Bạn đang ở đây

Đức Tuấn: "Người đàng hoàng chẳng ai ghét tôi!"

Không xếp mình vào đám đông âm nhạc hiện nay, chọn một thị phần ít có chỗ cho người văn hóa thấp, chấp nhận luôn cả sự cô đơn của mình trong âm nhạc và cuộc sống. Không thỏa hiệp rằng không có được vàng thì sẽ ôm lấy bạc, lấy đồng, lấy nhôm, lấy sắt. Chọn một khoảng cách an toàn với tất cả dù có bị người sâu sắc đánh giá là khôn ngoan đến mức…nhạt nhẽo. Yêu bản thân đến mức cuồng dại, đôi khi phạm vào ranh giới của sự ích kỷ Ngần ấy, chưa hết được “khuôn mặt thật”, sau khi dỡ bỏ cái mặt nạ của “bóng ma nhà hát” này.

Làm thầy tôi ư? Không dễ
10 năm ca hát rồi, vẫn là Đức Tuấn như những gì hiện tại, anh có…chán mình không?

- Không. Ngược lại, tôi yêu bản thân mình hơn những gì tôi có. Tự bản thân tôi, tôi thấy hài lòng với cái chậm mà chắc của mình. Vấn đề ở chỗ tôi hát những gì tôi thích là được rồi.

Như thế, rất dễ biến mình thành cực đoan. Mà anh thì khỏi bàn về chuyện cực đoan nữa. Điều tôi muốn hỏi, sao một người nổi tiếng khôn ngoan như anh lại chọn sự bất lợi, là không thuộc về đám đông như nhiều người?

- Đôi khi trong một thời buổi cái gì cũng chưa rõ ràng như âm nhạc Việt Nam, thì sự cực đoan là cần thiết. Chứ tôi không thể hôm nay thấy người ta hát cái này thì chạy theo cái này, ngày mai thấy người ta hát nhạc kia thì chạy theo nhạc kia. Ở nước ngoài, mọi thứ rõ ràng lắm, pop là pop, opera là opera. Thế nên với tôi, nếu thị trường không rõ ràng thì tôi tự phải rõ ràng với chính mình, chấp nhận sự cực đoan nếu cần thiết.

Nhưng để cực đoan, trước hết phải có cá tính. Có nhiều người đẹp, giọng hát đẹp, thậm chí là hay, nhưng không hề cho người nghe thấy được cá tính trong giọng hát của họ là gì, để rồi nhạt nhòa, thậm chí bão hòa trong một đám đông. Tôi có bị đẩy vào thế cô đơn cũng được, bị ghét cũng chẳng sao, miễn là phải có cá tính.

Đôi lúc tôi thấy mình dại. Tôi thẳng tính quá, không biết lấy lòng người khác - những tính cách đó thường dễ biến mình thành cô độc, hơn là một “hoa hậu thân thiện” với tất cả mọi người. Tôi làm gì cũng phải đặt hai tiêu chí: một là mình thích, hai là đúng bản chất của mình, thì tôi mới làm. Giao tiếp thông thường cũng vậy, tôi không thể vì làm cho người khác vui mà nói những điều không đúng. Nếu tôi không thấy đẹp thì tôi sẽ im lặng, còn thân thiết quá tôi sẽ góp ý, chứ không thể thấy không đẹp cũng se sua khen đẹp một cách rối rít dù biết câu đó sẽ làm cho người ta vui.

Anh có nghĩ, nếu anh chấp nhận thỏa hiệp, hoặc thử thỏa hiệp thì biết đâu, giờ này cái tên Đức Tuấn sẽ vang hơn nhiều?

- Cái đó là một điều khó nói. Nghệ thuật không được phép thử. Mà phải làm thật. Đừng nói với tôi là “thử sức”, mà hãy cứ làm. Tuy nhiên, mọi người lựa chọn một giải pháp an toàn là điều đương nhiên, không thể trách người ta được. Nhưng người ta làm gì thì tôi cũng phải làm theo?

Thành không hay không đâu phải điều nói trước được. Nếu tôi hỏi lại chính mình: Tôi thỏa hiệp nếu tôi không thành công thì thế nào? Tại sao tôi dám chắc tôi thỏa hiệp là sẽ thành công? Chi bằng cứ sống những cái gì thuộc về bản chất, thì mọi thứ vẫn không có gì phải ân hận vì mình được sống thực sự là mình. Đường còn dài lắm, tôi cũng không quá lo lắng về cái sự gọi là “không thuộc về” bởi những gì đích thực chắc chắn sẽ có người đồng cảm. Hơn là đi thỏa hiệp tùm lum để rồi trôi luôn cả bản thân mình, âm nhạc cũng bớt đi một sự đa dạng.

