Bạn đang ở đây

Những điều cần thống nhất trước ngày cưới

Chọn nơi ở sau đám cưới, dự định về con cái là một số điều quan trọng mà uyên ương cần đồng tình với nhau trước đám cưới.


ngay cuoi Những điều cần thống nhất trước ngày cưới

Để đi tới đám cưới hạnh phúc, uyên ương cần sự thấu hiểu cũng như ủng hộ nhau mọi việc. Ảnh: A.X.

Nhiều đôi uyên ương sau khi kết hôn cảm thấy căng thẳng vì không hòa nhập được với môi trường gia đình, có thể dẫn đến tranh cãi, bất đồng ngay sau đám cưới. Cô dâu chú rể sẽ phải làm quen với nhiều thay đổi trong cuộc sống cũng như học cách cân bằng mối quan hệ mới với gia đình hai bên. Để có được cuộc sống hạnh phúc, cặp đôi cần tìm hiểu những điều sẽ thay đổi cuộc sống của cả hai trong tương lai.

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng như wedding planner đều đồng quan điểm, nếu cặp đôi thẳng thẳn trao đổi, họ sẽ hiểu rõ những khó khăn, thuận lợi trong cuộc sống gia đình, như vậy mới có thể sống hạnh phúc lâu dài. Có ít nhất 6 vấn đề dưới đây mà cô dâu chú rể tương lai nên bàn bạc và thống nhất với nhau trước khi quyết định đi tới đám cưới.

1. Chọn nơi ở mới sau đám cưới

Việc ở chung – ở riêng luôn là vấn đề được các đôi uyên ương quan tâm. Nếu hai người có kinh tế vững vàng và muốn độc lập tự chủ, cả hai có thể ở riêng để đảm bảo không gian riêng tư.

Nhưng nếu người con gái phải về làm dâu hoặc chú rể phải về nhà bố mẹ vợ sống, cả hai cần thống nhất về cách sinh hoạt, về phong cách sống. Đôi uyên ương cùng nên bàn bạc cùng gia đình về những vấn đề chung khi chia sẻ không gian với mọi người trong nhà. Nếu bạn cảm thấy không thể ở cùng bố mẹ chồng, bạn cũng phải bày tỏ quan điểm ngay từ trước khi cưới để tìm ra giải pháp thích hợp, tránh trường hợp cưới xong, về sống chung lại gây ra xích mích.

2. Chia sẻ về kinh tế

Khi đã là vợ chồng nghĩa là cả hai bạn đều phải có trách nhiệm với gia đình, phải chung sức xây dựng tổ ấm. Ngay từ việc mua sắm những vật dụng nhỏ tới các đồ đạc giá trị cũng cần có sự thống nhất của cả hai người.

Cô dâu chú rể cần bàn bạc xem cả hai sẽ đóng góp bao nhiêu tiền mỗi tháng vào ngân sách chung và sẽ được giữ lại bao nhiêu phần để chi tiêu riêng cho bản thân. Việc rõ ràng về kinh tế ngay từ khi chưa kết hôn sẽ giúp gia đình bạn không gặp phải các cuộc tranh cãi không cần thiết, cũng như giữ được sự hạnh phúc giữa hai người.

3. Dự định sinh con

Nếu bạn còn trẻ, cần có thời gian tận hưởng cuộc sống của những đôi tình nhân và chưa muốn sinh con ngay sau đám cưới, hai bạn cần trao đổi thẳng thắn với nhau về vấn đề này. Đặc biệt, cả hai cũng phải thông báo và thuyết phục gia đình về kế hoạch “hoãn” sinh con, vì thông thường các bậc sinh thành thường mong con cái mình sinh cháu ngay sau đám cưới.

Nếu có ý định làm cha mẹ sớm, bạn cần chuẩn bị một khoản chi phí dự phòng và không nên tiêu hết tiền tiết kiệm vào đám cưới vì việc sinh con sẽ tiêu tốn nhiều tiền. Đồng thời, nếu định sinh con ngay, bạn cũng cần tiêm phòng trước khi kết hôn để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé.

chia se tuong lai Những điều cần thống nhất trước ngày cưới

Uyên ương nên bàn bạc về những dự định cho tương lai trước khi đám cưới diễn ra. Ảnh: A.X.

4. Duy trì mối quan hệ với gia đình

Các cô dâu mới cưới thường lo lắng về mối quan hệ của mình với cha mẹ ruột. Sau khi cưới, nếu bạn muốn thường xuyên về thăm cha mẹ vào cuối tuần, nhưng chú rể chỉ muốn gặp bố mẹ, họ hàng vào các dịp lễ Tết, hai bạn nên bàn bạc về việc này.

Giải pháp mà nhiều đôi uyên ương lựa chọn là lượt lần về thăm cha mẹ hai bên mỗi tháng một lần, hoặc Tết năm nay về nhà nội, Tết năm sau sẽ về nhà ngoại. Ngay khi chưa kết hôn, nhưng bạn cũng nên bày tỏ quan điểm của mình để hai bạn hiểu nhau hơn.

5. Tạo khoảng không riêng tư cho nhau

Có những đôi uyên ương thường xuyên đi với nhau và kiểm soát nhau mọi hoạt động. Có độc giả chia sẻ, từ khi lấy chồng, bạn không còn thường xuyên gặp gỡ bạn bè và không có một người bạn là nam giới. Ngược lại, có những chú rể tỏ ra thất vọng vì sau ngày cưới, cô dâu luôn muốn đi cùng trong tất cả các cuộc hẹn và liên tục hỏi han về những đồng nghiệp, bạn bè xung quanh. Nếu không muốn tình trạng đó xảy ra với mình, bạn nên trao đổi rõ ràng với người bạn đời về việc dành cho nhau những không gian riêng tư nhất định.

Yêu và sống bên nhau không có nghĩa cả hai bạn sẽ phải luôn đi tham dự mọi bữa tiệc, mọi cuộc hẹn cùng nhau hay phải báo cáo mọi hoạt động trong ngày với đối phương. Mỗi người đều cần có thời gian rảnh, để gặp gỡ bạn bè và để sự “xa cách tạm thời” này hâm nóng tình yêu của hai bạn.

6. Cách tổ chức hôn lễ

Cuối cùng, cách tổ chức đám cưới là điều cặp đôi cần bàn bạc kỹ lưỡng. Những điều uyên ương cần thống nhất như  quy mô bữa tiệc, số lượng khách mời để tránh tình trạng cô dâu muốn làm đơn giản, nhưng chú rể lại muốn phô trương, cầu kỳ. Biện pháp tốt nhất là tìm được tiếng nói chung và có được sự hình dung nhất định về đám cưới trước khi chính thức chuẩn bị cho hôn lễ.

Trên đây là những vấn đề tưởng như đơn giản, nhiều đôi uyên ương bỏ qua hoặc khi lấy nhau xong bàn bạc và thống nhất cũng không muộn. Nhưng thống nhất và chung quan điểm sẽ khiến cặp đôi hiểu nhau, ủng hộ nhau trong cuộc sống hôn nhân.

 Theo Ngôi Sao

 

people like INLOOK.VN fanpage