Bạn đang ở đây

Nghệ sĩ với... kiêng kỵ

Đã cận rằm tháng 8 mà Sài Gòn lại mưa suốt. Giữa tuần, bắt đầu các sân khấu chộn rộn đi phát thiệp mời ăn... giỗ.

Giỗ tổ sân khấu, mà Sài Gòn bây giờ mọc ra nhiều sân khấu quá, rồi sân khấu làm ăn nên ra lại mở thêm chi nhánh: Nhà hát kịch thành phố Hồ Chí Minh, Idecaf, Sân khấu nhỏ 5B, Hoàng Thái Thanh, Phú Nhuận của Hồng Vân, Nụ Cười Mới đóng tên Hoài Linh, Nhà hát Trần Hữu Trang, rồi cả mấy đoàn hát bội nữa...

Giới sân khấu năm nay làm giỗ lớn, các sân khấu cũng tăng xuất, tăng điểm diễn đều đều. Tiệc tùng ì xèo suốt hai ngày 11, 12/08, người nào cũng phải chạy show... ăn. Nghe một danh hài buột miệng than: "Sao tui diễn không thấy mệt mà đi... ăn mệt quá trời!”, là vậy đó.

Coi bộ giới này đang được Tổ... đãi, mà muốn Tổ đãi nào có dễ. Người nào cũng kiêng kỵ đủ thứ, rồi còn phải lo... o bế Tổ nữa.

 

Nghệ sĩ Cát Phượng.


Sẽ thấy trên mâm cúng chung ở các sân khấu, nhiều nhất là heo quay. Con nào con nấy bóng nhẫy mỡ xếp hàng lớp lớp từ trong ra ngoài. Mang heo tới cúng tức là người đi trả lễ, đã từng khấn nguyện và được phù hộ gặt hái nhiều thành công trong suốt năm qua.

Người tài lộc ít thì cúng gà, cúng bánh bao, bánh chưng, bánh giò... tùy theo hầu, nhưng tuyệt đối không ai cúng vịt. Giới sân khấu xếp con vịt vào đội ngũ "cạp cạp" chỉ biết nói dối, bày chuyện đơm đặt và ưa đố kỵ đồng nghiệp.

 

 

Heo cúng phải kỹ lưỡng, không quấy quá được: Bộ đồ lòng phải đầy đủ và xếp gọn gàng vào bên trong con heo để thể hiện... lòng thành của mình. Khi cúng xong, mang xuống chặt xẻ ra cũng phải đúng lễ nghĩa, người ta lật con heo quay lên và bắt đầu rạch bộ lòng ra trước, y như kiểu "con thật lòng phơi bày gan ruột vậy".

Ngoài heo quay ra thì trái cây cũng rất nhiều, nhưng có mấy thứ không được bỏ lên bàn thờ Tổ: Quít được nhưng cam thì không - cam chịu, trái thơm nhiều mắt lại xù xì nhiều gai góc quá - khó, khổ qua - không luôn, mãng cầu xiêm cũng thế, quả thị lại càng tối kỵ.

Nhưng ngược lại chuyện kiêng kỵ với quả thị trên kia, dân sân khấu không dám cúng quả thị vì sợ mùi thị thơm tho làm... ông Tổ mất tập trung, "lờ lớ lơ" luôn sắp nhỏ. Một thứ không thể thiếu trên bàn thờ Tổ nữa là đường miếng, cúng đường thì Tổ mới đãi cho giọng hát... ngọt ngào...

 

 

Theo học giả Đinh Bằng Phi, có thể xem lễ giỗ Tổ này xuất phát từ hát bội. Mà mấy trăm năm mở cõi vào Nam, khởi từ các chúa Nguyễn, ngành sân khấu với hát bội ban đầu và cải lương sau này, gần như là phương tiện giải trí độc tôn của cả vùng đất phía Nam, nên ngày lễ giỗ Tổ và chuyện ông Tổ sân khấu được người dân quan tâm khá nhiều.