Khán giả nhạc Việt thường bị thuyết phục bởi những sự khác của dân trường lớp âm nhạc đàng hoàng. Như anh, bị xem là ngoại đạo, thì để thuyết phục người ta bằng cái lạ mà hơn người, tôi e là hơi khó!

- Tôi làm những cái không giống ai, làm những cái người ta không làm. Tại sao tôi lại tốn kém nhiều cho một đĩa nhạc mà lẽ ra nó lại không tốn nhiều đến thế? Có những cái mà dù mình có làm tốt hơn, kém hơn người ta cũng không nhận ra đâu, nhưng tôi vẫn cứ làm. Và tôi sẽ vô cùng khó chịu nếu sản phẩm không hoàn hảo.

Ngay từ khi tôi bước chân vào nghề, mọi người nói tôi phải đổi cách hát. Cả những người theo pop hoặc cổ điển đều kêu tôi đổi cách hát mà tôi đang sử dụng. Họ nói tôi phải hoặc là pop hẳn, hoặc opera hẳn, nhưng tôi không làm. Thẳng thắn là, nếu bảo tôi sử dụng hoàn toàn kỹ thuật opera tôi cũng không làm nổi vì tôi không thể tu luyện mòn trường được như bao người khác. Tôi ứng dụng opera trên nền nhạc pop. Người ta nói tôi có đủ tố chất để trở thành một ca sĩ nhạc pop đại chúng, nhưng tôi không thích. Cơ bản là khi hát như thế tôi sẽ phải đổi sang một cách hát khác, tự tôi thấy không thể vào nổi kiểu như thế. Tôi không hát trơn tuột được, và không bỏ kỹ thuật được.

Ở nước mình có nhiều định kiến hơn kỳ lạ, là kỹ thuật thì ít có cảm xúc mà cảm xúc là không được kỹ thuật. Hễ giọng nào có kỹ thuật là người ta nói thiếu cảm xúc. Cũng như một số quan điểm ngớ ngẩn cho rằng nhạc Trịnh là cứ phải hát thô sơ mộc mạc, mới có cảm xúc.

Nói thẳng ra là tôi không thuộc về kỹ thuật điêu luyện. Tôi chỉ sử dụng vừa vặn, hòa hợp, giao thoa và đặc biệt là thích nét mới của mọi thể loại. Cổ điển tôi thích chứ, nhưng tôi thích pha trộn nó để nó mang hơi thở thời đại nhiều hơn.

 

 

Anh đừng nổi nóng nhé. Nhiều người vẫn nói, vì Đức Tuấn không với được đến các cực điểm của các thể loại nên mới trộn lẫn như thế?

- Tôi không tới được những cực kia vì thực lòng tôi cũng không muốn đạt đến những cái cực đó. Nếu muốn, tôi đã học Nhạc viện rồi, rất dễ. Tôi có những người hậu thuẫn để vào Nhạc viện không khó. Và chính tôi là người lựa chọn không học Nhạc viện để rồi lăn lê bò toài đi học thanh nhạc ở khắp mọi nơi, từ trong nước ra ngoài nước.

Nhưng học đến đâu hát đến đó thì có ăn quả non không?

- Ở nước nào cũng thế thôi, ngay cả những ca sĩ nổi tiếng nhất họ cũng thay đổi các người thầy để tự làm mới mình thường xuyên. Ví dụ như Sarah Brightman, bà vẫn đang khó khăn trong việc tìm những người luyện thanh, luyện giọng cho mình dù giọng của bà đã được định hình. Người ngoài nói sao tôi cũng chẳng quan tâm đâu.

Dân thanh nhạc nói rằng, nghe Đức Tuấn hát họ muốn bắt anh nhốt vào Nhạc viện cho rồi, để dạy kỹ thuật cho anh đấy!

- Ôi, cảm ơn. Nếu nhốt tôi mà dạy miễn phí thì tốt quá. Nhưng tôi chưa có nhu cầu đó dù tôi biết học thì bao giờ là đủ. Nhưng làm thầy tôi thì không dễ lắm đâu. Vì tôi học đủ thứ, kết hợp đủ thứ mới ra được những gì là tôi hiện nay, chứ không phải lềnh bềnh một màu không có cá tính gì cả.

