Bạn đang ở đây

Khó nói như lời từ chối

Trong cuộc sống, không ít tình huống bắt buộc chúng ta phải đưa ra lời từ chối. Song, có lẽ khó nhất vẫn là từ chối những món quà và lời tỏ tình của người con trai mà mình không yêu. Làm thế nào để khi từ chối mình vẫn đạt được mục đích mà không làm người ấy tổn thương? Làm sao để người bị từ chối vẫn cảm mến và tôn trọng mình?

 

từ chối

Ảnh minh họa

Quả thật, ai chẳng khó chịu và phiền toái khi có một kẻ “mặt dày” luôn theo đuổi quấy rối mình ở mọi nơi mọi lúc, mặc dù lý do sự hiện diện của hắn rất đáng được tha thứ: Hắn yêu bạn. Không ít bạn gái đã không ngần ngại đắn đo khi mắng vào mặt kẻ đang ấp úng tỏ tình với mình rằng “Anh bị làm sao thế? Khi nào anh mới chịu hiểu là tôi không bao giờ yêu một người như anh!”, hoặc “Không có lòng tự trọng à. Đã nói rồi mà vẫn bám dai như đỉa”...

Thậm chí những món quà người đó mang đến tặng cũng bị từ chối thẳng thừng với những câu nói như “văng” vào mặt người ta: “Anh mang về đi”, “Dở hơi, ai nhận mà tặng”, có người còn vứt luôn bó hoa vào sọt rác ngay trước mặt người vừa trao tặng... Bạn hãy dừng lại vài giây nhìn vào vẻ mặt thảm hại và bẽ bàng của kẻ khốn khổ đó đi, để thấy rằng mình xử sự thật quá đáng!

Hình như các bạn gái thường cho rằng, khi không yêu người ta thì phải tỏ thái độ dứt khoát, thậm chí là tàn nhẫn để người kia mất hết hy vọng mà nhanh chóng “buông tha” cho mình.

Cách xử sự như vậy có thể giúp bạn đạt được mục đích làm cho người ta thực sự chán ghét và xa lánh bạn, nhưng đồng thời bạn đã xúc phạm, làm tổn thương người khác khiến họ mang một mối hận trong lòng.

Như vậy, bạn không những đã bớt đi một người có khả năng trở thành bạn mà còn làm cho mình có thêm một kẻ thù. Cách cư xử thiếu lịch sự, thiếu tế nhị đó còn làm xấu đi hình ảnh của chính bạn.

Bạn hoàn toàn có quyền từ chối tình cảm của người mà mình không yêu, hay một món quà mà bạn không muốn nhận, nhưng bạn cần có thái độ bình tĩnh, kìm chế trước khi bật ra những phản ứng đầu tiên.

hẹn hò

Ảnh minh họa

Hãy học cách đặt mình vào vị trí của “đối phương”, thông cảm với tâm trạng của họ. Đừng làm điều gì mà bạn không muốn người khác làm với mình, như xúc phạm, giễu cợt, coi thường hay chà đạp, biến đối phương thành kẻ vô duyên...

Dù đó là một anh chàng nhút nhát, khờ khạo, hay một kẻ tính toán thực dụng, nhưng khi anh ta đã đứng trước mặt bạn với một bó hoa hay một món quà trong tay thì bạn cũng nên ghi nhận tấm tình và thiện chí của họ.

Họ cũng là con người, cũng có một trái tim dễ xúc động, dễ bị tổn thương, vì vậy bạn cũng nên tôn trọng tình cảm mà người ta dành cho mình. Dù trong lòng cảm thấy ra sao, bạn cũng nên lấy phép lịch sự tối thiểu để đối đãi với họ. Từ chối cũng có nhiều cách, nhưng hãy dùng cách nào để vẫn làm đẹp lòng người bị từ chối mà bạn thì không phải hạ thấp mình.

Bất luận trong hoàn cảnh nào bạn cũng không nên to tiếng xỉ vả người ta, rồi quay ngoắt bỏ đi hoặc đóng sầm cửa lại. Bạn nên lịch sự mời người ta vào nhà, cùng bình tĩnh nói chuyện. Lần đầu tiên bạn có thể nhận món quà nhỏ hoặc bó hoa của anh ta kèm theo một câu nói từ tốn: “Lần sau anh không cần phải tặng quà cho tôi như thế này đâu”, và dùng kiểu nói chuyện hơi “công thức” một chút nhưng an toàn như: “Cám ơn những tình cảm anh đã giành cho tôi. Nhưng quả thật điều này tôi chưa nghĩ đến (hoặc chưa thể trả lời anh ngay được). Hay chúng ta cứ là bạn và để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên”.

Lần sau bạn lại kiếm những lý do khác để từ chối: “Hôm nay tôi hơi bận. Xin lỗi anh để dịp khác...”, “Món quà này quả là tôi không dám nhận. Mong anh đừng làm thế”. Dần dần đối phương sẽ nhận ra mọi sự cố gắng của mình không đem lại kết quả và tính đến chuyện “rút lui trong danh dự”.

Theo PNVN

people like INLOOK.VN fanpage