Bạn đang ở đây

Phòng khám Trung Quốc “nhờn thuốc” vì xử phạt quá nhẹ

Các sai phạm tại các BV, phòng khám Trung Quốc như quảng cáo thổi phồng, dùng thuốc không nhãn mác… rất rõ ràng nhưng sao vẫn cứ nhởn nhơ tồn tại?

TRUNG QUỐC

Thanh tra Sở Y tế kiểm tra và phát hiện nhiều loại thuốc không nhãn mác tại 1 phòng khám Trung Quốc ở Quận 10, TPHCM

Bệnh gì cũng chữa được

Không chỉ phòng khám Trung Nam tại đường 3.2, quận 11, TPHCM tự in ấn phẩm như một cuốn tạp chí phát cho người đi đường với nội dung phá thai, vá màng trinh, thắt chặt âm đạo; phẫu thuật trĩ mà mới đây nhất, Sở Y tế TPHCM còn phát hiện thêm một ấn phẩm mới dày 36 trang có tên “Sức khoẻ thời đại” do phòng khám Trung Quốc ở 141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận in ấn và phát khắp nơi, phòng khám này tự nhận thuộc Tập đoàn Trung Vũ - Thượng Hải, “là một tập đoàn lớn bao gồm các nhóm doanh nghiệp hiện đại đầu tư, là công ty con của Tập đoàn Y khoa Singapore tại Trung Quốc”. Điều đáng nói nhất của ấn phẩm này là những quảng cáo chân trang cực sốc và cường điệu về kỹ thuật và khả năng chữa trị của phòng khám.

Quảng cáo với tần suất dày nhất là phòng khám đông y Hiện Đại (337 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TPHCM) cũng với chiêu in sổ tay y học và quảng bá thổi phồng việc chữa bệnh.

Cứ kiểm tra là phát hiện vi phạm!

Theo BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TPHCM, thì toàn TP hiện có 13 cơ sở chẩn trị, phòng khám có BS là người Trung Quốc được Bộ Y tế cấp phép cho hành nghề khám - chữa bệnh tại Việt Nam. Đa số BS này có giấy chứng nhận trình độ chuyên môn từ một “lò” là Học viện Trung y Quảng Tây.

Trước đó, thanh tra sở đã phát hiện phòng khám y học cổ truyền ở đường Nguyễn Trãi, quận 5, khám bệnh ghi toa bằng chữ Trung Quốc, BS lại không có mặt tại nơi khám. Dược liệu bán không nhãn mác, thuốc nước sang chiết không tên, không niêm yết giá.

Tương tự, tại một phòng khám khác trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, khi đoàn đến kiểm tra, BS người Trung Quốc theo quảng cáo - không có mặt. Nhiều loại thuốc không có nhãn mác, quảng cáo khám chữa bệnh quá chức năng.

BS Phạm Kim Bình, Phó Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, cho biết, thanh tra đã phát hiện và xử lý nhiều phòng khám Trung Quốc có vi phạm. Các lỗi vi phạm phần lớn là sử dụng người Trung Quốc hành nghề khi chưa được phép của Bộ Y tế; người phiên dịch không có bằng cấp theo quy định; sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng; tự sản xuất thuốc sử dụng cho bệnh nhân mà không công bố với cơ quan có thẩm quyền.

PHÒNG KHÁM TRUNG QUỐC

Thuốc không dán nhãn mác

Các phòng khám Trung Quốc có BS hoạt động “lậu” khó phát hiện là do họ tổ chức cho người Trung Quốc khám bệnh ở tầng trên. Khi thanh tra sở đến kiểm tra thì họ nói trên lầu là chỗ ở của người cho thuê mặt bằng. Để khắc phục khó khăn này, có khi thanh tra cũng phải giả bệnh nhân vào khám mới phát hiện được sai phạm.

Câu hỏi đặt ra, tại sao vi phạm rành rành nhưng các phòng khám này vẫn nhởn nhơ tồn tại. Điển hình nhất là phòng khám Trung Nam, mặc dù vi phạm rất lớn và đã bị thanh tra xử phạt 2 lần, nhưng với mức phạt tổng cộng 12 triệu đồng - nhiều người ví như phủi bụi. Liệu có chế tài nào trị được các phòng khám đang chặt chém, quảng cáo thổi phồng gây tổn hại cho người bệnh. Chính vì xử phạt nhẹ khiến các phòng khám đang nhờn thuốc và vi phạm vẫn ung dung tồn tại.

Theo Võ Tuấn

Lao động

 

people like INLOOK.VN fanpage