Bạn đang ở đây

Giám khảo... được mùa

Chưa thời nào công việc giám khảo lại thu hút sự chú ý của dư luận như thời này - thời bùng nổ các chương trình giải trí trên truyền hình. Tấp nập đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ, người mẫu bước vào vị trí cầm cân nẩy mực.
Kỳ 1: Rảnh thì nhận, vui thì làm
>> Hồ Trung Dũng, Hà Anh rời cuộc chơi CĐHH
>> Cười vỡ bụng xem Mr. Đàm hóa Chí Phèo

Lộ trình của... vui và rảnh

Các nhà sản xuất mời tôi làm giám khảo thường nói rằng "chương trình này vui lắm, không mất thời gian của anh nhiều đâu". Thường thì tôi nhận cũng với những lý do thấy chương trình vui vui, sắp xếp được giờ và phần lớn nhận vì mối quan hệ quen biết với các nhà sản xuất.

Vậy là một thời gian tôi bị stress đến nỗi không muốn nghe điện thoại bởi những lời mời làm giám khảo. Từ các chương trình thi hát, múa, diễn xuất... đến các cuộc thi hoa hậu, rồi cả những cuộc thi ở trường học, đến các cuộc thi cơ quan xí nghiệp... Vì biết người ta yêu quý nên mới mời mình nên mỗi lần từ chối là phải suy nghĩ tìm cách nói làm sao không mất lòng. Nhưng tôi dị ứng nhất những lời mời kiểu "anh làm chương trình này tốt cho anh lắm, làm chương trình này anh có nhiều fan, nhiều người thích anh hơn, anh sẽ nổi tiếng hơn...".


Giám khảo của Cặp đôi hoàn hảo ngày 6/11.
Thật ra lý do này có thể đúng với các nghệ sĩ biểu diễn vì họ sống bằng công chúng, bằng hình tượng, bằng sự nổi tiếng số đông, Còn với những người làm nghề không phải biểu diễn như chúng tôi thì nhu cầu được công chúng biết đến là gần như không có. Nghề đạo diễn của tôi chẳng liên quan gì đến việc quảng bá "mặt" của mình đến khán giả, vì những đạo diễn, nhạc sĩ chỉ cần các nhà sản xuất, người trong nghề biết là đủ.

Thì đã bảo là do vui mà nhận. Vậy mà tôi đã giật mình khi đọc rất nhiều bài phỏng vấn của những người làm giám khảo, hầu như ai cũng nhận lời làm giám khảo là vì cho vui. Tôi cũng đã trả lời kiểu như vậy.

Đó là câu trả lời hợp lý và không sai với bối cảnh hiện nay ở thị trường chúng ta. Nhưng tôi giật mình là vì nếu suy nghĩ làm cho vui vậy khi hết vui thì không làm nữa hay sao? Mà một sô truyền hình thì rất dài, dư luận rất quan tâm, công việc làm giám khảo thật ra rất dễ mích lòng nhiều người và dễ hớ hênh, nên tai nạn bị thiên hạ "ném đá" là "chuyện thường ở huyện".

Ai đã làm giám khảo đều biết mặt trái này. Nhưng hầu như không ai nhận là đi làm giám khảo để quảng bá hình ảnh của mình, để xây dựng hình tượng trong lòng công chúng. Nhưng thực chất là có chứ không phải không. Xây dựng hình tượng là việc cần thiết và quan trọng trong lĩnh vực giải trí.

Và chắc chắn ban tổ chức của một sô phải có ý thức xây dựng hình tượng cho những nhân tố quan trọng trong sô, vì họ là những nhân tố góp phần xây dựng nên uy tín cũng như tính hấp dẫn của chương trình. Nhưng khi ý thức xây dựng hình tượng một cách cá nhân và không nằm trong sự tổng thể của chương trình thì sẽ xảy ra những chuyện sau đây.

- Cố gắng nổi trội bằng những cách: ráng làm duyên, ráng gây sốc, ráng thu hút sự chú ý của mọi người về mình. Tất cả điều đó một sô giải trí rất cần, nhưng nó phải nằm trong tổng thể của sô là làm sao cho khán giả quan tâm hoặc yêu quý thí sinh hơn, vì khi khán giả ấn tượng với thí sinh là xem như sô đó thành công.

- Cố gắng được lòng mọi người hoặc không mất lòng ai: trường hợp này với tôi là tối kỵ trong một sô truyền hình giải trí, vì nó sẽ dẫn đến nhạt nhẽo, không tạo được kịch tính và thú vị cho sô. Mà ở cái thời buổi nở rộ sô giải trí, sự nhạt nhẽo là cái tội lớn nhất.

Trên con đường ngắn

Nhìn lại các sô truyền hình của chúng ta, vị trí ban giám khảo của một sô mỗi năm thay đổi xoành xoạch. Trong khi đó, các thành phần ban giám khảo ở chương trình gốc của quốc tế thường đồng hành với nhau nhiều năm liền, họ cùng tạo thương hiệu, bản sắc cho nhau để khán giả thấy sô là nhớ người hoặc thấy người là nhớ sô.

