Bạn đang ở đây

Cố yêu

Sau một thời gian yêu nhau, nhiều đôi bạn trẻ nhận ra “trái tim anh/em không thuộc về nhau”, tình cảm phai nhạt, rạn nứt và chia tay là điều tất yếu. Thế nhưng, không ít người, đặc biệt là các bạn gái vẫn tìm mọi cách níu kéo, dù tình yêu đã chuyển sang gam màu xám.

1001 lý do… cố

Hơn một năm nay, Hạnh Nguyên - công tác tại một công ty dược thường “bị” hỏi “khi nào mới cưới?”. Mối tình của cô đã kéo dài bảy năm, nhưng Tùng - người yêu của Nguyên thì hứa mãi không biết bao giờ cho đến… cuối năm.

Yêu nhau từ thời sinh viên, Tùng hứa hẹn “chờ ra trường công việc ổn định sẽ kết hôn”. Khi việc ổn định thì Tùng tiếp tục trình “kế hoạch hai năm lần thứ nhất” với lý do phải có nhà cửa ổn định. Vậy mà, lúc cả hai đã tích góp đủ tiền, Nguyên định mua một căn nhà cấp bốn thì Tùng bảo mua đất để xây nhà to, cho anh chị, cha mẹ ở quê mỗi khi vào có chỗ nghỉ ngơi. Nhưng chờ mãi Tùng không xây, cũng chẳng cưới. Nguyên còn phát hiện Tùng đang “bắt cá hai tay” với cô đồng nghiệp của anh. Tùng đã xin lỗi, năn nỉ Nguyên bỏ qua và hứa sẽ nhanh chóng cưới. Tuy nhiên, sau đó, Tùng lại viện cớ ngoại bệnh, công việc nhiều… để trì hoãn kết hôn. Nguyên đã tính chia tay không biết bao lần, nhưng ngại làm lại từ đầu ở tuổi “băm”, lo không biết người sau có tốt hơn không và hai người còn dính dáng đến tài sản nên Nguyên vẫn phải cố duy trì.

cố yêu

Ảnh minh họa

Tiễn người yêu đi Úc du học, dù người thân đã cảnh báo “xa mặt cách lòng” nhưng Ngọc Thanh - biên tập viên một nhà xuất bản vẫn bền lòng chờ đợi. Thanh làm tất cả để giữ và vun đắp cho tình yêu: chăm chỉ làm việc, học nấu ăn để chờ ngày xây tổ ấm và thường xuyên tới lui nhà người yêu như cô con dâu. Thế nhưng, ngày vui đó chưa đến thì thư từ, điện thoại Mẫn gọi về thưa dần với lý do bận học và đi làm thêm. Thanh gọi qua thì Mẫn khó chịu, bảo đang làm việc. Mẫn cũng nói với Thanh: “Nếu không đợi anh được thì em cứ đi tìm hạnh phúc của mình”. Chuyện chờ đợi thì Thanh không ngại, nhưng niềm tin ở Mẫn, ở tình yêu đã cạn dần. 

Nhiều lúc Thanh nghĩ, chia tay là giải pháp tốt nhất, nhưng rồi cứ mãi dùng dằng vì tiếc tình yêu đã dày công vun đắp, tiếc những kỷ niệm ngọt ngào giữa hai người. Và một lý do cũng không kém phần quan trọng là gia đình hai bên đã rất thân thiết, Thanh lại được mẹ chồng tương lai rất yêu thương nên cô sợ phá hỏng mối quan hệ này. Cứ như vậy, Thanh chưa biết sẽ chờ đợi đến bao giờ.

Héo hon tình cảm

Nhiều bạn trẻ đã không “buông” dù tình yêu đã chết dần, chết mòn, hai người gặp nhau chỉ vì thói quen hoặc miễn cưỡng nên tình yêu của những đôi tình nhân này chỉ có phần “xác”, còn “hồn” đã… đi về nơi xa lắm. Và do không còn tình yêu nên sự chia sẻ, cảm thông, đồng cảm cũng dần đội nón ra đi. Bởi thế, mỗi khi gặp nhau hay trò chuyện, thay cho những lời yêu thương, ngọt ngào, niềm vui như lúc trước là sự trách móc, nghi ngờ và giận hờn. Càng yêu, đôi bên lại thấy càng mỏi mệt, bế tắc, tinh thần cạn kiệt và hệ lụy lớn hơn là làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của chính những người trong cuộc.

Chất chứa trong lòng nỗi lo tình yêu không lối thoát với cảm giác "tiến thoái lưỡng nan", nên Thanh thường xuyên bị stress. Có lẽ vì nguyên nhân này mà Thanh chẳng mấy hào hứng với công việc, thường xuyên bị sai sót và sức khỏe giảm sút. Gia đình đưa Thanh gặp chuyên viên tâm lý, Thanh được gợi ý phải sống cho mình là khép lại những điều không vui để làm lại từ đầu. Dù Thanh biết lời khuyên này là đúng, nhưng bao lần chia tay rồi nối lại nên Thanh vẫn lâm vào bế tắc và gần đây Thanh phải nhập viện vì chứng trầm cảm.

cố yêu

Ảnh minh họa

Tương tự, tình yêu “lúc nghiêm lúc nghỉ” của Tùng thật sự làm Nguyên mỏi mệt và cô cũng luôn rơi vào tình trạng tinh thần sa sút, chẳng tìm thấy niềm vui trong công việc, cuộc sống. 

Lẽ ra tình yêu giúp các đôi tình nhân tiếp thêm sức mạnh, thăng hoa cảm xúc, thấy phấn chấn, yêu đời, nhưng tình yêu trong những trường hợp kể trên, càng kéo dài càng đẩy những người trong cuộc đến chỗ bế tắc và tuyệt vọng.

Theo chuyên viên tâm lý Lý Thị Mai: “Tình yêu là sự tự nguyện, cảm xúc yêu thương, quan tâm, sẻ chia, tôn trọng… đến từ hai phía. Nếu những chất xúc tác này đã cạn hay mất đi và không còn được “sản sinh” một cách tự nhiên thì sẽ không thể nào là chất keo hàn gắn tình cảm được. Đặc biệt là khi một trong hai người đã không còn xem chuyện tình cảm này là quan trọng, không tự nguyện thì sự níu kéo hay duy trì chẳng còn khả năng mang đến những điều tốt đẹp”.

Theo PN

people like INLOOK.VN fanpage