Nhưng, nếu nhốt tôi vào Nhạc viện, có thể tôi cũng làm thầy được một số người đấy. Không phải là về kỹ thuật, mà một số các kinh nghiệm ca hát, tôi có thể làm tốt cho một số người hơn là giáo viên thanh nhạc. Đúng, về kỹ thuật thì tôi không bằng, nhưng về cách hát, tôi là người có nhiều kinh nghiệm hơn.

Ở nước ngoài cũng thế. Trong một trường dạy nhạc, đâu chỉ là kỹ thuật không đâu. Nhiều thứ lắm, cả về kỹ năng sân khấu…Cách hát, cách khống chế sân khấu không phải ai cũng có. Dân Nhạc viện hát giỏi hơn tôi, điều đó đúng, nhưng nói về mức độ làm chủ sân khấu chưa chắc đã bằng tôi. Với một nghệ sĩ biểu diễn, thì sự làm chủ sân khấu nhiều lúc là cái quan trọng hơn. Tôi cũng thẳng thắn luôn, dân Nhạc viện không nhiều người làm được chuyện đó. Có lẽ đôi khi họ chủ quan về kỹ thuật của họ, rằng hát đã hay thì mọi người phải nghe. Nhưng không, sân khấu là một thế giới khác hẳn một lớp học.

 


Nhiều khán giả vô lí không chịu nổi

Thì đó là chuyện của sân khấu biểu diễn. Anh có nghe nhiều người “la ó” rằng, anh làm “hỏng” nhạc của một số nhạc sĩ, dù anh đã rất khôn ngoan sử dụng thương hiệu của họ?

- Việc tôi có làm hỏng nhạc của ai đó không, cái đó thì phải hỏi tác giả chứ. Nhưng đa số những bài tôi hát thì các nhạc sĩ sáng tác rất ưng ý. Chỉ có một số khán giả thể hiện ta đây giỏi hơn cả tác giả nên mới phê bình này nọ. Nói thẳng, CD Bây giờ biển mùa Đông, tôi và chú Dương Thụ ngồi với nhau, hai bên đưa ra hai ý kiến của mình để cùng dung hòa lại. Khi tôi thâu âm đĩa đó, cả tôi lẫn chú Thụ đều thỏa mãn và cảm thấy tự hào. Nhưng một vài người vẫn nói: “Đức Tuấn hãm hiếp nhạc Dương Thụ” này nọ. Rồi lại nói: Đức Tuấn hát nhạc Dương Thụ mà ra nhạc của ai đó. Trong khi đó, người nói tôi hát nhạc Dương Thụ giống nhạc Dương Thụ nhất chính là chú Thụ.

Khi tôi làm việc, tôi đều hỏi ý kiến tác giả và tác giả là người người làm việc trực tiếp. Còn nếu đặt trường hợp tác giả chọn tôi như một nhân tố mới, thì họ cũng cân nhắc việc tôi có thể hiện được điều mà họ muốn thể hiện trong tác phẩm của họ hay không chứ? Mới mà không thể hiện được thì chắc chắn họ cũng sẽ không làm. Nhân tố mới thì nhiều, và với các nhạc sĩ, những nhân tố mới này tìm đến cũng không phải là ít, tại sao các nhạc sĩ vẫn chọn tôi? Câu hỏi đó cũng chính là một câu trả lời rồi, hơn là ngồi nghe phán.

Cũng có nhiều người nói, Đức Tuấn chả hiểu gì về nhạc Phạm Duy, trong khi chính nhạc sĩ Phạm Duy ngồi vỗ đùi đanh đách khoái chí về sản phẩm của hai người. Show nhạc nào của tôi có hát nhạc Phạm Duy ông cũng đều đi xem. Trong khi đó, có vẻ một vài người thiếu hiểu biết vẫn cứ lên giọng đấy thôi. Tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Đôi khi nhạc cảm của tôi, một số khán giả thưởng thức không được thì nói là tôi nhạt, tôi thế này thế nọ. Thông thường, để hát nhạc một ai đó, tôi làm việc rất kỹ và có một quá trình thấu hiểu, chứ không phải hát khơi khơi.

Ngay cả CD tôi hát nhạc Trần Lê Quỳnh, lại bị đánh giá thấp nhất trong khi đó lại là một đĩa mà tôi tâm đắc nhất. Thực sự mà nói, những cái anh Quỳnh viết, nó gắn với nhiều kỷ niệm của tôi. Rất đồng cảm. Trong khi một số album ngớ ngẩn hơn của tôi lại được đề cử giải Cống hiến, thế mà đĩa đó không được nhắc tới. Nhà báo không ai coi trọng đĩa đó, mà chọn cái khác.

