Bạn đang ở đây

Nguyên Lê: “Nhạc Jazz Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thế giới”

Được biết tới như là một tài năng lớn trong làng nhạc Jazz thế giới, có lẽ hiếm nghệ sĩ nào dám dũng cảm tự nhận về mình trọng trách đem âm nhạc Việt Nam giới thiệu với thế giới mà lại gặt hái thành công rực rỡ như Nguyên Lê.

Nghe nhạc của Nguyên Lê, người ta luôn nhận ra một bản sắc riêng, rất khó lẫn và đặc biệt bởi sự kết hợp giữa tính truyền thống của nhạc dân tộc và sự ngẫu hứng của nhạc Jazz. Nhân chuyến trở về Việt Nam tham gia vào chương trình âm nhạc “Music on the roof” số thứ năm với tên gọi “Quê nhà” diễn ra tại The rooftop, tầng 19 tòa nhà Pacific, 83B Lý Thường Kiệt, Hà Nội, PV Laodong.com.vn đã có cuộc trò chuyện với Nguyên Lê về những suy nghĩ rất riêng về âm nhạc - niềm đam mê lớn nhất của cuộc đời ông.

- Là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nhưng ở Việt Nam, cái tên Nguyên Lê dường như vẫn quá mới mẻ. Ông có cảm thấy chạnh lòng vì điều này?

Việc có ít khán giả Việt Nam biết tới tôi, tôi nghĩ rằng đó là chuyện rất bình thường. Vì Jazz là một thể loại nhạc mới, rất mới đối với Việt Nam. Năm 1979 khi về Việt Nam lần đầu tiên, tôi có mang một số băng đĩa CD nhạc Jazz về thì rất nhiều người tôi nói chuyện đều nói rằng không biết nhạc Jazz là gì. Họ rất ngạc nhiên và hỏi lại rằng: “Ồ, có một thể loại nhạc như vậy à?”. Vì vậy nên thực sự tôi cũng không kì vọng gì nhiều và nghĩ rằng từ từ rồi khán giả sẽ biết đến dòng nhạc của tôi. Công việc chính của tôi chỉ là cố gắng tạo ra một thứ âm nhạc mới. Tôi không chọn con đường làm âm nhạc dễ dàng, âm nhạc của tôi phức tạp nhưng thoải mái chứ không phải phức tạp đến mức khó hiểu.

 

- Tại Việt Nam, Jazz vẫn được đánh giá là một dòng nhạc khó nghe và kén khán giả. Ông có ý định sẽ khiến nhạc Jazz trở nên phổ biến hơn không?

Vâng, tôi vẫn luôn mong muốn nhạc Jazz sẽ được biết tới bởi nhiều người dân Việt Nam hơn. Chính vì thế tôi cũng mong sau này sẽ còn được nhiều lần trở về Việt Nam nữa để giới thiệu với khán giả về âm nhạc của tôi. Lần trở về này, đêm nhạc “Quê nhà” mà tôi tham gia sẽ có sự góp mặt của ca sĩ Tùng Dương, anh sẽ hát phần nhạc nhẹ. Điều này cho thấy rằng, tất cả mọi việc đều có thể thực hiện được nếu chúng ta có sự quan tâm đúng mức với âm nhạc.

- Ông đánh giá như thế nào về nhạc Jazz Việt Nam? Theo ông, nhạc Jazz Việt Nam đang đứng ở vị trí nào trên tấm bản đồ nhạc Jazz thế giới?

Để trả lời câu hỏi này có lẽ là vẫn hơi sớm nhưng tôi có tìm hiểu trên You Tube, mỗi lần tìm được một nghệ sĩ Việt Nam chơi nhạc Jazz thì tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và cảm thấy có một sự tiến triển rất nhanh. Chính điều này đã cho tôi hi vọng rằng một ngày nào đó nhạc Jazz Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong làng nhạc Jazz thế giới.

 

Nguyên Lê và nghệ sĩ Vân Ánh – người cùng tham gia biểu diễn trong đêm nhạc “Quê nhà”. (ảnh: Thu Hương)
 

- Mặc dù có rất ít thời gian sống tại Việt Nam nhưng khi nghe CD “Tales from Việt Nam”, người ta thường liên tưởng tới tác giả đó hẳn phải một người rất gắn bó với Việt Nam, ông nghĩ sao về nhận xét này?

Câu hỏi này khiến cho tôi cảm thấy rất vui và có phần nào đó tự hào nữa. Điều đó có nghĩa là tôi đã thành công trong việc giới thiệu và kết hợp âm nhạc Việt Nam với âm nhạc thế giới. Cách đây 7 năm khi tôi đến Việt Nam lần thứ 3 thì có một nhà báo cũng đã hỏi tôi một câu tương tự như vậy và viết trong bài của mình rằng chỉ có một Việt kiều mới viết nhạc được như vậy. Điều đó cũng có nghĩa là âm nhạc của tôi là nhạc Việt Nam nhưng đã được chuyển tải dưới một con mắt khác, nó có màu sắc Việt Nam nhưng cũng mang được âm hưởng mới. Trên thực tế tôi đã lấy chính việc ở cách xa Việt Nam để biến nó trở thành âm hưởng mới cho âm nhạc của mình.

