Bạn đang ở đây

Những liều thuốc chống sự thảm hại văn hóa

Nói thảm họa thời trang, suy cho cùng đó là hệ lụy của sự thảm hại về mặt văn hóa khi không có được nhận thức cần có về văn hóa. Nhiều hành vi tạo thành thói quen. Thói quen của nhiều người tạo thành phong tục, tập quán. Hành vi đẹp là xuất phát từ sự cảm nhận của mỗi người về cuộc sống. Mà sự cảm nhận, ngoài chuyện thiên phú, cốt lõi vẫn là phải được dạy dỗ mà ra...

 

Chuẩn bị cho cái tôi có nền tảng tốt đẹp

Một sinh viên Đại học Kinh tế (TP.HCM) viết trên blog thế này:

 

Ca sĩ Mỹ Linh
“Quanh chúng ta đầy rẫy những điều dối trá. Nhà tôi xây một cái biệt thự mới. Một ai đó trong gia đình chỉ google một cái là chúng tôi có kiến thức ngay về hội họa và chứng tỏ đẳng cấp văn hóa bằng cách lên đường Đồng Khởi mua về 6 bức tranh thời kỳ Phục Hưng để treo mà chẳng hề để ý bàn tay thợ chép tranh vụng về đang bôi bác các họa sĩ xa xưa. Ai đến cũng khen nội thất trong nhà sang trọng”.

 

Người sinh viên này nhận ra sự tự vệ văn hóa của gia đình không có nền tảng khi tựa vào giá trị đã được khẳng định mấy trăm năm trước. Nhưng cứ quan sát bối cảnh văn hóa hôm nay thì sẽ thấy người sinh viên ấy còn may khi cái tôi văn hóa trong xã hội của giới trẻ hôm nay đang hằng ngày đối diện với sự thảm hại không giới hạn.

Thảm họa V-Pop do các người mẫu hay ca sĩ mới xuất hiện gây ra chưa được một tháng, thì phong trào tự làm ca sĩ đã được khuếch trương rầm rộ trên trang web starzing và dăm trang mạng âm nhạc khác trong mùa Hè năm nay.

Bọn trẻ chỉ cần tự thu âm một bài tự biên tự diễn tại gia, gửi tập tin này cho trang web đó thì chỉ một lúc sau bài hát đã được cập nhật cho hàng nghìn khán giả trên mạng dưới hình thức đã được phối âm, thậm chí với những bài quen thuộc thì quản trị mạng còn có phần mềm giúp lồng cả phần bè đệm... rất sang! Sau đấy chỉ cần nhắn tin cho bạn bè vào thưởng thức.

Lượng người nghe hiển thị bên cạnh tên “ca sĩ” hoặc nick cập nhật liên tục kích thích giới trẻ tự biên tự diễn và rất nhiều em tự nhiên “nổi tiếng” nhờ “véo von” trên mạng. Một nữ sinh nói: “Bây giờ nổi tiếng dễ quá! Chỉ cần hát một bài, cả trường đã biết. Và cảm giác nổi tiếng cũng rất tuyệt”.

 

Nghệ sĩ Bùi Công Duy
Nổi tiếng, danh và lợi đi kèm đang chi phối các giá trị xã hội nhờ sự hỗ trợ của thông tin. Chúng ta phải thừa nhận cái “tôi” đang nổi lên lấn át cái “chúng ta” trong mọi lĩnh vực. Vậy nên chiến đấu chống lại cái tôi hay thỏa hiệp và sống chung với xu hướng đó?

 

Giới trẻ muốn khẳng định cái tôi thì xã hội phải chấp nhận, vấn đề là xã hội nắm “đằng chuôi” bằng cách giáo dục tạo cho cái tôi một nền tảng tốt, tạo phông văn hóa cho mỗi người.

Đáng tiếc là chúng ta chưa hề chuẩn bị cho xu hướng đó, coi cái tôi cá nhân phát triển đồng nghĩa khái niệm không đúng đắn, là sự nổi loạn, chỉ biết cùng nhau ném đá vào hiện tượng thảm họa nhưng lại lúng túng trong định hướng giáo dục và phát triển văn hóa.

