Bạn đang ở đây

Cần biện pháp mạnh để kìm giá thuốc

Từ đầu tháng 9, hàng loạt mặt hàng thuốc tiếp tục tăng giá. Trong khi đó, chỉ có 45/22.000 mặt hàng thuốc trên thị trường được bán với giá bình ổn, như là muối bỏ biển. Xem ra cần một “liều thuốc” mạnh hơn để “trị bệnh” tăng giá thuốc.

Giá tăng âm thầm và xoay vòng

Vừa bước ra khỏi một hiệu thuốc trên đường Mạc Thiên Tích (Q.5, TP.HCM), ngay phía sau Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, một bệnh nhân than thở: “Predian (thuốc điều trị tiểu đường) mới mua tháng trước chỉ 159.600 đồng/hộp, bây giờ đã lên 167.600 đồng/hộp”. Chị cho biết, bệnh mình phải điều trị lâu dài, thuốc sử dụng thường là loại đặc trị, đắt tiền, mà giá thuốc cứ tăng hết loại này đến loại khác thì “nặng tiền thuốc lắm”.

thuốc

Nhiều loại thuốc đang tăng giá - Ảnh: Nguyên Mi

Khảo sát tại các nhà thuốc, trong vòng một tháng qua, nhiều loại thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước đã tăng giá từ 3-10%.

Tại khu vực chuyên bán sỉ thuốc trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), một hộp thuốc Pharmaton (thuốc bổ) có giá 252.000 đồng, tăng gần 10% so với cách đây một tháng (chỉ 232.000 đồng/hộp). Trong khi đó, Vastaren MR (thuốc tim mạch) từ 138.000 đồng/hộp lên 149.000 đồng/hộp (tăng 8%); Tobradex (thuốc mỡ sát trùng mắt) cũng tăng gần 10% (từ 41.500 đồng/lọ lên 45.100 đồng/lọ)…

Một chủ hiệu thuốc tại khu chuyên kinh doanh thuốc Tô Hiến Thành nói: “Chuyện thuốc tăng giá đâu phải là chuyện lạ mà cô thắc mắc. Lúc nào giá thuốc lại không tăng, theo kiểu âm thầm và xoay vòng, tháng này thì một số thuốc này tăng 2.000 - 3.000 đồng, đến tháng sau, một số thuốc khác tăng, nên người ít đi mua thuốc không để ý thôi”.

Thống kê của Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh dược Việt Nam, trong vòng một tháng qua, có khoảng 32 lượt mặt hàng thuốc nội và 30 lượt mặt hàng thuốc ngoại tăng giá.

Ông Phạm Văn Quân, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Dược Việt Nam, dự báo trong thời gian tới, giá một số mặt hàng thuốc nhập khẩu có thể tiếp tục tăng nữa do giá nhập khẩu, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.

Yếu ớt thuốc bình ổn

Chương trình thuốc bình ổn giá đã được triển khai tại TP.HCM hơn 4 tháng. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc bình ổn vẫn còn khá lạ lẫm và mờ nhạt đối với người dân. Hiện chỉ có 45 loại thuốc tây, đều là thuốc nội, nằm trong chương trình bình ổn giá, trong khi có đến hơn 22.000 mặt hàng thuốc trên thị trường.

thuốc

Thuốc bình ổn giá chủ yếu là thuốc không kê đơn, điều trị các bệnh thông thường

- Ảnh: Nguyên Mi

Dược sĩ Trương Thị Nga, Nhà thuốc Từ Phương (đường Phú Thuận, Q.7, TP.HCM), một trong những nhà thuốc đầu tiên tham gia chương trình bình ổn giá thuốc, cho biết: Thuốc là mặt hàng đặc biệt, không như các mặt hàng khác mà người tiêu dùng có quyền và có khả năng chọn lựa, thay thế. Việc dùng thuốc điều trị phụ thuộc chủ yếu vào bác sĩ kê đơn và tư vấn của nhà thuốc.

Theo dược sĩ Nga, khi tham gia chương trình bình ổn giá thuốc, đối với những bệnh thông thường mà người dân tự mua thuốc, thì dược sĩ có thể tư vấn dùng thuốc bình ổn giá.

Tuy nhiên, “với các trường hợp người dân mua thuốc theo đơn của bác sĩ thì mặc dù trong đơn có nhiều loại thuốc ngoại, giá mắc có thể thay thế bằng thuốc bình ổn với thành phần và tác dụng tương đương và giá rẻ hơn, nhưng khi mình tư vấn thì người dân còn nghi ngại, nên cứ y theo đơn của bác sĩ mà dùng”, dược sĩ Nga nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhìn nhận: “Bác sĩ từ trước tới giờ kê đơn cho bệnh nhân không phải dựa trên yếu tố giá mà còn nhiều yếu tố khác. Vì vậy, việc kê toa thuốc nội, thuốc bình ổn giá cho người dân còn phụ thuộc vào cái tâm của bác sĩ”.

Còn tại bệnh viện, thuốc bình ổn giá cũng chật vật tìm chỗ đứng. Các nhà thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chỉ bán 10/45 mặt hàng thuốc bình ổn giá. Tại Bệnh viện Từ Dũ, số lượng mặt hàng thuốc bình ổn được bán cũng không nhiều hơn, với 13/45 mặt hàng.

thuốc

Người dân luôn phải quay cuồng với "gánh nặng" tiền thuốc trong điều trị - Ảnh: Nguyên Mi

Dược sĩ Trần Đăng Trình, Phó Khoa Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy, giải thích do là bệnh viện tuyến cuối, thường đảm nhận các ca nặng, nan y nên phải dùng thuốc đặc trị, trong khi các loại thuốc bình ổn chủ yếu là thuốc thông thường, thuốc đặc trị còn quá ít nên không thay thế được.

Bà Lan đánh giá: Danh mục thuốc sẽ được mở rộng hơn. Tuy nhiên, đối tượng của bình ổn giá thuốc là bệnh nhân ngoại trú, mua các loại thuốc điều trị thông thường. Với 45 mặt hàng cũng đã bao phủ hết các bệnh thông thường, giảm gánh nặng cho người dân. Chương trình bình ổn giá thuốc không phải là cây đũa thần để giải quyết tất cả các vấn đề về giá thuốc.

Hiện nay, theo quy định, “các cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu không được bán thuốc cao hơn giá kê khai”. Thực tế là các doanh nghiệp luôn kê khai mức giá trần cao hơn rất nhiều so với giá bán thực tế để đón đầu… vài tháng đến vài năm. Thế nên, thuốc tăng giá luôn được cho là… đúng luật.

Theo Thanh Nien

people like INLOOK.VN fanpage