Bạn đang ở đây

Món lạp ngày Tết xứ Chăm Pa

Mỗi một đất nước đều có món ăn cầu chúc may mắn và an lành trong những ngày đầu năm mới. Đến với đất nước hoa Chăm Pa, món ăn truyền thống và gần gũi chính là món lạp, được so sánh với món bít tết Cerviche của người Mexico.

Tết của người Lào bắt đầu từ 13 – 15/4 âm lịch hàng năm, người Lào ăn Tết theo Phật lịch. Tết của người Lào có những phong tục như lễ té nước, phóng sinh, hái hoa tươi và ăn món lạp để cầu may, bình yên cho cả năm.

Cũng giống như ở Việt Nam, Tết của người Lào diễn ra trong ba ngày. Ngày đầu tiên cũng là ngày cuối cùng của năm cũ, người ta sẽ dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, sắm Tết. Ngày thứ hai là giờ phút đón giao thừa giữa năm cũ và năm mới. Ngày thứ ba là ngày cuối cùng, mọi người đi chúc Tết và vui với những lễ hội vùng miền. Trong ba ngày Tết, người Lào được nghỉ, mọi công việc, buôn bán đều ngưng, vì hầu hết mọi gia đình đều đi chơi hay tập trung ở nhà.

 


Phong tục chúc Tết của người Lào cũng giống như người Việt, đầu tiên là làm lễ cúng ông bà, rồi chúc nhau bằng rượu, bánh, hoa quả, ... chỉ khác về món ăn. Lạp là món ăn truyền thống trong ngày lễ Tết ở Lào. Lạp có nghĩa là lộc, là may mắn, vì thế trong ngày Tết của mỗi gia đình người Lào, lạp là món ăn không thể thiếu.


Nguyên liệu chính làm lạp là thịt gà, thịt bò bằm nhuyễn với rau bạc hà xắt nhỏ và nước cốt chanh, sau đó được trộn thêm với các gia vị. Thính gạo được trộn vào để tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn. Những người làm kinh doanh rất coi trọng việc chế biến lạp, bởi họ quan niệm món lạp không ngon có nguy cơ năm mới làm ăn gặp nhiều xui xẻo.

Người Lào quan niệm, vào đầu năm mới, người ta có thể tặng quà, hay chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều lạp thì năm mới sẽ có nhiều lộc và may mắn.

 


Lạp có nhiều loại như lạp heo, lạp gà, lạp bò, lạp cá, lạp ngao…chính vì thế nguyên liệu làm món lạp cũng khá phong  phú từ thịt heo, thịt bò băm nhỏ, cá…đến thịt hổ còn gọi là hổ lạp. Món lạp phải đủ ba vị chua, cay, ngọt, có thế món ăn mới đậm đà.

Cách làm món lạp cũng khá đơn giản, với lạp heo thì thịt nạc được trộn đều với tim, gan băm nhỏ và bì heo thái sợi cùng các loại gia vị như nước cốt chanh, riềng, sả, hành tây, thật nhiều ớt và trộn thêm thính gạo nếp. Cũng giống như những món ăn khác của xứ Chăm Pa, món lạp không thể thiếu một chút hương vị thơm cay của thảo mộc. Vài cọng ngò gai, húng lủi để món ăn thêm thanh mát. Màu xanh của húng lủi, màu đỏ của ớt, màu nâu hồng của thịt trông món lạp thật hấp dẫn. Vị chua của chanh, dậy vị tươi ngọt của thịt, cay xè của ớt khiến những người ăn lần đầu có thể "giàn giụa nước mắt" nhưng được cân bằng lại bởi những hạt xôi nếp mềm dẻo.

 


Lạp thường ăn kèm với xôi, điều đặc biệt là 90% người dân Lào ăn xôi nếp trong các bữa ăn chính. Hạt nếp Lào thuôn dài, trắng trong, khi đồ lên vẫn còn giữ nguyên hình dáng và cái sắc trong lúc ban đầu. Xôi và lạp "đẩy đưa" nhau mà ngon đến lạ kỳ.

Người dân xứ Chăm Pa thường quen ăn bằng tay, nên nếu được mời bạn đừng ngại ngần dùng tay vê từng nắm xôi nếp nhỏ từ chiếc trõ tre xinh xắn rồi chấm vào đĩa lạp. Vị ngọt của gạo nếp, vị cay cay chua chua của đủ loại gia vị lẫn với mùi thính nếp thơm thơm quyện lấy nhai làm món lạp thêm tinh tế.

Theo văn hóa của đất nước Lào, lạp được xem là "linh hồn" của người Lào trong năm mới. Vừa được té nước, buộc chỉ cổ tay và ăn món lạp chung vui với Tết cổ truyền của người Lào thì sẽ may mắn và sung túc trong cả năm mới.

 

M.K. tổng hợp

Ảnh: Google

people like INLOOK.VN fanpage