À, anh không nên lấy những giá trị đích thực để nói với một số “nhà báo” văn nghệ của chúng ta hiện nay!

- Điều đó thì tôi không biết. Tôi chỉ không hiểu tại sao đĩa đó lại bị đánh giá thấp. Trong khi đó trên mạng, đó là một trong những đĩa có tỷ lệ download cao nhất. Hay đĩa Yêu trong ánh sáng, mãi đến 3 năm sau người ta mới tìm mua nhiều hơn. Nói thẳng ra, nhiều người không công bằng với anh Trần Lê Quỳnh vì nhắc tên anh, người ta sẽ đánh đồng với nhạc thị trường. Thì đó, nhiều khán giả luôn cho là mình nhất, nhưng thực ra họ chẳng biết gì cả.

Nhưng với những đám đông lưng chừng của chúng ta, thì họ yêu hay ghét một nghệ sĩ đa phần là do nghệ sĩ có se sua cùng họ hay không mà thôi. Yếu tố thẩm định chỉ đóng vai trò thứ yếu và có thể, nó sẽ phải nhường chỗ cho sự nhiều chuyện và ảo tưởng!

- Có thể. Tôi không điều chỉnh mình để rồi không phải là mình, để có được cái là thuộc về một đám đông nào đó. Anh cũng không nên đánh đồng đám đông với thị phần. Vì tôi có thị phần của mình và chắc một điều, một đám đông thuộc về thị phần của hàng trăm người. Còn một nhóm nhỏ của tôi lại chỉ có mình tôi. Ai lợi hơn ai chưa chắc đã phải như người ta nghĩ.

Tôi chưa biết yêu

Hầu như tất cả lựa chọn của anh đều khôn ngoan. Nhất là trong việc thể hiện cuộc sống của mình trước công luận!

- Tôi lên báo nhiều, nhưng đời tư của tôi không có nhiều thứ để nói. Tôi cũng đâu phải là người đi giấu giấu diếm diếm. Tôi là một người dễ gặp và dễ nói chuyện, năng động trong cuộc sống bình thường. Hầu như những gì tôi có thì mọi người đã biết hết đó thôi.

Nếu chỉ nhiêu đó là anh, thì mọi người sẽ càng đúng khi nói anh nhạt nhẽo?

- Đâu cứ phải yêu đương nồng đượm, thất tình điên loạn lên mới là không nhạt nhẽo? Và nếu có, cũng đâu cần phải show ra. Cứ phải yêu người này bỏ người kia và đưa lên báo là không nhạt? Miễn là tôi sống sao tôi thấy thoải mái thôi.

Những người làm âm nhạc đàng hoàng chẳng ai ghét tôi cả. Đó là lí do tại sao những show dàn dựng công phu trong một năm, mọi người rất yên tâm khi giao cho tôi một vai trò, một vị trí nào đó trong một cái show đó. Nhưng có những người không biết ở đâu ra, đâm thọc tùm lum, buồn cười lắm.

Là anh đang nhắc đến một ví dụ gần đây nhất – thợ ảnh Phạm Hoài Nam nói anh ăn cháo đá bát đấy hả?

- Tôi nói chung chung. Rất nhiều người như thế. Không hiểu sao có một số người ghét tôi khủng khiếp nhưng sau khi nghe những gì họ nói, tôi rút ra rằng nếu những người đó thương tôi thì quả là một sự sỉ nhục. Còn riêng vụ anh Nam, là chuyện văn hóa thể hiện chốn công cộng. Tôi chụp hình ở anh Nam tôi vẫn trả tiền, tất cả những gì làm với anh Nam tôi đều sòng phẳng, không có gì là ăn cháo đá bát cả. Khi tôi comment, ý anh Nam là phải tiếp nhận những lời phê bình của anh Nam?

Một người bình thường thì tôi không quan tâm, nhưng đây lại là một người ít nhiều đều liên quan đến nghề nghiệp và có tăm có tiếng. Tôi cũng đâu thiếu văn hóa đến mức đưa Phạm Hoài Nam ra chốn công cộng để chê anh ta chụp hình sến mà anh ta lại làm như thế, với những từ ngữ đầy gây hấn và đâm thọt? Một người có văn hóa là phải biết làm gì chỗ nào, nói gì ở đâu, đặc biệt là một người làm nghệ thuật. Nói chung tôi thất vọng về một cách hành xử. Anh Nam dạy tôi là phải biết học hỏi. Xin thưa, tôi học hỏi cả đời chứ đâu cần đến Phạm Hoài Nam cảnh tỉnh?

