Bạn đang ở đây

Đẳng cấp “thượng thừa” của một dàn nhạc

Tối 16/7 tại Nhà hát TP.HCM, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã có buổi biểu diễn cuối cùng trong chương trình Toyota Classics 2011. Dàn nhạc, solist, chỉ huy đã để lại cho công chúng TP.HCM nhiều ấn tượng tốt đẹp.

1. Chương trình đã biểu diễn những tác phẩm nổi tiếng của Bizet, Saint Saens, L.Anderson, J.Strauss. Tài năng trẻ Đỗ Phương Nhi (violin) lần đầu tiên trình diễn cùng dàn nhạc tại TP.HCM, với tác phẩm Introduction And Rondo Caproccioso 28 của Saint Saens. Qua tiếng đàn mượt mà, tình cảm, kỹ thuật khá điêu luyện và thể hiện được “bản lĩnh” vững vàng khi trình diễn chung với dàn nhạc, Phương Nhi đã đem lại một tiết mục lôi cuốn chinh phục người nghe.

Dàn nhạc đã biểu diễn thật xuất sắc dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji. Điều đáng nói là biểu diễn nhạc giao hưởng nhưng có cả “minh họa”. Dĩ nhiên là minh họa theo kiểu giao hưởng và sự minh họa này cũng nằm trong kết cấu âm nhạc của tác phẩm. Tiết mục Người đánh máy (Typewrrite) và Thợ rèn (Poka “Feuerfest”) với người ngồi đánh máy chữ và anh công nhân cầm hai chiếc búa làm việc đã làm cho không khí âm nhạc thêm phần nhẹ nhàng, hấp dẫn.

 

Tài năng trẻ Đỗ Phương Nhi trong Toyota Classics 2011

 

2. Tuy nhiên, đêm diễn ở TP.HCM (và có lẽ cả những đêm diễn tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế) có một tiết mục mà nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là một trò chơi dành cho khán giả để chương trình thêm sinh động gần gũi với khán giả hơn. Đó là tiết mục Tập làm chỉ huy - dàn nhạc trình tấu khúc mở màn từ opera Orpheus In The Undermaus của Offenbach. Tưởng chừng như dàn nhạc chỉ phục vụ cho cái “chơi” của khán giả, nhưng đây lại chính là tiết mục thể hiện rõ nhất “đẳng cấp” của dàn nhạc.

Đêm diễn 16/7 tại Nhà hát TP.HCM có 5 khán giả lên tập làm chỉ huy trong tiết mục này. Nếu chú ý thì hiệu quả trình diễn của dàn nhạc rất khác nhau dưới đũa chỉ huy của những “nhạc trưởng nghiệp dư”. Bé trai đầu tiên lúc thì “quơ” đũa mạnh, lúc nhẹ; có lúc cao hứng tay trái chỉ lên trời như ra hiệu dàn nhạc chơi lớn lên. Dàn nhạc đã phải biểu diễn lúc êm dịu, lúc mạnh mẽ theo đúng với những động tác thể hiện ý muốn của người đang chỉ huy.

Bé gái chỉ huy thứ hai thì đánh nhịp với tốc độ hơi chậm, đều đều và dàn nhạc cũng chơi chậm, hơi buồn chán vì chẳng có sắc thái tình cảm từ người chỉ huy. Đáng chú ý là chàng thanh niên, người mà sau khi chỉ huy xong tiết mục đã trả lời MC rằng “như đang bay trên không”. Anh chàng này chỉ huy rất “sung”, tốc độ khá nhanh, làm các nhạc công đàn dây đánh muốn líu tay, nhạc công kèn thổi muốn... líu lưỡi. Nhiều lần cao hứng vị “chỉ huy” này nhảy cẫng lên, kích động chẳng khác các thanh niên lúc nghe nhạc rock và dàn nhạc cũng đánh với âm lượng hết cỡ... Có thể nói lần trình diễn do chàng thanh niên này chỉ huy là có nhiều sắc thái tình cảm... đột biến nhất.

Đương nhiên, những khán giả lên chỉ huy họ chẳng hiểu gì về sắc thái tình cảm của tác phẩm, và điều khiển dàn nhạc theo cảm hứng bản năng của mình là chính. Tuy vậy, nếu chú ý kỹ, người nghe sẽ thấy dàn nhạc thể hiện rất đúng “ý đồ” của người chỉ huy như đã nói trên.

Để đạt được điều này, không phải dàn nhạc nào cũng làm được. Dàn nhạc gần như đã đạt được một sự đồng điệu tuyệt đối, với sự “nhạy cảm” tinh tế của toàn bộ nhạc công. Mà để có được điều này, đó là cả một quá trình lâu dài cùng nhau miệt mài tập luyện của các nghệ sĩ.

Người nhạc trưởng giỏi được xem là linh hồn của dàn nhạc, những sắc thái tình cảm mà họ muốn mang lại cho tác phẩm sẽ được thể hiện qua động tác chỉ huy (của hai tay), qua cả nét mặt, ánh mắt, chuyển động của cơ thể... Với mức độ, liều lượng khác nhau, nhạc công dàn nhạc phải lĩnh hội được “ngôn ngữ” không lời đó để thể hiện tác phẩm. Toàn bộ nhạc công hiểu và thể hiện đúng ý của người nhạc trưởng đang chỉ huy đã là một dàn nhạc giỏi. Hiểu và thể hiện “trung thực” những gì mà người đang chỉ huy biểu lộ, nhất là đối với các “nhạc trưởng nghiệp dư” với những động tác chỉ huy đầy “ngẫu hứng” thì dàn nhạc đã đạt đến một đẳng cấp “thượng thừa”...
 

Theo TT&VH

people like INLOOK.VN fanpage