Bạn đang ở đây

Đẻ con đẹp quá cũng bị mẹ chồng ghét

Bà Hồng hẳn sẽ yêu thằng cháu đích tôn hơn nhiều nếu nó xấu xí hơn một chút, nghĩa là ít ra cũng giống bố cái mũi cà chua hay đôi mắt một mí.

Sinh con đẹp cũng bị ghét

Đến thăm Lệ sinh con, mấy cô bạn xuýt xoa, trầm trồ: “Ôi, sao mà xinh thế, khôi ngô quá đi mất. Nét nào cũng chuẩn không cần chỉnh”; “Nhất mày nhá, đã đẻ con trai lại còn đẹp thế này, bố mẹ chồng lại càng quý như vàng”… Nói một hồi mới thấy Lệ đang nhướn mày trợn mắt, xua tay lia lịa, hất cằm về phía mẹ chồng đang dọn dẹp chai lọ gần đó. Cả bọn liếc sang, thấy bà già mặt mũi khó đăm đăm thì chẳng hiểu ra làm sao.

Đợi mẹ chồng đi khỏi, Lệ mới thì thầm giải thích: “Đừng có khen thằng bé đẹp.  Khổ quá, vì nó đẹp mà mẹ chồng mặt nặng mày nhẹ, hắt hủi tớ từ hôm đẻ đến giờ”. Đến lượt mấy cô bạn trợn mắt: sao có chuyện ngược đời vậy? Xưa nay chỉ có chuyện mẹ chồng chê bai nàng dâu không biết đẻ vì chỉ cho ra lò toàn “vịt giời” hoặc những đứa trẻ xấu xí. Đây đứa trẻ của Lệ vừa là trai lại vừa khôi ngô, bà còn muốn gì nữa?

“Vấn đề là thằng bé giống mẹ và nhà ngoại hoàn toàn, không có gì giống bố cả, nên mẹ chồng tớ không bằng lòng”, Lệ giải thích.

“Nhưng ông chồng mày, với cả bố mẹ chồng mày, đều xấu như ma mút.  Giống họ có mà chết”, cô bạn đang nói chợt lấy tay bịt miệng, nhìn quanh, rồi hạ giọng nói tiếp. “Lẽ ra bà ấy phải mừng vì cháu không giống nhà mình mới phải. Các nhà giàu mà xấu người còn muốn cưới gái đẹp cho con để cải tạo nòi giống cơ mà”. Lệ nhún vai lắc đầu, ý bảo có trời mới hiểu.

Bà Hồng, mẹ chồng Lệ, tuy đã ra khỏi phòng sau khi nghe lời khen của khách dành cho thằng cháu, cũng như tiếng suỵt suỵt của nàng dâu, nhưng cũng thừa biết các cô nói chuyện gì trong đó, nên càng cảm thấy khó chịu. Người ta không ở địa vị của bà nên không hiểu, chuyện thằng cháu đích tôn không giống nhà nội tí nào giống như một sự hắt hủi, chối bỏ dòng giống nhà bà.

Đành rằng bà thích có thằng cháu đẹp trai, nhưng cũng chẳng hại gì nếu trên gương mặt hay cơ thể đẹp đẽ của nó có thêm vài nét của Hội - con trai bà, dù là cái mũi cà chua hay đôi mắt nhỏ một mí. Khi đó, mọi người đến chơi có thể trầm trồ: “Đúng là thằng Hội con”, hay: “Nhìn cái mũi kia thì đúng là con thằng Hội rồi chứ chẳng lẫn vào đâu được”.


Ảnh minh họa

Bà Hồng chẳng nghi ngờ gì chuyện thằng bé là giọt máu nhà mình, cho dù nó giống nhà ngoại 100%. Nhưng làng xóm, họ hàng là chúa xì xào, buôn chuyện, kiểu gì cũng sẽ bóng gió là sao con trai mà chẳng có chút gì giống bố. Cái kiểu thì thầm, nói bâng quơ  ấy cực kỳ gây khó chịu.

Và điều quan trọng nhất là bà muốn nhìn thấy hình ảnh mình, chồng mình, con mình trong thằng cháu đích tôn – kẻ kế thừa của dòng họ, đại diện cho thế hệ tiếp theo của huyết thống nhà bà, huyết thống mà bà tự hào. Nếu đứa bé là con gái thì cái chuyện giống bên ngoại 100% không làm bà bực mình đến vậy, đằng này nó lại là con trai.

“Con trai thì cần gì đẹp đến mức nét nào cũng chuẩn không cần chỉnh chứ. Bố nó xấu đến thế mà vẫn thành đạt, vẫn được mọi người yêu mến, vẫn lấy được vợ đẹp đấy thôi”, bà hậm hực nghĩ.  Thế là chỉ vì chuyện thằng bé đẹp giống mẹ mà trong niềm vui chào đón thành viên mới của gia đình, mẹ chồng nàng dâu nhà bà Hồng vẫn nuôi sự tức tối, cay cú với nhau.

Kiểu gì cũng phải khen con giống bố

Nếu để ý sẽ thấy, người Việt khi đi thăm và chúc mừng một đứa trẻ mới ra đời thường sẽ reo lên ngay 1 giây nhìn thấy đứa bé: “Ôi sao mà giống bố thế”, dù rằng đối với họ, trẻ mới đẻ trông đứa nào cũng giống đứa nào, không phân biệt nổi. Và thế là bố nó, ông bà nội nó nở mày nở mặt, cười rạng rỡ như mùa xuân.

