Bạn đang ở đây

Ăn gì giữa "thời của hóa chất"

Khi cuộc sống ngày càng “Công nghiệp hóa” thì sức khỏe người dân càng đe dọa. Những thực phẩm tiêu dùng hằng ngày cũng là một ẩn họa lớn đến sức khỏe của họ.
Có tới 125 trong số 150 phụ nữ được hỏi ý kiến từ cuộc khảo sát trên cho rằng, điều họ quan tâm hàng đầu là ăn uống những thứ gì để khỏi bị nhiễm chất độc. Phần lớn số phụ nữ tham gia khảo sát là nhân viên văn phòng, có thu nhập trung bình từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Số còn lại chủ yếu là dân lao động nghèo, thu nhập hiện trên dưới 3 triệu đồng/tháng. Những lao động thu nhập 3 triệu đồng/tháng trở xuống cho biết, họ sẵn sàng mua thức ăn trôi nổi ngoài chợ lẻ, nếu như giá cả ở đó “mềm” hơn so với siêu thị.

Tuy nhiên, chính những người có thu nhập khá thấp này cũng “giật mình” khi được chúng tôi cung cấp thông tin về những sản phẩm độc hại mà có thể họ đã đưa vào bữa ăn gia đình hằng ngày. “Dân lao động nghèo chỉ dám ăn đồ rẻ, nhưng nếu biết là độc hại như vậy thì chúng tôi cũng phải tính toán lại. Chứ ăn vào mang bệnh thì còn làm lụng gì được nữa”, chị Thái Thị Hòa, công nhân tại quận 7, TP.HCM, cho biết.

Vấn đề an toàn, vệ sinh cho bữa ăn đã được dư luận quan tâm từ nhiều năm nay, nhưng chưa bao giờ “nóng” như năm 2011. Không chỉ hàng loạt hành vi sử dụng hóa chất để kích thích vật nuôi, cây trồng tăng trưởng “siêu tốc”, “siêu đẹp” và “siêu... ngon” bị báo chí phanh phui, mà rất nhiều “chiêu” phù phép biến thịt bẩn, thức ăn ôi thiu trở nên thơm ngon, hấp dẫn nhằm đánh lừa người tiêu dùng cũng đã bị phát giác.

Điều đáng lo ngại hơn là những sản phẩm bẩn và sạch (ở mức tương đối) hiện đang được bày bán một cách “bình đẳng” trên thị trường, “người trần mắt thịt” không thể phát hiện đâu là bẩn đâu là sạch, thứ nào độc hại, thứ nào không. Chính vì thế mà những phụ nữ, người đóng vai trò chính đảm bảo chất lượng bữa ăn cho gia đình, luôn “vò đầu bứt tai” khi lên thực đơn và lựa chọn thực phẩm.

Người tiêu dùng bị "cưỡng bức" sử dụng hóa chất

Trong chuyến kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm tại TP.HCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không khỏi bức xúc thốt lên: “Đúng là quá bẩn, ăn chi toàn là đồ bẩn!”.

Một trong những đầu mối của các loại hóa chất để “chế” thực phẩm “bẩn” là chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM). Tại đây, hoạt động kinh doanh, sang chiết hóa chất, phụ gia thực phẩm diễn ra gần như công khai ngay trước mắt nhà chức trách. Theo ông Nguyễn Gia Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế quận 5, tại chợ Kim Biên hiện có 94 cơ sở kinh doanh hóa chất, trong đó, 74 hộ kinh doanh hương liệu phụ gia thực phẩm, còn lại là hóa chất công nghiệp và hầu hết các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài, nhưng phần lớn không rõ xuất xứ, không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng, thời hạn sử dụng cũng như những cảnh báo về tính chất độc hại. Từ đây, các nhà nuôi trồng, chế biến thực phẩm mang hóa chất về để bón, tưới, cho ăn và tẩm ướp để rau lớn nhanh, heo gà tăng trọng một cách bất thường, và thịt thối, thịt bẩn biến thành thịt tươi ngon...

 
Vì sẵn hóa chất để “chế biến”, nên gần đây, thịt thối từ các nơi nườm nượp đổ về TP.HCM. Theo ông Lê Hoàng Ninh, Viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng, trong năm 2011 TP.HCM có 80 vụ ngộ độc thực phẩm với 848 người bị ngộ độc, trong đó số vụ ngộ độc về hóa chất chiếm tới 50%. Trước thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo: Phải kiên quyết xử phạt và đóng cửa cửa hàng hóa chất, phụ gia vi phạm.

Một số chuyên gia cho rằng, việc quản lý hóa chất, phụ gia trên quầy sạp chỉ là... chuyện đã rồi. Quan trọng là phải kiểm soát được ngay từ khâu nhập khẩu, nhưng thực tế cho thấy làm được việc này là không dễ chút nào. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay đi tìm giải pháp và qui trách nhiệm thì người tiêu dùng ngày ngày vẫn bị “cưỡng bức” sử dụng thực phẩm pha trộn, tẩm ướp hóa chất độc hại.
Theo HPGĐ
people like INLOOK.VN fanpage