Bạn đang ở đây

Lương Mạnh Hải: "Đừng đánh đồng hàng hiệu với sự phù phiếm"

Lương Mạnh Hải trước nay vẫn được biết đến là một người khôn ngoan, khéo ăn khéo nói và cho dù là một đề tài nhiều "nhạy cảm" như là sự phù phiếm - vốn được mặc định dành cho nghệ sĩ phần nhiều - thì Lương Mạnh Hải vẫn biết cách khéo léo đá quả bóng sang một hướng khác, có thể ai đó đứng đợi để nhận, nhưng có thể cũng là… khoảng trống.

Trước hết, tôi muốn nghe quan điểm của bạn về sự phù phiếm là gì?

Đó là những thứ gì viển vông, thiếu tính thực tế nếu xét theo từ điển tiếng Việt. Mọi người thường nghĩ phù phiếm là những điều khó làm và tại sao lại phải làm khi nó chẳng có ích lợi gì cả.

 

 

 

Vậy nó tiêu cực hay tích cực?

Nó còn tùy thuộc hoàn cảnh bởi bất cứ sự vật hiện tượng nào trong cuộc sống cũng đều chứa đựng cả cái đúng lẫn cái sai. Ví dụ như người khó khăn về tài chính sẽ nhìn người giàu với những câu hỏi thường xuyên là sao lại mua lắm xe hơi, sắm lắm nhà lầu thế, hàng hiệu xài gì mà mỗi cái hàng ngàn đô và tự hỏi tại sao họ lại phù phiếm như thế.

Nhưng nếu là người trong cuộc thì với họ đó đơn giản chỉ là một nhu cầu. Họ cũng có thể đi New York để nghe hòa nhạc, đến LA để xem triển lãm, v.v… bởi đó là tiêu chuẩn đời sống của họ và tất nhiên họ có quyền khi đời sống họ cho phép. Sẽ chẳng là gì phù phiếm đối với họ. Sẽ là phù phiếm nếu họ không có tiền nhưng cố gắng để làm điều đó. Không thể nói phù phiếm là tốt hay xấu nhưng tôi chỉ khẳng định là cuộc sống không thể thiếu sự phù phiếm.

Nhưng phù phiếm lại không chỉ đơn thuần là những điều chúng ta không đánh giá ở trị vật chất, nó còn tồn tại cả ở những giá trị tinh thần và cũng đừng vội nói người giàu mới phù phiếm, người nghèo cũng có những cách phù phiếm của riêng họ chứ!

Trong cuộc sống cũng cần có những cái về giá trị tinh thần chứ, nói đâu xa, như nghệ sĩ chẳng hạn. Mỗi lần họ có một sản phẩm mới là mỗi lần họ hân hoan cho mỗi lần đứng trên thảm đó là cảm giác cả thế giới đang chào đón họ. Họ có thể chuẩn bị cả một năm, từ trang phục từ phát biểu chỉ để cho vài phút tỏa sáng ở một buổi lễ, một giải thưởng nào đó.

Ví như Oscar chẳng hạn. Đó là ước mơ không chỉ cho bản thân họ đã thành sự thật mà đó còn là ước mơ cho những người đang nhìn vào họ và ước mơ lại được nuôi dưỡng. Người không hiểu chuyện sẽ nói họ phù phiếm khi mất cả năm để chuẩn bị cho một sự kiện và sẽ lên án nghệ sĩ là những người luôn quần là áo lượt chẳng để làm gì. Và nếu không có sự phù phiếm tinh thần đó thì chúng ta đơn giản chỉ là những con người, cỗ máy chỉ chăm chăm với những con số, với lợi ích một cách chi tiết và cụ thể nhất.

 

Nhưng hình như chúng ta đang đánh đồng sự phù phiếm với đồ hiệu để rồi thấy rằng showbiz Việt đang biến thành những showroom di động với sự show off hàng hiệu để chứng tỏ sự cao sang của mình?

Vấn đề này là vấn đề nó phản ánh một sự phát triển rất hiển nhiên của xã hội nói chung và showbiz nói riêng. Nguyên nhân là vì ở mình, tất cả mọi thứ đều đi sau. Ngày trước, một cô người mẫu chỉ cần mặc một đồ đẹp, xách một cái túi nhỏ nhỏ xinh xinh, miễn đẹp là được nhưng bây giờ thì khác, hàng hiệu lại là một thước đó. Khi xã hội mình phát triển thì mọi giá trị vật chất nó ùa đến, rất nhiều những hãng hàng hiệu khác có từ hàng trăm năm nay giờ mới đến với mình. Nghệ sĩViệt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó khi họ đổ sô đi mua như thể nó mới ra đời vậy.

