Bạn đang ở đây

Hôn nhân tan vỡ vì kiệm lời

Không hề có tiền sử tự kỷ thủa thơ ấu. Cũng không phải sinh ra vốn đã kiệm lời. Chứng tự kỷ dường như chỉ bùng phát khi các ông chồng ở nhà cùng... vợ.

kiệm lời

Ảnh minh họa

Ôi, chồng bị bệnh gì?

– Anh về đấy à? Sao về muộn thế anh?

- Ừ

- Hôm nay anh thế nào?

- Bình thường

- Dạo này công việc có bận không? Cơ quan có gì mới không anh?

- Không 

...

Ngắn ngủi, cộc lốc và tối giản đến hết mức, những lời đáp kiểu hoặc có hoặc không của chồng cứ thế thủng thẳng, hờ hững sau giọng điệu vồn vã, hồ hởi của vợ. Chẳng phải hôm nay chồng mệt hay vợ có lỗi, cũng không phải hôm nay chồng giận hay vợ nịnh nọt gì. Ngày nào màn giao lưu của hai vợ chồng cũng theo mô tuýp vợ hỏi-chồng đáp. Và khi nào vợ ngừng hỏi thì hẳn nhiên mỗi người lại ở một thế giới riêng: chồng yên vị trên salon lướt báo còn vợ lúi húi làm bếp. Âm thanh chung giữa họ lúc này chỉ còn là tiếng kỳ cạch nấu xào cùng tiếng dở báo loạt xoạt. Nếu lúc nào vợ có cao hứng bắt chuyện chồng bằng mấy lời hỏi thăm tin tức, báo chí thì cái mà vợ nhận lại cũng chỉ là mấy câu ừ hữ hay trả lời qua quết, không đầu không cuối của chồng. Oải, vợ thôi màn độc thoại.

 

Đến giờ ăn, bữa cơm duy nhất trong ngày hai vợ chồng ngồi chung mâm, mặt đối mặt vậy mà cả bữa cơm chồng cũng chỉ cắm cúi ăn, xong là đứng dậy. Dẫu vợ có nói chuyện gì, chồng cũng chỉ ừ hữ cho qua, không bàn luận gì thêm:

- Anh ơi! Phòng em mới tuyển thêm một người, trình độ chuyên môn cũng khá lắm!

Chồng hờ hững đáp: Thế à! Cũng chẳng buồn hỏi xem là nam hay là nữ, tốt nghiệp trường nào? Hết hứng, vợ tịt tại đây, không muốn “buôn bán” gì thêm. Và bữa ăn lại diễn ra trong “sự im lặng tuyệt đối”.

kiệm lời

Ảnh minh họa

“Tuyệt giao” khi làm việc đã đành, chứ đến lúc lên giường mà vợ chồng son vẫn như hai người xa lạ thì quả… không đỡ nổi. Nhiều lần thử lả lơi gục đầu vào ngực chồng nhưng thay vì được ôm ấp, vuốt ve hay rủ rỉ chuyện trò, chồng than thở “Nóng quá”, “Anh mệt”, “Ngủ nhé”… Nhìn chồng co ro, quay mặt vào tường ngủ, người vợ mới 27 tuổi và vừa kết hôn được hai năm, không thôi trăn trở: Rõ ràng con người này lúc yêu và cả khi mới cưới sôi nổi là vậy. Thế mà… Hay chồng mắc bệnh gì?

