Bạn đang ở đây

Xoa dịu nhiệt miệng mùa nắng nóng

Một số thống kê cho thấy, khi mùa nắng nóng đến có khoảng 20% dân số bị nhiệt miệng thường xuyên. Nhiệt miệng không phải là một bệnh nặng nhưng gây khó chịu, đau đớn, bất tiện cho người bệnh, khó chịu trong ăn uống và vệ sinh răng.

 

 

Đặc điểm của nhiệt miệng

 

Biểu hiện bệnh bắt đầu thường là bên trong miệng xuất hiện những mụn nước nhỏ hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 2-10mm, bờ rõ rệt, đáy màu vàng nhạt, chung quanh sưng đỏ, có một đường viền màu đỏ tươi, trên có một lớp trắng.

 

Những mụn này dễ vỡ, để lại một vết loét nông ở niêm mạc miệng, bờ rõ rệt, rất đau và xót khi nói và ăn các chất mặn, uống nước nóng… Nơi xuất hiện các vết loét thường là ở mặt trong của má, lợi hay đầu lưỡi...

 

Ðặc điểm căn bệnh là lành tính, không gây sốt, không gây sưng hạch vùng lân cận, chỉ kéo dài khoảng 2 tuần rồi tự khỏi, không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc đúng cách, vết loét có thể bị viêm cấp, tấy đỏ và rất đau, thậm chí gây sốt và nổi hạch tại góc hàm.

 

Theo quan điểm của y học hiện đại, chứng lở miệng do nhiều nguyên nhân gây nên: có thể là vi khuẩn, virus, hay do sự phản ứng của khoang miệng với thành phần hóa học nào đó trong kem đánh răng. Chế độ ăn thiếu axit folic ở phụ nữ mang thai cũng có thể gây lở miệng.

 

Tình trạng thiếu dinh dưỡng hoặc dinh dưỡng không đúng cách, dẫn đến cơ thể thiếu các vi chất dinh dưỡng như: vitamin A, C, B2, PP, B6, B12, kẽm, protein... làm giảm sức đề kháng của cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh.

 

Cách điều trị:

 

Thuốc uống:

 

- Ngậm chất chát trong miệng: chất chát có tính sát trùng và làm săn da. Tốt nhất là ngậm nước trà tươi, trà đen đặc, quả sung, rau dấp cá, húng chanh (tần dày lá), vỏ xoài… có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, làm săn da, trừ thấp nhiệt ở bộ tiêu hóa, khử mùi hôi.

 

- Uống nước khế chua: Khế tươi 2 - 3 quả, giã nát, đổ ngập nước sôi vào đun sôi một lúc, chờ khi thuốc nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày. Lựa loại khế chua, giúp sinh tân dịch nhiều hơn, thanh nhiệt cũng tốt hơn khế ngọt.

 

Thuốc bôi:

 

 

Cỏ mực: rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần.

 

Cỏ mực tính mát, có tác dụng thanh nhiệt. Màu đen của vị thuốc thuộc thủy, dùng để thanh nhiệt (viêm nhiệt, sưng lở loét). Kết hợp với mật ong vừa có tính sát trùng, vừa có tính thẩm thấu, hút chất nước ở vết thương khiến cho vi khuẩn, nhất là nấm không có điều kiện phát triển.

Lá bù ngót: rửa sạch, chỉ lấy lá, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong. Dùng bông thấm thuốc bôi vào chỗ sưng đau, lở loét. Ngày bôi 2 - 3 lần. Có tác dụng thanh nhiệt và sát trùng.

 

Để ngăn ngừa chứng lở miệng, nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, đặc biệt là các vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Những người bị lở miệng tái phát quá nhiều và khó lành cần đi khám để phát hiện và điều trị tận gốc.

 

Hà Châu
Theo: SK&ĐS

 

people like INLOOK.VN fanpage