Ông Phú, 60 tuổi, vừa được lên chức ông ngoại. Thằng cháu ông sinh ra bụ bẫm, khóc oang oang, và đặc biệt là rất giống ông Phú. Hầu như không tìm được nét nào của nhà nội trên mặt thằng bé.

“Ấy thế nhưng trước mặt mọi người, tôi vẫn luôn bảo cháu nó giống bố như đúc. Nhà nội phấn khởi lắm, bảo đúng thế đúng thế, giống không sai nét gì. Thằng út nhà tôi trẻ người non dạ, cứ cằn nhằn sao bố phải nịnh người ta thế, rõ ràng giống nhà mình kia mà. Nhưng tôi nghĩ đấy đâu phải nịnh nọt gì, tâm lý ông bà nội bao giờ cũng nghĩ cháu là cháu mình chứ không phải của nhà ngoại, vì thế nó phải giống mình. Mình khen cháu giống bố cho họ cảm thấy vui, thế là ai nấy đều vui”, ông Phú nói.

Tuệ Giang, 24 tuổi, kể lại kinh nghiệm “xương máu” của cô khi đi thăm bà đẻ. Vốn bộp chộp, vừa nhìn đứa bé, cô đã ríu rít khen: “Ối, sao mà xinh thế, giống mẹ như hai giọt nước”. Nói xong ngẩng lên, Giang tắt ngay nụ cười khi bắt gặp cú lườm cháy má của bà nội em bé. Còn sản phụ thì vội vàng khỏa lấp: “Giống bố chứ. Đây này, cái đuôi mắt này giống hệt bố”. Giang nhìn đi nhìn lại đuôi mắt đứa bé, tự nhủ không hiểu mắt ấy sao có thể nói giống bố được. Rồi cô phải về sớm vì cảm nhận rõ thái độ bực bội của chủ nhà với mình.

Chị Thu Trà, 33 tuổi, kể lại: “Giờ đẻ được thằng cu này giống bố hoàn toàn, dù hơi xấu trai nhưng bà nội nó hài lòng lắm. Chứ mấy năm trước sinh con chị nó, bà ngồi ngắm các nét trên mặt cháu rồi nựng rằng mắt giống bà nội này, tai giống ông nội này, môi giống bố này, chỉ có cái mũi này thì giống mẹ nó mất rồi. Mình buồn cười quá, sao lại ‘giống mẹ mất rồi’, trong khi mũi mình thon đẹp còn mũi bố nó xấu ơi là xấu, con gái mà mũi cà chua đập bẹp thế thì chết”.

Tuy nhiên, Trà cũng thông cảm cho cái tâm lý thích cháu nội giống mình của các bậc bố mẹ chồng: “Với nhà ngoại, dù cháu giống ai thì con mình đẻ ra, nó chắc chắn phải là máu mủ nhà mình rồi, không ai nói ra nói vào gì được. Còn bên nội thì vẫn cần có những nét giống để có thể hãnh diện nói với thiên rằng, đấy nhé, dòng giống nhà tôi đấy. Nhiều người quan niệm rằng cháu càng giống nhà mình thì càng chứng tỏ gene nhà mình rất mạnh, và đó là niềm tự hào, cho dù giống bố là xấu hay đẹp cũng chẳng quan trọng”.

Thực ra không phải người nào cũng nghĩ nhẹ nhàng như vậy về chuyện con giống ai. Mối bất hòa giữa Thanh Huyền, 27 tuổi, và mẹ chồng bắt đầu cũng từ chuyện này. Thấy mọi người đến chơi cứ khen con trai cô giống bố như hai giọt nước, bà nội cũng nhiệt liệt đồng tình, Huyền thấy không đúng liền vô tư bảo: “Giống bố đâu mà giống bố. Nó giống hệt em. Da đen giống em, mắt dài giống em, môi dày giống em, còn cái mũi sư tử thì giống ông ngoại. Trong khi bố nó da trắng, mắt to đùng, môi mỏng mà mũi lại nhỏ xíu”.

Nghe con dâu “thuyết trình”, mẹ chồng sầm mặt gắt rằng đừng có nói lăng nhăng, rồi đá thúng đụng nia với cô cả buổi. Những lần sau, vẫn thấy con dâu khoe với mọi người là em bé giống mẹ, bà giận lắm, lại kiếm cớ mắng con dâu. Huyền tức quá “tố” với chồng. Anh bảo, mẹ thích cháu giống đằng nội thì cứ khen giống cho mẹ vui, so đo gì chuyện ấy.

Huyền không chịu: “Thật là vô lý. Giống ai thì em bảo giống người đó, sao nói thật thì mẹ lại không hài lòng? Chẳng lẽ cháu sinh ra cứ phải giống nhà nội mới đúng đạo lý, chứ không được quyền giống nhà ngoại? Ở thế kỷ nào rồi mà vẫn còn cái lối phong kiến, gia trưởng đến nực cười ấy?”.

Huyền bức xúc nên quên mất việc kiềm chế âm lượng, khiến mẹ chồng ở ngoài nghe được. Bà không xông vào tranh thắng bại với con dâu, nhưng từ đó đâm ra ghét Huyền, luôn tìm cớ chê bai, trách mắng cô. Huyền biết vậy nên càng không phục, cô cũng hậm hực và ghét mẹ chồng.

Đúng là, chuyện nhỏ xíu cũng có thể biến niềm vui thành trận chiến được, nếu như nó có liên quan đến chuyện nội với ngoại, mẹ chồng với nàng dâu.

Theo Khả Khanh (Xzone/TTTĐ)

people like INLOOK.VN fanpage