Bạn đang ở đây

Ca sĩ ra đĩa để... chẳng ai mua

Sau vài tháng ảm đạm thì chỉ trong vẻn vẹn hai tuần đầu tháng 10, đã có khoảng một chục album được tung ra thị trường.

Không phải lúc nào, quy luật cung cầu cũng đúng. Ít ra là với thị trường băng đĩa trong nước hiện nay. Lúc có cầu thì chẳng có cung, mà lúc cung ầm ầm thì cầu lại không có, hoặc có nhưng cũng rất thấp.

Sau vài tháng ảm đạm, chỉ loanh quanh với các album online thì vừa bước vào đầu quý cuối năm, hàng loạt các ca sĩ, cả mới lẫn cũ, từ nhiều tiếng đến ít tiếng, thi nhau ra đĩa ầm ầm. Tính sơ sơ, chỉ trong vẻn vẹn hai tuần đầu tháng 10, đã có khoảng chục ấn phẩm âm nhạc được phát hành.

Vì mỗi người một sở trường, một mục đích, thể nên phong cách âm nhạc cũng như hình hài của các ấn phẩm này cũng rất khác. Với những người vẫn đang xuất hiện với tần suất dày đặc như Hồ Ngọc Hà, Hoàng Thùy Linh hay Nam Cường thì một album mini có chi phí thực hiện vừa phải đồng thời đầu tư mạnh về hình ảnh là lựa chọn số một.

Trong khi đó, các gương mặt lâu không hát hò, giờ tính chuyện trở lại như Phạm Thanh Thảo, Lương Bích Hữu, Tina Tình và Tuấn Hiệp đều cố gắng biên tập một album đầy đủ, chú trọng vào phần nhìn nhiều hơn phần nghe. Các nhạc sĩ cũng không đứng ngoài cuộc, nhưng có lẽ vì chưa đủ tự tin nên dù có tên như Nguyễn Văn Chung hay mới được biết qua Bài hát Việt như Lê Minh Trung cũng chỉ tung ra đĩa đơn.
 


Các album vừa được tung ra liên tục trong những ngày đầu tháng 10

 

Cung thì nhiều như vậy, nhưng cầu thì sao? Thực tế, trước sự lấn át của đĩa lậu cũng như nhạc số, đĩa xịn gần như không thể tiêu thụ. Tức là, nhu cầu nghe của khán giả thì lúc nào cũng có, nhưng nhu cầu mua các ấn phẩm nguyên tem nguyên mác thì gần như là bằng không.

Tình trạng này thực ra đã có từ rất lâu và càng ngày càng trở nên trầm trọng. Vậy nên thời gian qua, các nhạc sĩ có tiếng của làng nhạc như Quốc Trung, Huy Tuấn đã phải hô hào khẩu hiệu “nghe có ý thức”. Dù những chiếc áo phông trắng có in khẩu hiệu này được bán đắt như tôm tươi, nhưng liệu ý thức của người nghe có thay đổi hay không thì vẫn chẳng ai dám chắc.

Do đó, có thể hiểu rằng, ca sĩ ra đĩa gần như không phải để bán. Tuy nhiên, dù cho có ế chỏng ế chơ đi chăng nữa, thì họ vẫn không thể không làm album. Bởi đã là ca sĩ thì phải có sản phẩm âm nhạc bằng hiện vật, đó chuyện hiển nhiên. Album online là một giải pháp tạm thời, nhưng không thể thay thế các ấn phẩm chính thống.

Không những thế, như đã nói ở trên, ra đĩa cũng là một cách để các ca sĩ hâm nóng tên tuổi của mình, hoặc đánh dấu sự trở lại sau một thời gian dài. Nhờ có đĩa mới, họ có cơ hội để họp báo, có cái mà giới thiệu với giới truyền thông và có lý do để khẳng định rằng mình vẫn đang hoạt động.

Bên cạnh đó, dù không kiếm lời được từ việc bán đĩa, thế nhưng các ca sĩ vẫn có những nguồn thu khác từ việc chia sẻ bản quyền nhạc chuông nhạc chờ. Cả album chỉ cần có một bài tạo “hit” là ca sĩ ăn đủ. Chính vì thế nên mới có chuyện không ít ẩn phẩm đã được in luôn cả mã số ca khúc cùng với số tổng đài trên bìa.

Ngoài ra, càng ngày tuổi thọ của các bài hát mới càng ngắn. Vậy nên, nếu muốn có thêm nguồn ca khúc để đi diễn cũng như muốn tạo “hit” mới, các ca sĩ phải bắt tay vào thu âm và làm album. Tóm lại, việc ca sĩ ra đĩa không hề theo quy luật cung cầu mà vì nhiều lý do khác như đã phân tích.

Sự hoành hành của đĩa lậu


Dù không có một album nào thực sự nổi bật hẳn lên, nhưng nhìn chung các ấn phẩm được tung ra thời gian qua đều có sự đầu tư nhất định. Và trong bối cảnh showbiz đang ngập tràn những chuyện thị phi thì việc các ca sĩ tập trung làm đĩa có thể coi là một tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, với câu hỏi tại sao họ lại đồng loạt chọn thời điểm này để ra đĩa, là ngẫu nhiên hay cố ý, thì có lẽ cần phải tham khảo thêm ý kiến của những người trong cuộc.
 

Ông Huỳnh Tiết, giám đốc Bến Thành Audio: Thực ra, những năm gần đây, các ca sĩ vẫn thường phát hành album riêng của mình vào thời điểm này. Theo tôi thì đây là một tín hiệu đáng mừng bởi bây giờ, các hãng sản xuất không dám đầu tư để sản xuất băng đĩa nữa. Việc các ca sĩ tự lực cánh sinh sẽ làm cho thị trường sôi động lên rất nhiều và người nghe sẽ được thưởng thức nhiều sản phẩm mới, đa dạng. Và dù cho ra đĩa cùng lúc như vậy, nhưng tôi nghĩ họ không sợ sự cạnh tranh vì thực ra mỗi người có một sắc thái riêng.

Hiện tại, khi phát hành Album, hầu hết các ca sĩ đều biết chắc chắn rằng khả năng thu hồi vốn là không thể. Tuy nhiên, họ vẫn phải làm bởi thứ nhất, để đáp ứng nhu cầu cho các fan của họ (mỗi ca sĩ đều có một số lượng fan nhất định), thứ hai góp phần cho thị trường âm nhạc sội động lên và quan trọng là để hỗ trợ cho việc biểu diễn của họ.

Về phía chúng tôi, những nhà sản xuất thì trong thời điểm hiện hiện nay, nếu đầu tư tài chính để sản xuất và phát hành cho một ca sĩ thì chắc sẽ không ai dám làm vì sự hoành hành của băng đĩa lậu và nhạc số.

Hoàng Thùy Linh: Tôi ra đĩa thời điểm này vì thấy mọi yếu tố đều phù hợp với mình. Và tôi không hề biết là có nhiều đồng nghiệp khác cũng mới giới thiệu sản phẩm của mình thời gian qua. Tuy nhiên, tôi nghĩ việc ai nấy làm, vậy thôi. Là một ca sĩ, tôi rất mong các khán giả sẽ mua đĩa gốc. Chưa nói đến chuyện lời lãi, cái tôi kỳ vọng là công sức của mình đã bỏ ra sẽ được công nhận một cách xứng đáng. Cho dù nhạc của tôi được nghe nhiều trên mạng, nhưng đĩa thì lại chẳng ai mua thì chắc chắn, tôi cũng chẳng thể vui nổi.

 

Theo Vietnamnet
people like INLOOK.VN fanpage