Nhưng bây giờ bệnh chung của những người “sống lâu” trong nghệ thuật, là thích làm thầy người khác. Không lẽ làm nghệ thuật mà anh xa lạ với điều này?

- À, làm thầy tôi không dễ đâu, dù tôi học rất nhiều và có rất nhiều người thầy. Nếu muốn làm thầy, tôi xin cảm ơn, và tôi sẽ gật đầu cho “thầy” vui vậy. Nhưng để tôi học lại là một chuyện khác đấy. Thầy giỏi không thiếu. Nhưng thầy hợp với mình không dễ kiếm. Vấn đề không phải ai cũng xứng đáng làm thầy một ai đó.

Gần như anh đã sở hữu nhiều giá trị của một người nổi tiếng, cũng như sở hữu ít những “thói hư” nghệ sĩ. Tuy nhiên, nếu anh hư hơn một chút, bớt bằng phẳng hơn một chút, hẳn cuộc sống anh thú vị hơn nhiều?

- Anh phải xác định nó bằng phẳng là tại sao. Cuộc sống của mọi người đều do chính họ. Tôi quen rồi cái việc khi mọi chuyện xảy ra tôi xem nhẹ mọi thứ nên nó sẽ bằng phẳng. Còn nếu làm nặng nề mọi thứ nó sẽ nặng nề thôi. Tôi không quan trọng vật chất và chả bao giờ buồn bã nếu mình đang thiếu một cái gì. Ngược lại tôi luôn hài lòng với mọi hoàn cảnh sống cho tới bây giờ và những năm tháng nghèo khổ nhất đối với tôi là những năm tháng hạnh phúc nhất.

Tôi sống một cách thoải mái, thẳng thắn và rất mở. Tôi chẳng bao giờ đè nén hay che dấu một điều gì để làm mất tự nhiên hay cố đẹp một cách khiên cưỡng. Mà là, người ta thấy tôi đẹp là vì tôi đẹp, thấy tôi xấu là vì tôi xấu chứ không có chuyện tôi xấu mà cố tạo ra để cho tôi đẹp. Tôi đủ thông minh để biết mình ứng xử như thế nào để được gọi là thông minh, ứng xử như thế nào để lấy lòng người khác, ứng xử như thế nào là đẹp, ứng xử như thế nào để có lợi cho bản thân. Đôi khi, tôi lựa chọn cái gọi là chân thật, hơn là lựa chọn cái gọi là thông minh. Có những cái người ta cho là tốt nhưng không phù hợp với tôi, tôi không làm.

Tôi khắt khe trong công việc chứ ngoài đời tôi dễ tính lắm. Hoàn cảnh nào tôi cũng có thể thích nghi và sống chẳng bao giờ cầu kỳ. Tôi có thể thấy thoải mái được với các hoàn cảnh sống cũng như dễ hòa đồng vào những nhóm bạn khác nhau.

Có hẳn như thế không, khi chính anh chấp nhận trở thành “con nợ” ngân hàng để hưởng thụ cuộc sống của mình một cách xa hoa nhất?

- Cái đó lại là chuyện khác. Ở cái thời buổi sống nhanh, thì hãy cứ tận hưởng cuộc sống của chính mình, mua sắm những gì làm cho mình vui, mình thích, thưởng cho mình một cuộc sống đẹp về mọi mặt. Chứ làm ra tiền mà cứ bo bo giữ, thì chết cũng đâu có mang đi được. Tôi nghĩ, hiện nay không ít người có tư tưởng sống giống tôi. Vậy còn tình yêu, có vẻ cái bộ vest trang trọng của ca sĩ Đức Tuấn che lấp đi bộ ngực trần của một người dám sống thật với chính mình? Nói đến tình cảm, tôi thuộc diện đa tình, dễ rung cảm, dễ xúc cảm. Đẹp thì ai chẳng thích nhưng có những cái không đẹp tôi vẫn rung động. Tôi chưa bao giờ nghĩ là tôi biết yêu. Những tình cảm trước đây và kể cả bây giờ là mình rung cảm để rồi làm một điều gì đó cho người ta, chứ hy sinh thì không. Tôi chưa bao giờ hy sinh cho ai cả. Để đi chơi với người khác tôi có thể bỏ những niềm đam mê của tôi, thế thôi. Tôi là một người yêu đời và tự tìm thấy niềm vui của mình kể cả khi một mình.

 

(Theo Thế giới Người nổi tiếng)

 

people like INLOOK.VN fanpage