Còn ở Việt Nam, những lý do nào khiến họ không đi được với nhau đường dài? Gần như không có hợp đồng dài hạn dành cho ban giám khảo. Bởi vì các sô truyền hình được mua bản quyền đó cũng chưa được mua dài hạn khi các công ty chưa đủ lực về kinh tế, các nhà sản xuất trông mong nguồn tài chính vào nhà tài trợ, họ cũng chẳng biết năm sau có nhà tài trợ nào không. Chưa kể năm sau họ có sóng truyền hình để phát hay không.

Cho nên hầu như sô nào cũng vậy, sau khi tìm được nhà tài trợ, lo được sóng truyền hình thì ban tổ chức mới cuống cuồng tìm và thương lượng hợp đồng với nhân sự. Và vì những người làm giám khảo rảnh thì mới làm, thấy vui mới làm, nên có những trường hợp như sau sẽ xảy ra:

- Giám khảo không có lịch "rảnh" thì phải tìm người khác.

- Mùa sô năm trước thành công thì tất nhiên khi thương lượng hợp đồng lại, giám khảo nào cảm thấy mình có ảnh hưởng đến sô thì thường tăng giá, mà mỗi năm mỗi ký và thương lượng giá thì nhà sản xuất cũng đau đầu. Năm đầu có thể người làm giám khảo nhận làm cho vui, thử sức mình, nhưng những năm sau thì họ ý thức được mặt trái, mặt phải, họ biết rằng không hẳn chỉ có vui nên họ cũng không còn tha thiết.

- Vì thường gần bắt đầu chương trình mới cuống cuồng tìm giám khảo, nên khả năng hợp tác được với những người mà nhà sản xuất thấy hợp với sô là chuyện hên xui. Khi áp lực thời gian cận kề, nhiều khi sự lựa chọn lại rơi vào tình thế bắt buộc phải chọn những gì có thể, chứ không chọn những gì mình muốn. Thế là khả năng của mùa sau lại thay đổi trong sự cuống cuồng. Cái vòng quay cứ thế mà luẩn quẩn, biết trước mà vẫn mắc phải.

Nguyễn Quang Dũng
 

Với "chiêu" hoán đổi giới tính, cặp đôi Đàm Vĩnh Hưng - Kim Thư nhận được điểm số gần như cao tuyệt đối từ ban giám khảo.
 
Cặp đôi hoàn hảo - giám khảo bất nhất
 
Quay trở lại chương trình Cặp đôi hoàn hảo gần đây, với sự bất nhất của từng đêm thi, từ điểm số cực thấp tới những cơn mưa điểm 9, 10, nhiều người băn khoăn không biết thực chất vai trò của các vị giám khảo có được thống nhất với ban tổ chức ngay ban đầu? Ngay cả "chú gà âm nhạc" Lê Hoàng (cách ông tự giễu mình), sau khi được "khán giả chấm thấp" vì sự đanh đá và khắt khe cũng đã có nhiều thay đổi. Những lời nhận xét xóc óc nhưng có tính "dặn dò hành động" đã hoàn toàn mất hẳn trong ba đêm thi gần nhất.
 
Khi Đàm Vĩnh Hưng sau 15 năm mới "chịu" khoác lên mình bộ dạng phái nữ để biểu diễn thì điểm số gần như cao tuyệt đối (39 điểm) dành cho cặp đôi cũng khiến khán giả khó cảm thấy tin tưởng vào sự công minh của ban giám khảo. Bất ngờ với những chiêu trò trình diễn (hầu hết các thành viên ban giám khảo đều nói vậy), nhưng đằng sau đó hẳn có những vướng vấp về chuyên môn, thậm chí cần phải được nghe chỉ trích thẳng thừng, chê có tính xây dựng hay góp ý gây tranh cãi của những vị cầm cân nẩy mực.
 
Cặp đôi hoàn hảo đang có một tuần tạm nghỉ để lên dây cót. Trong khi các thí sinh chuẩn bị tập luyện, nghĩ thêm chiêu trò, ở đâu đó không biết ban giám khảo có đang chuẩn bị cho công việc của mình. Để xóa đi định kiến giám khảo thời nay lên truyền hình muốn nói gì thì nói, muốn đẩy cho ai thì đẩy hoặc né tránh chỉ để "làm sao chê mà không bị mất lòng", giám khảo phải chuẩn bị bởi thời lượng dành cho những nhận xét công tâm, minh mẫn của giám khảo chiếm không ít sóng truyền hình trực tiếp. Kể cả khi giám khảo có phải tung hứng theo một kịch bản trước đó...
 
Theo Tuổi Trẻ
Ảnh: Trần Tiến Dũng
people like INLOOK.VN fanpage