Hàng hiệu suy cho cùng cũng chỉ là hàng hóa cao cấp nhưng quan trọng là người sử dụng nó phải phù hợp, phải biết xuất hiện ở không gian nào cho phù hợp. Chính bởi thế chúng ta mới gọi là "Văn hóa hàng hiệu" là để nói về sự sử dụng những món đồ như thế không đúng ngữ cảnh. Ví dụ như bạn đi dự tiệc tối, bạn xách một cái túi to to, to như một cái túi đi chợ và những cái túi như thế thì những người như Victoria Beckham hay Paris Hilton chỉ dùng để đựng Chihuahua hoặc đồ cho con đi tắm biển. Nó sẽ trở thành kệch cỡm nếu những người sở hữu nó cứ cố gắng trưng ra rằng mình đang dùng hàng hiệu, phải to, phải nổi để đập vào mắt người khác chứ nếu nhỏ quá sợ người đối diện không nhận ra. Vấn đề không phải là hiểu hay không mà vấn đề là văn hóa trí thức nếu bạn không biết thế nào là phong cách, là xu hướng.

Còn có nguyên nhân nào nữa không cho cái phong trào đánh giá người khác qua hàng hiệu như hiện nay, thưa bạn?

Con người ra cũng rất dễ mất cân bằng. Ví dụ như bây giờ tôi có 1 triệu đô là tôi mất cân bằng và trở nên kệch cỡm ngay. Đang không có mà tự dưng có và nếu nó đến đột ngột thì chắc chắn sẽ không tránh được sự mất cân bằng để hiểu đơn thuần rằng hàng hiệu là những thứ tốt nhất mà con người đang có. Đồ hiệu đâu chỉ có Hermes, Channel, LV,v.v… nhưng rõ ràng nhiêu đó thương hiệu chúng ta đều thấy đang được lặp đi lặp lại và phải chăng đó là tâm lí adua. Tâm lí ăn thua khi mà sự đố kị nhau, coi thường nhau ở vẻ bề ngoài. Và nó còn là biểu hiện của "Bụt chùa nhà không thiêng" dù rằng đô của các nhà thiết kế trong nước rất đẹp nhưng họ vẫn không chọn, chọn đồ đến từ "thế giới bên kia" thì mới là sang trọng và đẳng cấp.

 

Hơn nữa, đồ hiệu càng đắt tiền càng đâu có hiệu, có chữ đâu, rất tinh tế, nó thuộc về một đẳng cấp cao hơn nữa bởi lúc đó là họ dùng cho sở thích và phù hợp với họ hơn là cho người ngoài nhìn vào. Đồ hiệu mà dùng đại trà, cùng một kiểu dáng, cùng một kịch thức, cùng một màu thì cũng thành rẻ tiền. Rõ ràng, hiện giờ chúng ta không thể phân biệt được ai dùng đồ hiệu thật và ai dùng đồ Quảng Châu. Chẳng nhẽ lại sáp lại gần xem đường kim mũi chỉ, ngửi mùi để phát hiện đồ thật hay giả. Đó là sự không đủ văn hóa, trí thức để ăn mặc như thế nào, chẳng thế mà người ta nói "Y phục xứng kì đức".

Còn ở cá nhân bạn, sự phù phiếm của đàn ông và đàn bà sẽ khác nhau và thú vị ở chỗ nào?

Đôi khi chúng ta nên gọi nó là sự phù phiếm lãng mạn. Ví dụ như tôi nhớ tôi xem 1 bộ phim có cảnh chàng trai gọi cô gái ra cửa để bước lên máy bay để di chuyển đến một thành phố khác để ăn tối. Đời sống cần lắm sự lãng mạn đó chứ, để còn nuôi dưỡng tình yêu, cảm hứng với cuộc sống. Nhiều khi đau đầu vì giá vàng, giá đô, giá đất đang giảm thì cũng cần lắm một tin nhắn rất sến chứ.

Sự khác biệt về giới có thể dẫn đến những thói quen hành vi khác nhau nhưng về cơ bản họ vẫn sẽ gặp nhau ở sự lãng mạn trong tình yêu. Đôi khi trong tình yêu, khi người ngoài chê rằng yêu gì mà phù phiếm thế thì có khi lại là một câu khen nhiều hơn là chê bai, đả kích.  Cuộc sống mà không có sự lãng mạn, không có những giá trị tinh thần đôi khi bị cho là phù phiếm mà chỉ toàn con số cộng trừ nhân chia thì sẽ buồn tẻ, cứng nhắc lắm (cười)

Xin cảm ơn bạn về những chia sẻ!

Theo Sành điệu

people like INLOOK.VN fanpage