Bạn đang ở đây

Dị vật đường tiêu hóa, hô hấp

Thời gian gần đây, nhiều người phải vào bệnh viện cấp cứu do vướng phải dị vật trong đường tiêu hóa, đường hô hấp.

Từ người lớn...

Bác sĩ Đặng Công Hân - Phó phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết BV liên tục tiếp nhận những trường hợp bị dị vật như vỉ thuốc, xương cá, kim loại... rơi vào đường tiêu hóa.

Chẳng hạn, bệnh nhân L.T.T.L (62 tuổi, ở huyện Hóc Môn) vào cấp cứu cuối tháng 9 do đau bụng âm ỉ. Qua siêu âm, chụp MSCT, bác sĩ thấy dị vật trong bụng bệnh nhân nên cho mổ khẩn cấp. Lúc mổ thấy ruột non bị xương cá đâm thủng một lỗ.

Đến tuần thứ hai của tháng 10, BV tiếp tục nhận ca khác (bệnh nhân nam, 61 tuổi) bị một đoạn dây kẽm rơi vào đường tiêu hóa. Qua mổ thấy đoạn kẽm dài 5 cm đâm thủng ruột, gây viêm phúc mạc.

dị vật

Bệnh nhân bị dị vật đoạn kẽm - Ảnh: BV Nhân dân Gia Định cung cấp

Cũng mới đây, BV tiếp nhận bệnh nhân nữ lớn tuổi (sinh năm 1922), bị dị vật là viên thuốc còn cả vỏ cạnh sắc nhọn, rơi vào nằm ở 1/3 đoạn trên của thực quản. Ngoài ra còn có những trường hợp bị răng giả rớt vào đường tiêu hóa, như trường hợp cụ N.T.K (76 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) vào cấp cứu lúc nửa đêm. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện một răng giả có móc sắt nhọn đâm vào thành thực quản gây thủng, tràn khí trung thất.

...đến trẻ con

BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) cũng thường xuyên tiếp nhận các cháu nhỏ bị dị vật rớt vào đường tiêu hóa, hay đường thở rất nguy hiểm.

Mới đây, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bé gái Đ.T.T.D (10 tuổi, ở tỉnh Bến Tre) bị tai nạn hy hữu. Bé D. chơi trò may quần áo cho búp bê cùng đứa em tại nhà. Vì sợ em bị kim đâm, nên khi may xong, D. ngậm kim vào miệng, lúc đang ngậm kim lại ăn trái cây nên kim rớt luôn vào thực quản. Tại BV, qua chụp CT, bác sĩ thấy kim nằm ở trung thất sau. Phải mất 3 giờ đồng hồ để phẫu thuật nội soi, bác sĩ lấy ra cây kim dài hơn 4 cm.

Một trường hợp khác bị dị vật đường thở mà khoa Hồi sức cấp cứu, BV Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận gần đây. Đó là ca bệnh T.H.H (bé trai, 26 tháng tuổi, ở tỉnh Bình Định), vào viện trong tình trạng khó thở, tím tái... Trước đó trong lúc ăn đậu phộng rang, bé bị sặc, hạt đậu rơi vào đường thở. Bác sĩ đã gắp ra hạt đậu nằm ở phế quản gốc và phân thùy dưới phổi phải.

Cuối tháng 8 vừa qua, BV Nhi đồng 2 tiếp nhận một ca bệnh bị tắc ruột rất hy hữu. Đó là trường hợp bé N.C.T (8 tuổi), nhập viện vì đau bụng và nôn ói nhiều. Qua nội soi, các bác sĩ thấy có một khối phồng ở ruột non, khi mở ruột ra thì thấy có 3 quả vải khô (trong đó có 1 quả còn nguyên hạt) gây tắc ruột hoàn toàn. Các bác sĩ đã mở ruột lấy các quả vải ra và khâu ruột lại cho bé.

Các bác sĩ lưu ý, không nên đùa, gây cười khi trẻ đang ăn uống, vì dễ khiến trẻ bị sặc; không nên cho trẻ nhỏ ăn các loại hạt hoặc những loại quả chưa lấy hạt, vì hạt dễ rớt vào đường thở, có thể gây tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Còn với người lớn thì bỏ thói quen ngậm đinh, ngậm kẽm... khi làm việc, vì lỡ sơ ý để chúng rơi vào đường thở hay thực quản thì rất nguy hiểm.

Theo Thanh Nien

people like INLOOK.VN fanpage