Bạn đang ở đây

Việt Tú và "cơn ác mộng của người thợ… săn"

Không tinh ý cũng nhận ra trong khi nói chuyện, hắn rất hay dùng chữ: “Về bản chất mà nói…”, như luôn lo lắng nói, làm gì cũng mới chạm vào hiện tượng. Cứ như thể hắn luôn lo lắng nói gì, làm gì cũng mới chỉ chạm vào hiện tượng. Dù cũng “về bản chất mà nói”, thì Việt Tú thực sự là một hiện tượng không thể bỏ qua của showbiz Việt: Thành danh khi còn rất trẻ, ở một địa hạt mà “không (mấy khi) có đất dành cho người (chưa) già”: Đạo diễn.

 


Mà những con ốc vít bắt chặt nhất vào bảng tên của Tú là: Nhật thực – live show khó quên của Hà Trần (2002), Con đường âm nhạc, Đệp Fashion Show (trong đó đình đám nhất là vở thời trang “Cơn ác mộng của người thợ may”). Và gần đây, là những số đầu tiên ấn tượng của series Không gian âm nhạc với những cuộc “cưỡng hôn” độc đáo: Lý & Dương, Tuấn Ngọc & Nguyên Thảo…
 

Còn “về hiện tượng mà nói”, thì quả tình hắn cũng rất hay gặp “ác mộng” – như một thứ nghiệp chướng, trên hành trình vác súng “đi săn” cảm hứng sáng tạo… Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Không gian âm nhạc… vì vậy là những cú ghi điểm liên tiếp vừa qua của Tú, sau kỳ “ngủ đông” kéo dài. Để rồi sau đó, lại bụng bảo dạ: “Muốn nhanh thì phải từ từ!” – “câu thần chú” mà lúc này Tú đặc biệt tâm đắc, vì đã từng có công cứu Tú ra khỏi một cơn stress, cách đây không lâu.

Sáng tạo đôi khi là sự thoát hiểm

- Thức dậy bằng một cú vươn vai đáng nể - điều đó có khó khăn?

- Thực ra thì vẫn thường là thế thôi: thói quen làm việc theo chu kỳ. Nghề này là thế mà, khi thì làm không hết việc, khi thì (vẻ như) chả có việc gì làm, hoặc cũng có thể, chả buồn làm gì, bởi cảm giác kiệt sức, cạn kiệt năng lượng sáng tạo. Rồi tới khi nguồn năng lượng đã mất được tái tạo trở lại, trước một cơ hội mới, lại cảm thấy mình được thúc... Thích nghi với sự thay đổi trạng thái từ động sang tĩnh, hay ngược lại - vì vậy – không còn là điều làm khó tôi.

- Để có được những lời mời đáng giá trong nghề này, ngoài sức hút thương hiệu, liệu còn cần đến những động tác vận động hành lang, ăn rơ ăn cánh khác?

- Về mặt bản chất mà nói, nó đơn giản chỉ là “thiên thời, địa lợi…”. Việc nó đến là nó đến, thành là nó thành, được là nó được, chứ không thể cố mà có được. Thường thì nghề này, như người ta vẫn nói là đứng sau và bên ngoài ánh đèn sân khấu nhưng may cho tôi là lại có kha khá lúc được “lộ sáng” nên ít nhiều, cũng đôi ba lần được “vua biết mặt, chúa biết tên”.

- Cần gì phải đợi đến lúc “lộ sáng”! Đạo diễn có tên ở nhà mình giỏi lắm đếm chưa quá đầu ngón tay, học thuộc dễ mà!

- Nhưng ranh giới giữa một đạo diễn giỏi và một đạo diễn kém nhiều khi cách nhau chỉ một tích tắc. Vào cái tích tắc ấy, mình phải bấm được đúng cái nút ấy, kịp thì được! May cho tôi, không chỉ trong nghề này, mà còn trong cuộc sống, từ bé tới giờ, là toàn thoát hiểm vào phút chót. Về mặt bản chất mà nói, sáng tạo cũng vậy, đôi khi là sự thoát hiểm!

- Chẳng hạn?

- Chuyện này không liên quan gì đến công việc: Hồi bé, có dạo tôi sống với bà, gần sông, thả diều đi bơi chán chả biết làm gì nữa bèn nghĩ ra trò nhảy từ cái cần cẩu cao hơn 10m xuống cái sà lan chở cát. Cú ngã cật lực hút chết, không biết sao lại thoát.