Tan vỡ vì kiệm lời

Kể từ ngày hai cô con gái bận bịu với việc học hành, chị Quỳnh (nhân viên thiết kế, Q.3, TP.HCM)  bỗng thấy nhà trống trải vì không biết nói chuyện cùng ai. Một ngày chị quyết định “cạy miệng” ông chồng  “nửa ngày không nói một lời” của mình. Cứ đi làm về là chị lại lôi tuột anh ra khỏi chiếc máy tính để xuống phòng bếp vừa giúp chị vài việc lặt vặt, vừa nghe chị rôm rả nói chuyện. Song dẫu cho vợ có hồ hởi thế nào, là chuyện cơ quan hay người hàng xóm, là chuyện bên nội hay đằng ngoại anh vẫn chỉ một mực nghe và im lặng, không bình luận cũng chẳng hỏi thêm. Mặc kệ, chị vẫn nhẫn nại “nói cho vui cửa vui nhà”. Nhưng đến khi có việc cần hỏi ý kiến chồng, phải tua sự việc đến 3 lần mà chồng vẫn không nhập tâm, ú ớ hỏi lại thì chị nản thật: “chồng mình có gì đó bất thường?”.

Những biểu hiện u ám, giống như trầm cảm xuất hiện ở người bạn đời khiến đối phương không ít lần chột dạ về “tình yêu còn sống hay đã chết?”. Dù ở ngoại đời họ vẫn là người năng nổ nhưng khi về đến nhà họ im lặng thực hiện ba tắt: tắt đài, tắt tiếng, tắt cảm xúc trước mọi chuyển động xung quanh. Càng ngày họ càng tự đào sâu hố ngăn cách giữa các thành viên trong nhà. Các mối bận tâm về chăm sóc con cái, hỏi han hay chia sẻ cảm xúc đều được tiết giản tối đa. “Bệnh” trở nên khó chữa khi họ giống như người dưng trong chính mái ấm của mình. Tự họ tạo lớp vỏ bọc xa cách mà vợ con không thể chạm tay vào thế giới riêng tư ấy.

Theo Giám đốc một trung tâm tư vấn tâm lý Quận 3, TP.HCM, tỉ lệ các cặp vợ chồng đến trung tâm tư vấn vì lý do không thể hiểu nhau ngày càng gia tăng. Một trong những nguyên nhân chính là người chồng giống như quả tinh cầu giá lạnh, thờ ơ với tất cả mọi thứ. Người vợ dù rộng lượng và dễ tính đến mấy cũng stress trước tinh cầu giá lạnh này. Cuộc sống vợ chồng không khác gì đốm lửa nhỏ âm ỉ, chỉ cần chờ ngày bùng phát. Đã có cô vợ trẻ sụt sịt tâm sự: Chấp nhận chia tay chứ không thể chịu đựng nổi cảnh 3 năm sống với người chồng vô cảm xúc, cô thà... ở góa còn hơn mang tiếng có chồng.

Dấu hiệu ít giao tiếp trong hôn nhân luôn được các nhà tâm lý xem là con dao sắc sẵn sàng cắt lìa đời sống vợ chồng bất cứ lúc nào. Đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, xã hội ngày càng hiện đại thì mối thâm giao giữa hai người bạn đời càng dễ bị xô đẩy bởi nhiều biến cố. Cái tôi quá cao, ít trải nghiệm cuộc sống, xốc nổi là những mồi lửa có thể thiêu rụi tờ giấy kết hôn khi họ đối mặt với vấn đề tự kỷ trong hôn nhân, thay vì tìm một phương án chữa “bệnh” khả quan cho cả hai.

 

Giao lưu là cầu nối giữa hai vợ chồng

“Trong cuộc sống hiện đại, những ông chồng trở nên kiệm lời với vợ không phải hiếm. Dù cho điều này bắt nguồn từ lý do nào thì hôn nhân của gia đình họ cũng rơi vào một vòng luẩn quẩn: Có khúc mắc nên ít trò chuyện với nhau, ít trò chuyện lại làm hai bên không hiểu nhau rồi xa cách, sinh ra ức chế và lại càng khó chia sẻ và tìm được sự đồng cảm ở nhau... Giao lưu là chiếc cầu nối giữa hai người. Một khi cầu đã bị gẫy thì chẳng còn cách nào khác là phải nối lại nhanh chóng nếu không muốn hai đầu cô độc”.

(Chuyên viên tâm lý Thu Thảo, Tư vấn viên đài 1088)

Theo GĐT

people like INLOOK.VN fanpage