Bạn đang ở đây

Cẩn thận với thực phẩm ăn kiêng

Không ồ ạt như các loại thực phẩm chứa dược chất mấy năm trước đây, nhưng thực phẩm ăn kiêng cũng đang “đổ bộ” vào các siêu thị, trung tâm thương mại... và ngày càng thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng.

thực phẩm ăn kiêng

Tuy nhiên, điều đáng nói là thông tin hướng dẫn sử dụng các loại sản phẩm đặc biệt này quá đơn giản. Trên bao bì, nhiều nhà sản xuất không có thông tin đầy đủ hàm lượng các chất để hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng. Như nước xi rô nhãn hiệu T quảng cáo dành cho người bệnh tiểu đường, ăn kiêng, có hàm lượng calo thấp, nhưng trong thành phần chỉ ghi chung chung gồm: nước, sorbitol pha loãng, xút cyclamate pha loãng, acesulfame K pha loãng, axit malic, xút citrate, xút benzoat...

Sinh tố nha đam, có dòng quảng cáo: “...Hãy yên tâm vì với aspartame có vị ngọt tương đương với đường nhưng không tạo năng lượng, cùng với hương chanh dây tươi mát...". Thế nhưng thành phần chỉ ghi rất đơn giản: nha đam, nước tinh khiết, axít citric, benzoat natri, aspartame, astartame, hương chanh dây.

Hầu hết các sản phẩm đều không có khuyến cáo chống chỉ định liên quan đến sản phẩm. Ngoài ra, một số loại bánh, sữa ăn kiêng như bánh đậu xanh T.L. có thành phần dinh dưỡng không cân đối, hàm lượng protein quá cao, mỡ bão hòa nhiều, không theo đúng tháp dinh dưỡng, có hại cho người ăn kiêng bệnh lý.

"Người tiêu dùng hiện quan niệm ăn kiêng quá dễ dãi", đó là nhận xét của TS-BS. Nguyễn Hữu Toản, Chủ nhiệm Khoa Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Đa số người ăn kiêng (có bệnh lẫn không có bệnh) nghĩ đơn giản rằng ăn kiêng nghĩa là ăn theo chế độ thực đơn chay.

Theo ông Toản, nhà sản xuất hoặc vô tình hoặc cố ý lập lờ giữa khái niệm ăn kiêng cho người bệnh và ăn kiêng hạn chế calo, giữ gìn sắc vóc cho nên phần lớn thực phẩm ăn kiêng trên thị trường hiện nay mang tính chất thương mại, chưa phải là sản phẩm chuyên dùng.

Nói về đường aspartame, loại đường hóa học thường được dùng trong thực phẩm ăn kiêng, TS-BS. Nguyễn Hữu Toản cho biết: đường aspartame có độ ngọt hơn đường kính thông thường khoảng 300-400 lần, là loại đường hóa học không sinh năng lượng. Đối với thế giới, đường aspartame đã “lạc hậu”, ít được sử dụng trong thực phẩm vì nó không điều hòa đường huyết.

Theo bác sĩ, không thể có chế độ ăn kiêng giống nhau cho người ăn kiêng bệnh lý, ăn kiêng giảm béo và ăn kiêng để giữ gìn sắc vóc. Tùy từng trường hợp mà có chế độ ăn uống khác nhau. Vì vậy, trước khi sử dụng các sản phẩm trên, người tiêu dùng nên tìm đến các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn.

Hiện nay, các sản phẩm ăn kiêng xuất hiện ngày càng nhiều ở siêu thị, trung tâm thương mại. Tại hệ thống các siêu thị như Co.opMart, Maximark, Citimart, Diamond Plaza... đều có bố trí khu vực riêng bày bán thực phẩm ăn kiêng. Theo bà Nguyễn Thị Tranh, Phó tổng giám đốc Co.opMart, vài năm trước, thực phẩm ăn kiêng chỉ có khoảng 2-3 loại nhưng đến nay đã có trên 30 loại. Doanh thu của thực phẩm ăn kiêng không bằng các loại thực phẩm khác nhưng mức tăng trưởng rất nhanh.

So với sản phẩm thông thường, thực phẩm ăn kiêng có giá khá cao như sữa bột ăn kiêng Hilo vani 46.800 đồng/hộp, xi rô Tropicaa Slim nhập khẩu từ Indonesia giá 40.800 đồng/chai, bánh quy kem Bissin (Thái) 14.000 đồng/hộp, mứt trái cây không đường (Pháp) 22.700 đồng/lọ, đường bắp ăn kiêng Tropicana Slim, bánh ăn kiêng làm bằng lúa mạch Garden (Hong Kong) 24.800 đồng/hộp... Thậm chí, nhiều loại đường, sữa giá bán lên đến vài trăm nghìn đồng/hộp.

Theo NLĐ

people like INLOOK.VN fanpage