- Nghịch gớm nhỉ! Nhưng trông anh thì cũng có thể đoán là có một tuổi thơ và tuổi trẻ ưa phá phách cỡ nào!

- Đúng hơn hồi đấy là cả một thế hệ nổi loạn: say Beatles, nghiện breakdance, ưa diện quần rách và thậm chí không từ cả bỏ học bỏ nhà đi bụi…

- May quá, độc giả của Đẹp không phải là các cô cậu mới lớn!

- Thực ra cũng không đến nỗi “sẩy nhà ra đường” đâu, chỉ là đi ít lâu rồi về, đủ để dọa bố mẹ vì cái “tội” ưa áp đặt con, để chứng minh mình đã trưởng thành – theo cách nghĩ trẻ con ở mình lúc đấy. Tôi có lẽ là trường hợp hy hữu làm các thầy cô cũ của tôi sửng sốt nhất vì từng khiến họ nghĩ: Ông tướng này không hư là may rồi!

Nghề này không áp đặt cũng khó!

- Đến lượt mình làm bố thì thấy sao?

 

- Vì con mình là con gái nên cũng đỡ hơn, nhưng cũng phải rút kinh nghiệm từ chuyện trước đây. Rằng cuộc “thương lượng” giữa bố mẹ và con cái là một cuộc “thương lượng” có thể kéo dài hàng chục năm trời, cho đến khi tìm được tiếng nói chung. Phải làm sao cho con cái không phải tìm cách “thương lượng” với bố mẹ bằng cách bỏ nhà – đó là cả một nghệ thuật cần đến sự kiên trì kinh khủng của những người làm cha làm mẹ.

 

- Và cả làm đạo diễn nữa chứ? Vì “bệnh” của đạo diễn là áp đặt mà, nhất là những tay có cá tính mạnh!

- Kể ra thì đứng vào vị trí này, không áp đặt cũng khó. Về mặt bản chất mà nói, nghề này nó cũng giống như nghề huấn luyện viên bóng đá: Trong cuộc chơi của nhiều người, anh phải là người nghĩ ra ý tưởng để sắp xếp đội hình sao cho ổn thỏa nhất. Để bảo lưu được ý kiến của mình mà không bị mang tiếng là áp đặt, hay nói cách khác là để áp đặt một cách tích cực, lại cũng cần một nghệ thuật thương lượng, sao cho mọi người tin rằng việc này không chỉ mình ông Tú có lợi mà chính họ cũng được hưởng lợi, thay vì gây cho họ cảm giác họ bị biến thành con rối. Điều này giải thích tại sao trong êkip của tôi tận tới giờ vẫn có những người bạn đồng hành suốt bảy năm qua, dù đã từng trải qua bao trận cãi cọ. Tôi đặc biệt thích công thức “win – win” (đôi bên cùng có lợi) ấy, vì nó giúp tôi được hưởng lợi mà không phải nợ ai.

- Sợ nợ nần đến thế sao? Chẳng phải nghệ thuật cũng chính là một món nợ đời ư – theo cách nhiều dân nghệ nhà ta vẫn nói?

- Nợ gì thì nợ, cũng chả ai thích nợ cả! Một tấm vé chẳng hạn, với tôi, nó cũng phải cho vào nguyên tắc. Chương trình của chồng, vợ muốn mời khách hàng của vợ đi xem, OK, vậy thì xin mời mua vé. Hay như hôm rồi, sô Nguyên Lê, đáng xem là thế, nhạc sĩ Huy Tuấn ngỏ ý tặng vé, tôi từ chối. “Chương trình bán được vé, và chúng ta sống được bằng nghề - Đó chẳng phải là mơ ước của anh em mình sao?’, tôi giải thích với Huy Tuấn lý do tôi chọn cách mua vé. Ngược lại, đến lượt “Không gian âm nhạc” của tôi, cũng có không ít người gọi đến xin vé nhưng tôi từ chối. Một tấm vé, trông thì nhỏ thế thôi, nhưng có chương trình, chỉ cần cho đi 50 tấm là đã đi tong cả trăm triệu bạc, và tôi đã từng làm thế. Tôi coi đây là một khoản học phí cho một thói quen mới cần hình thành ở ta: nói không với việc xin vé.

