Bạn đang ở đây

Niềm vui của bé, nỗi lo của cha mẹ

Thời kỳ nhũ nhi (0-1 tuổi) là giai đoạn bé nạp rất nhiều “nhiên liệu” thông qua quá trình ăn và ngủ nhằm hoàn thiện các bộ phận chức năng của cơ thể như não, chân, tay, hệ tiêu hóa… Vào giai đoạn 1-5 tuổi (tuổi chập chững – mầm non), là lúc bé tập trung học cách phối hợp tay chân, phát triển tư duy và tất cả là do bộ não chỉ huy. Hãy hiểu rằng não bộ của bé lúc này đang mải mê “vui chơi” hơn là “suy tư” về cách tăng cân và chiều cao.

Hãy cho bé quyền lựa chọn ăn bao nhiêu và như thế nào

Trong giai đoạn tuổi chập chững –mầm non, hầu như các bé đều biếng ăn. Bạn sẽ thấy bé xuất hiện khả năng siêu nhiên là chạy giỡn cả ngày mà không biết mệt, dù ăn rất ít. Lúc này bé như một chiếc xe được đổ xăng đầy bình và não bộ là “đồng hồ báo xăng”. Những chiếc xe mới mua thì độ hao xăng ít, bé cũng vậy. Nếu bạn ép, bé vẫn ăn nhưng việc này giống như chuyện đổ thêm xăng khi xe đang đầy bình. Bé chỉ ăn khi “đồng hồ báo xăng” ra tín hiệu “hết nhiên liệu rồi đấy nhé”. Trung bình bé chỉ tăng 1-2 kg/năm (bằng ¼ so với năm đầu tiên) và 3-4 tháng không tăng cân là chuyện hoàn toàn bình thường.

Nếu để bé tự ăn theo nhu cầu thì sẽ thấy chu kỳ khoảng 2-4 tuần biếng ăn, sau đó lại ăn “ngon lành” kéo dài vài ngày rồi biếng ăn trở lại. Vai trò và nhiệm vụ của các bậc phụ huynh trong giai đoạn này là cung cấp nguồn “nhiên liệu” đa dạng và tươi ngon (về hình thức và mùi vị), còn việc quyết định ăn bao nhiêu, như thế nào là việc của bé.

 

Giấc ngủ: chất lượng quan trọng hơn số giờ

Nhu cầu ngủ của con người được điều khiển bởi một khu vực đặc biệt trong não nhằm làm “tươi lại” toàn bộ cơ thể. Việc ép bé ngủ đúng với số giờ do các bảng thống kê đưa ra sẽ khiến bé có tâm trạng bực bội, không thoải mái. Liệu rằng như vậy bé sẽ có được những giấc mơ đẹp? Quá trình ngủ diễn ra nhanh – chậm, ít-nhiều phụ thuộc rất nhiều yếu tố chứ không chỉ đơn thuần về độ tuổi, như mức độ hoạt động trong ngày, giờ giấc sinh hoạt của gia đình, môi trường ngủ… Nếu bé thức quá khuya mà không có dấu hiệu buồn ngủ thì có thể là do giấc ngủ trưa quá dài, quá trễ; phòng ngủ quá sáng, tivi, máy tính vẫn hoạt động, hay do cả ngày bé không hoạt động nhiều.

Khi trẻ ngủ không đủ giấc hoặc giấc ngủ không “ngon” sẽ có những biểu hiện lừ đừ, phản ứng không linh hoạt, cáu bẩn, quấy phá… Đối với trẻ đi học sẽ có thêm một số dấu hiệu như kém tập trung, học bài lâu thuộc hơn những ngày trước, phản xạ chậm… Nếu bé chơi vui vẻ, sinh hoạt bình thường (dù thời gian ngủ ít hơn so với số liệu thống kê), nghĩa là bé đã có giấc ngủ ngon, sâu. Hãy ghi nhớ: Không có “chỉ số vàng” dành cho thời gian ngủ của trẻ, vì đây là nhu cầu riêng, kể cả đối với các trẻ cùng một độ tuổi.



(Trích bài viết của BS Nguyễn Trí Đoàn, Giám đốc Y Khoa, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare Mỹ Mỹ)

people like INLOOK.VN fanpage