gan kém, sự đào thải qua gan kém có thể bị ngộ độc cấp tính.

Ngoài ra, khâu bảo quản sa tế cũng rất quan trọng. Nếu người dùng mua sản phẩm được sản xuất đúng mà dùng sai hay không biết bảo quản thì vẫn biến sản phẩm thành không chất lượng. Người tiêu dùng mở nắp hũ sa tế, dùng không hết, bảo quản kém trong thời gian dài cũng khiến các thành phần bị biến đổi hoặc khi lấy ra dùng có thể bị dây các loại thức ăn khác hay nước lạnh vào khiến sa tế dễ bị thiu, lần ăn sau dễ mắc các bệnh tiêu chảy...

TS Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, người tiêu dùng hãy thận trọng khi lựa chọn phụ gia thực phẩm và chỉ nên chọn những loại phụ gia đã có công bố rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, thành phần để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Theo quy định của Bộ Y tế, nếu thực phẩm hay phụ gia thực phẩm mà không có nhãn mác tiếng Việt không rõ nguồn gốc xuất xứ thì không nên sử dụng. Mua sa tế nên chọn loại có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, dùng đúng hạn sử dụng. Khi đã mở nắp hũ sa tế không nên để lâu quá 1 tháng. Nếu mở hũ sa tế thấy có mùi khó chịu, màu sắc sẫm, không tươi thì không nên dùng.

Tự làm sa tế

*Sa tế dùng cho bò nhúng sa tế, phở sa tế, mỳ sa tế, lẩu sa tế

Nguyên liệu:

- 100gr ớt bột, 1 miếng riềng nhỏ, 4-5 củ hành tím, vài nhánh đầu hành trắng, tỏi, 2 cọng sả, 20gr tôm khô, chút đường, nước mắm, muối, một hũ thủy tinh nhỏ, dầu ăn.

- Ớt bột đổ vào bát, rưới ít nước sôi cho ớt nở. Trộn đều.

- Hành tím, tỏi, đầu hành trắng, sả, riềng làm sạch, thái nhỏ, bằm (hoặc xay) nhuyễn.

- Tôm khô ngâm nước cho mềm, vớt ra để ráo nước, xay (giã) nhuyễn.

- Cho 2 thìa canh dầu ăn vào chảo, phi hành tím, tỏi, đầu hành trắng thơm vàng. Cho tiếp riềng, sả đảo lên và nhanh tay đổ tiếp ớt bột, tôm khô vào đảo đều. Nêm muối, đường, nước mắm vừa đủ và ninh khoảng 30 phút trên lửa nhỏ, tới khi thấy hỗn hợp ớt dẻo thì bắc xuống để nguội và đổ vào hũ thủy tinh, cất vào tủ lạnh dùng dần. Sa tế này thơm lừng mùi riềng, ớt.

Tôm khô cho vào sa tế ít vì chỉ để tăng mùi vị. Nếu dùng ớt sa tế trong bún bò, bò viên cũng làm tương tự, nhưng bỏ tôm khô. Dùng để nêm nếm vào các món ăn khác cũng không dùng tôm khô (chỉ dùng hành, tỏi, riềng… Cách làm tương tự).

*Sa tế Huế cho vào bún bò, cơm hến, cháo lòng

- Chọn ớt bột dạng còn hột (làm từ ớt tươi phơi khô giã nhỏ). 1/3 muỗng cà phê muối. Dầu ăn khoảng 1,5 chén, 1/2 chén ớt bột, 1/2 muỗng súp tỏi, sả băm thật nhỏ.

- Đun dầu hơi sủi bọt là cho tỏi, sả… vào, sôi là tắt bếp ngay. Cho ớt bột, muối đun tiếp tới sôi thì dùng đũa khuấy đều. Bắc xuống, để nguội rồi đổ vào hũ thủy tinh có nắp đậy (không dùng hũ nhựa).

Lưu ý: Mức dầu phải cao hơn mặt ớt. Chú ý giữ lửa cho dầu vừa nóng để cho ớt vào chỉ sôi mà không đổi màu. Nếu lửa to, dầu nóng bốc khói thì cho ớt vào sẽ bị đổi màu sậm (bị cháy) nên đổ bỏ làm mẻ khác.

Theo Giadinh.net

 

people like INLOOK.VN fanpage