Tôn vinh những giá trị thật của văn hóa

Nhà văn Nguyên Ngọc mới đây phát biểu: “Văn hóa giúp cho chúng ta không biến thành những bộ máy trong xã hội kỷ trị. Khoa học xã hội nhân văn giữ cho nhân loại còn là nhân loại, chứ không là một đống những vật tinh xảo mà vô cảm và vô lương”.

Nhưng lời nói của nhà văn này sẽ được giới trẻ coi là “lý thuyết” khi trong thực tế họ đang quan sát các bậc tiền bối làm những điều hoàn toàn ngược lại. Thời sự văn hóa trong những ngày này là việc công bố trao giải thưởng văn học nghệ thuật.

Các nhạc sĩ đã có gia sản tác phẩm tốt được công chúng yêu thích gần ba mươi năm qua như Phú Quang vẫn không được phép xếp chung “chiếu” với các nhạc sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và bị loại khỏi cuộc xét trao giải thưởng Nhà nước.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, với hàng chục giải thưởng quốc tế và đã tham gia giảng dạy âm nhạc trong nước, không được công nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.

Những quan điểm kỳ dị về khái niệm “cống hiến” đó đang làm méo mó các giá trị, bởi sự cống hiến cho âm nhạc trong thời bình, trong cơ chế thị trường cũng cần đến tài năng không kém trong chiến tranh.

 

Nhạc sĩ Phú Quang
Và trong thời điểm xã hội đang đối mặt với thảm họa văn hóa như hiện nay, sự khẳng định về cống hiến đương đại càng giúp cho xã hội có vũ khí sắc bén chống lại sự tha hóa trong nghệ thuật. Vậy mà những người cầm chịch quản lý văn hóa lại bỏ qua một thời cơ chấn chỉnh giá trị văn hóa như vậy.

 

Bên cạnh đó, việc chờ đợi đến nửa thập kỷ mới tôn vinh sự cống hiến như vậy còn làm thui chột ý thức tiếp nhận cái mới trong giới trẻ. Nhà thơ người gốc Chăm Inrasara trong một tiểu luận quan sát về văn học cũng có những dự cảm lo lắng về sự già cỗi, cổ hủ của thế giới nghệ thuật.

Ông kết luận: “Ta đã từng nhân danh cái quen thuộc, cái đã biết để chèn ép cái chưa biết, cái xa lạ; chúng ta ẩn náu trong lô cốt truyền thống để bắn phá các nỗ lực sáng tạo có thể thành truyền thống ở thì tương lai; ta đã từng núp dưới bóng đàn anh, bóng đại văn hào quá khứ mà rẻ rúng sự liều lĩnh khám phá cái mới của tuổi trẻ; dựa hơi tập thể để miệt thị cá tính sáng tạo đầy lạ biệt.

Chỉ khi nào ta từ bỏ mọi nỗi ấy, cái mới mới có cơ may nảy nở và lớn dậy. Còn không thì mấy “tiếp thu tinh hoa thế giới” hay “sáng tạo trên nền tảng tiếp nhận truyền thống” chỉ thuần là khẩu hiệu trống rỗng, vô nghĩa”.

Một nhà thơ đã đi gần hết quãng đường đời để nói lên một trải nghiệm chiều dài gần một thế kỷ phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam như vậy, kêu lên nỗi đau nhiều giá trị văn hóa đã phôi phai, nhiều tác phẩm nghệ thuật không được xã hội nhìn nhận đúng đã góp phần cho thảm họa văn hóa có đất phát triển vì sự trống trải đang bao phủ.

Trong quá khứ, chúng ta đã có một bi kịch Bùi Xuân Phái không được thừa nhận tài năng chỉ vì các bức tranh của ông về phố cổ luôn có màu trầm buồn, để hôm nay cả xã hội treo tranh chép vì không tin tưởng vào các tài năng hội họa đương đại, cũng là hậu quả của ý thức hệ bảo thủ đã xây dựng nên.

Giáo dục, xây dựng cho thế hệ trẻ một khả năng nhận diện và có tâm thế đón nhận cái mới nay có thể là ước mơ xa vời trong bối cảnh hiện tại, nhưng là một điều không thể không làm nếu chúng ta muốn có tương lai!  

Theo DNSG
people like INLOOK.VN fanpage