Bạn đang ở đây

Sự cám dỗ ngọt ngào

Chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta không thể thiếu chất béo bởi một số vitamine như A, E... có lợi cho thị lực chỉ hòa tan trong chất béo khi cơ thể hấp thu. Tuy nhiên, nếu lạm dụng chất béo sẽ dẫn đến béo phì, tích mỡ ở phần bụng, hông và đùi.

Chất béo (lipid) là một trong 3 nguồn dinh dưỡng chính nuôi dưỡng cơ thể và là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho mọi hoạt động của con người, nhiều hơn cả nguồn năng lượng do chất đạm (protein) và chất tinh bột (carbonhydrat) cung cấp.

ăn kiêng

Chất béo có vai trò bảo vệ các nội tạng trong cơ thể và tham gia vào nhiều phản ứng sinh hóa. Chất béo cũng là chất trung gian để chuyên chở sinh tố A, D, E, K và là chất tạo ra kích thích tố nam (testoteron) và kích thích tố nữ (estrogen). Tuy nhiên, nếu lạm dụng chất béo (đặc biệt là các chất béo bão hòa có trong mỡ động vật, phô mai...) sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu - nguy cơ dẫn đến bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch.

Tuy vậy, chất béo trong các nguồn thức ăn rất hấp dẫn, có sức cám dỗ đối với nhiều người. Khi chúng ta thưởng thức những thức ăn ngon có chất béo, bộ não sẽ tạo ra chất endorphin - là hóc môntạo cảm giác ngon miệng. Đối với nhiều người, nếu không có hương vị và kết cấu của chất béo phì thì việc ăn uống không mang lại sự thú vị.

Ăn uống thả cửa hoặc không tuân thủ chế độ ăn kiêng nhiều khi không phải do con người mất khả năng kiểm soát mà là để thỏa mãn sự ngon miệng. Tất cả những thực phẩm nào có chứa chất béo, từ kem đến sôcôla, pho mát... đều mang lại cho chúng ta cảm giác độc đáo của sự thỏa mãn, làm chúng ta thấy ngon miệng hơn.

Theo ước tính của các chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, trung bình hàng ngày cơ thể của những người trưởng thành được cung cấp khoảng 32% -35% lượng calo từ chất béo, trong đó khoảng 12% từ các chất béo bão hòa. Các số liệu thống kê dinh dưỡng cho thấy, ngày nay lượng chất béo đưa vào cơ thể càng tăng và đấy cũng là lý do làm tăng lượng calo đưa vào cơ thể, từ đó gây ra tình trạng béo phì và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính khác.

Trên thực tế, hầu hết các sản phẩm có độ béo thấp hiện nay thường thu hút mọi người ăn nhiều hơn. Ví dụ, một túi khoai tây chiên có đủ hàm lượng chất béo thì bạn chỉ ăn một túi. Tuy nhiên, nếu bạn đọc thấy trên nhãn hiệu ghi “hàm lượng chất béo thấp” thì có khả năng bạn sẽ ăn nhiều nhiều khoai tây chiên cùng một lúc, từ đó làm tăng lượng chất béo vào cơ thể. Một số loại thực phẩm làm giảm chất béo bằng cách loại bỏ chất béo (sữa lấy váng), loại trừ loại mỡ và chỉ dùng thịt nạc... nhưng đa phần các thức ăn này đều sử dụng các “chất béo giả” dưới nhiều dạng khác nhau, nhằm bảo quản hương vị và kết cấu của thực phẩm.

Chẳng hạn, các thức ăn như đậu nành, ngô, xà lách trộn... rất ít chất béo, tuy nhiên nếu bạn trộn rau xà lách với sốt mayonaise, pho mát, bơ hay dầu oliu... để món ăn thêm ngon miệng và hấp dẫn thì đã vô tình cung cấp cho cơ thể một lượng chất béo khá dồi dào. Vì thế, nếu bạn không biết kiểm soát tốt các thực phẩm sử dụng hàng ngày thì sẽ đưa vào cơ thể một lượng chất béo ngoài mong muốn.

Mặt tốt của các sản phẩm ít béo là chúng thực sự có ít chất béo, nhưng chúng cũng thực sự nguy hiểm bởi nó đánh lừa được cảm giác con người. Mọi người đều không ngại ngần và “ngốn” vào mình một lượng thức ăn mà không hề tính toán. Vì vậy, việc cân vằng thức ăn với một lượng dùng vừa đủ là điều mà bạn luôn phải tỉnh táo.

Lời khuyên cho bạn: Đừng ăn lượng thức ăn nhiều gấp đôi chỉ vì chúng có độ béo thấp. Nếu không bạn sẽ bị tăng cân và béo phì - nguy cơ của bệnh tiểu đường, tim mạch và nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Theo HPGĐ

people like INLOOK.VN fanpage