- CD “Tales from Việt Nam” đã được ông ấp ủ từ lâu rồi hay chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi thôi?

Tôi đã dành khá nhiều thời gian để thực hiện CD “Tales from Việt Nam”. Trước đây, tôi cũng từng có mong muốn sẽ làm một điều gì đó với âm nhạc dân tộc nhưng vẫn chưa tìm được đúng thời điểm. Đúng lúc đó thì một kênh phát thanh ở Pháp đã cho tôi một phần kinh phí và nói rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì tôi muốn, miễn là… hay. Đó là bước đầu tiên để tôi có thể bắt tay vào thực hiện dự án về “Tales from Việt Nam”. Không phải tất cả các bản nhạc trong CD đều có ngay từ lúc đó mà chỉ có một số bản như: Qua cầu gió bay, Lý Ngựa Ô. Tôi có thực hiện một chương trình hoà nhạc dài 1h 30 phút rất thành công. Sau đó, tôi bắt đầu tìm kiếm thêm kinh phí để có thể tiếp tục hoàn thành kế hoạch của mình. Tôi cũng đã nói chuyện với trung tâm sản xuất đĩa và thuyết phục họ. Sau khi được nghe những bản nhạc thì họ đồng ý tài trợ để tôi có thể mời các nghệ sĩ tham gia vào CD. Tổng kết tất cả các công việc còn lại như sáng tác, hoà âm, phối khí… tôi mất khoảng 1 năm để thực hiện “Tales from Việt Nam”.

 


Nhóm thực hiện đêm nhạc “Quê nhà” (từ trái qua phải): nghệ sĩ Nguyên Lê, ca sĩ Tùng Dương, nghệ sĩ Vân Ánh, nhạc sĩ Huy Tuấn. (ảnh: Thu Hương)
 

- Trong khoảng thời gian đó, điều gì là khó khăn nhất đối với ông?

Điều khó khăn lớn nhất của tôi đó là làm sao để tạo nên sự cân bằng giữa nhạc Jazz và nhạc dân tộc Việt Nam. Nếu nói về nhạc Jazz thì tôi vẫn phải làm sao để giữ được tính mở và sự ngẫu hứng. Còn về nhạc dân tộc thì phải làm sao để đi được càng sâu càng tốt, tới mức cao nhất, tới gốc rễ của âm nhạc Việt Nam. Khi những bản nhạc được viết xong rồi thì tôi lại phải làm việc với các nhạc sĩ vì đối với các nhạc sĩ Jazz, họ chưa quen chơi với những luồng giai điệu với hệ thống “ngũ cung” như nhạc dân tộc Việt Nam, nó quá mới mẻ. Còn đối với các nghệ sĩ nhạc dân tộc thì họ lại không quen với những diễn tấu hay âm thanh quá lớn của Jazz. Đồng thời tôi cũng phải làm sao để mỗi người nghệ sĩ đều có thể tìm được tiếng nói của họ trong âm nhạc của tôi. Đó là những khó khăn mà tôi phải nghĩ đến và giải quyết trong dự án này.

- Trong lần trở về này, ông muốn chia sẻ điều gì với các khán giả Việt Nam?

Lần này tôi trở về Việt Nam theo lời mời của ban tổ chức chương trình âm nhạc “Music on the roof”. Điều mà tôi muốn gửi tới các khán giả cũng như các nghệ sĩ Việt Nam, đó là tôi nghĩ rằng tôi có hi vọng rất cao về khả năng diễn tấu và sự phát triển nhạc Jazz tại Việt Nam. Tôi cũng mong rằng các nghệ sĩ sẽ không khi nào quên đi nguồn gốc xuất xứ của mình, nghĩa là dù có làm nhạc Jazz hay bất cứ loại nhạc nào đi nữa thì vẫn phải đậm màu sắc dân tộc mình.

- Xin cảm ơn ông, chúc ông sẽ có thêm thật nhiều trải nghiệm trong thời gian ở lại Việt Nam!

Nghệ sĩ Nguyên Lê, sinh năm 1959 tại Paris, là con trai của nhà sử học Lê Thành Khôi. Ông có khả năng sử dụng được nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: trống, ghi-ta điện, đàn tranh, đàn bầu…Tốt nghiệp ngành Nghệ thuật Thị giác và Triết, nhưng con đường ông chọn để gắn bó suốt đời lại là âm nhạc.

Tháng 9.1987, ông được mời tham gia Dàn nhạc jazz quốc gia Pháp dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Antoine Hervé, gặp gỡ và làm việc cùng rất nhiều nghệ sỹ đẳng cấp thế giới.

Năm 1989, CD của ban nhạc Ultramarine do Nguyên Lê thành lập được bình chọn là CD World Music hay nhất của năm. Năm 1996, CD “Tales from Việt Nam” (Tạm dịch là: Những câu chuyện từ Việt Nam”) hợp tác chung giữa Nguyên Lê và nữ ca sĩ Hương Thanh (em gái của ca sĩ hải ngoại Hương Lan) được các nhà phê bình khắp nơi trên thế giới ca ngợi và giành được nhiều giải thưởng danh giá như Diapason d’Or, Choc du Monde de la Musique, Choc de I’année Jazzman, hạng nhì Jazzthing 96…

 

Theo Lao động

people like INLOOK.VN fanpage