Những từ ngữ như "tổ trác", "tổ đãi"... của giới sân khấu đã trở thành từ cửa miệng để người dân chỉ sự may mắn hay xui rủi trong nghề nghiệp.

Tuy nhiên, cho đến nay chẳng ai biết ông tổ sân khấu là ai và lễ giỗ tổ xuất phát chính xác từ đâu. Chỉ biết rằng từ khi những nghệ sĩ lão thành NSND Thành Tôn, Năm Châu, Phùng Há... còn nhỏ xíu thì đã thấy có lễ giỗ Tổ rồi. Các học giả như Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Đinh Bằng Phi... đã có nhiều nghiên cứu về ông Tổ sân khấu và đưa ra nhiều yếu tố lịch sử, giai thoại, truyền thuyết... nhưng không chuyện nào giống chuyện nào.

 

 

Nhiều truyền thuyết cho rằng ông thợ may, thợ rèn, thợ mộc, bà bán quán, một đứa bé, cả thần Bạch Mi của giới bán phấn buôn hương... là Tổ sân khấu. Song phổ biến nhất là câu chuyện: Tổ sân khấu là ba người gồm ông vua, ông ăn cướp và ông ăn mày. Truyền thuyết này ảnh hưởng mạnh đến mức cho tới tận nay, giới nghệ sĩ rất kiêng cho tiền người ăn xin.

Ông Tần Nguyên, ký giả kịch trường trước 1975, kể: Nghệ sĩ Thành Được lúc nào cũng bảnh bao, tay đeo nhẫn hột xoàn nhưng ông không bao giờ cho tiền người ăn xin, chỉ bảo họ muốn ăn uống gì thì kêu đi rồi ông trả tiền.

Theo nghệ sĩ Kim Cương, cha bà (chủ gánh hát bội Phước Cương) còn trai trẻ, đi hát bằng ghe, ở những vùng xa, ăn cướp đi thành bang bằng ghe lớn nhưng không bao giờ đánh cướp ghe hát. Ghe của cha bà mỗi khi gặp cướp chỉ cần đánh trống thùng thùng thật lớn, họ biết là ghe hát là yên chuyện.

Truyền kỳ về hai vị hoàng tử mê hát, bị vua cha đang truy tìm, trốn trong hậu trường gánh hát rồi chết cháy mà hiển linh thành Tổ sân khấu cũng phổ biến, nên bàn thờ tT luôn được đặt trong hậu trường.

Hay truyền thuyết ông Tổ sân khấu là một vị hoàng tử mê sân khấu, trốn vua cha vào trong bộng cây vông để theo gánh hát rồi chết trong bộng cây vông cũng được biết rộng rãi ,nên giới nghệ sĩ kỵ mang guốc vông và tượng Tổ luôn làm bằng gỗ cây vông.

 


Về tượng Tổ sân khấu, đây là hình một nam nhân đen thui, mặc áo đỏ, quấn khăn đỏ. Ông Tần Nguyên nói thêm, tượng thường do người trong các đoàn hát làm.

Nghệ sĩ Kim Cương nói bà chẳng biết ai làm: "Hồi tôi còn nhỏ đã thấy mỗi đoàn hát có vài tượng Tổ gọi là cốt ông. Các đoàn chỉ thờ số tượng lẻ chứ không thờ chẵn".

"Khi trưởng thành, làm chủ đoàn hát, tôi thấy hễ ai lập gánh thì đến Hội Ái hữu nghệ sĩ ở đường Cô Bắc, Sài Gòn (có từ năm 1948) thỉnh tượng Tổ về thờ. Việc lập gánh, rã gánh trước 1975 rất dễ dàng, bầu nào bị rã gánh thì lại gửi cốt ông vào hội”.

 

Bài và ảnh: Hương Trà

people like INLOOK.VN fanpage