Bạn đang ở đây

Đề phòng virus cúm mới

Một loại virus mới có tên S-OtrH3N2 đã xuất hiện ở Mỹ, làm 10 người dân nước này nhiễm bệnh. Các chuyên gia y tế lo ngại, loại virus cúm trên sẽ xâm nhập vào Việt Nam. Cần làm gì để phòng bệnh?
phong benh cum
 
Nhiều chuyên gia y tế nhận định, dịch cúm do virus tái tổ hợp tại Mỹ có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, vì năm 2009, dịch cúm A/H1N1 cũng lây lan từ bên ngoài vào Việt Nam. Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc chủng virus cúm mới, vì thế chưa biết mức độ nặng, nhẹ của bệnh này thế nào. Nếu tách rời nhau, đây chỉ là chủng cúm bình thường nhưng khi chúng kết hợp với nhau thì sẽ rất đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là nước ta đang có nhiều chủng virus cúm lưu hành và gây bệnh như: Cúm A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, cúm B…

Trong khi đó, Việt Nam lại có khí hậu nóng ẩm nên rất thuận lợi cho virus cúm phát triển. Vì vậy, nếu xâm nhập vào nước ta thì nguy cơ virus cúm này lây lan trên diện rộng và tái tổ hợp với một số virus cúm đang lưu hành là rất cao. Đặc biệt, nó sẽ gây hậu quả sẽ khó lường, nếu virus cúm trên lây lan dễ dàng từ người sang người, giống như cúm A/H1N1.

Phòng bệnh thế nào?

Để chủ động đối phó với dịch cúm mới, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công điện gửi các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur về việc chủ động phòng chống dịch cúm xâm nhập và lây lan tại Việt Nam. Trong thời điểm này, việc kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt là theo dõi những người bị sốt, có biểu hiện cúm đến từ khu vực có dịch sẽ được tăng cường tại các điểm giám sát cúm quốc gia.
 
cúm
 
Cùng với đó, các chùm ca bệnh cúm, trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus tại cộng đồng cũng sẽ được lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên để kịp thời phòng và ngăn ngừa bệnh lây lan rộng. Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đang nghiên cứu các ca mắc bệnh cúm ở tỉnh Thái Bình, cả cúm người và cúm động vật, xem xét sự biến đổi của virus, để có biện pháp phòng ngừa nếu virus mới xuất hiện và tái tổ hợp với các virus cúm trong nước.
BS Nguyễn Hồng Hà cho rằng, cúm là bệnh của đường hô hấp, vì thế, mọi người dân đều có thể nhiễm virus và mắc bệnh. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính là những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhất. Người mắc cúm thường có các triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ho có đờm. Sau đó là nhiễm trùng đường hô hấp, dẫn đến các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi… nếu không điều trị sớm sẽ trở nên nghiêm trọng.

Để phòng lây bệnh, người dân nên đeo khẩu trang khi ra đường; bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày; tập luyện thể thao; bổ sung thêm vitamin C, trái cây, kẽm... Đối với trẻ nhỏ, cùng với việc bổ sung ác dưỡng chất cần thiết và giữ ấm, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, cha mẹ cần tăng cường hệ miễn dịch cho con bằng các thực phẩm có lợi cho đường tiêu hóa.
Theo PNVN
people like INLOOK.VN fanpage