- Kể cả đó là các nhà báo - những người tuy không mua vé nhưng còn hơn thế: có thể tác động tới việc bán vé?   

- Kể cả nhà báo, trong đó phải nói là có cả những nhà báo mà tôi chơi thân và rất quý họ. Nhưng sự thực là chưa bao giờ tôi dám phiền họ một bài báo bằng phép “quy đổi” đấy, kể cả là chương trình đang rất cần được quảng bá như “Không gian âm nhạc” vì nó còn quá mới, và tôi trực tiếp làm nhà sản xuất. Nhờ như thế chỉ được một lần và cũng chỉ nên là một lần. Không nên nhờ, mà nên là cộng hưởng. Trong nghề này, quý nhất là cộng hưởng!

- Câu hỏi này không tính nợ anh đâu nhé, dù nói tốt cho “Không gian âm nhạc”: Chương trình nghe đâu chào mời được cả những khán giả đặt mua vé cả năm cơ đấy - cứ như chuyện bên Tây?

- Đúng, nhưng hẵng mới chỉ là một con số rất nhỏ: chừng 15 trên tổng số 600, chủ yếu là những cộng sự, bạn bè thân thiết, quý tài nhau. Và tôi cũng không ngây thơ nhìn vào đó để vội mơ tưởng rằng chỉ cần dăm bữa nửa tháng nữa, con số ấy sẽ thành quá bán. Về mặt bản chất mà nói thì con người ta không ai muốn phải mất tiền cả, nhất là những khán giả của truyền hình trực tiếp, vốn đã quen dùng hàng miễn phí. Để hình thành nên được một thói quen văn minh trong xã hội, không thể ngày một ngày hai mà được. Muốn nhanh thì phải từ từ!

Tôi vừa đi lạc

- Khổ nỗi Việt Tú nào có chịu “từ từ”! Nếu thế thì đã không nhanh chân bước lên chiếu các đạo diễn có tên ở VN đến thế, khi tuổi đời còn quá trẻ!

- Đúng là có những lúc mình đã đi nhanh, cho kịp với may mắn của mình. Nhưng đến đích sớm quá đôi khi cũng không hẳn là hay đâu nhé, vì sau đấy là cảm giác hoang mang: Vậy tiếp theo đây sẽ làm gì, khi chưa kịp set up kế hoạch, chưa kịp tĩnh trí… “Muốn nhanh thì phải từ từ!” – câu nói đó là món quà mà một anh bạn đã mang đến cho tôi vào đúng lúc tôi đang trong một cơn stress kéo dài cách đây chưa lâu (chính là “kỳ nghỉ đông” mới đây nhất). Một sự hiểu nhầm đã lấy đi êkip của tôi khiến một dạo, có những cái tôi phải làm một mình hoặc với người lạ và điều đó đã khiến tôi không vui, tôi thấy rất khó chịu, thấy ghét sự cô độc...

- Cảm giác đi lạc khỏi đội hình?

- Tôi cũng không biết tôi lạc khỏi họ hay họ lạc khỏi tôi nữa. Chỉ biết là hai bên bị mất tín hiệu, bỗng dưng không còn tìm được tiếng nói chung. Và đó thực sự là một cú sốc lớn đối với tôi bởi trước nay, tôi vốn rất tự hào về khả năng kết nối của mình. Tôi có đọc thấy một nghiên cứu chỉ ra rằng ở Mỹ, đối tượng tự tử cao nhất không phải là những kẻ bần cùng nghèo khổ mà lại chính là những người thành đạt, đơn giản chỉ vì họ không có thói quen và kinh nghiệm đối diện với thất bại. Nên tôi chắc, tôi bị sốc cũng bởi tôi không có được thói quen đối diện với thất bại đó của mình, rằng không phải lúc nào tôi cũng biết kết nối.

Có tin được là có những quãng tôi ở lì trong nhà suốt ba tháng trời không. Có những hôm đi như mộng du từ tầng 19 xuống tầng 1, rồi lại đi lên, lên rồi lại xuống. Có ngày trả hết mấy trăm nghìn café chỉ vì mấy vụ đi lên đi xuống không để làm gì, không biết làm gì ấy. Có những thời điểm phải nói rất buồn cười, lơ nga lơ ngơ như kẻ mất hồn, cảm giác mình về hưu được rồi. Sao nhỉ, có lẽ đó là lúc mình đi tìm. Tìm lại động lực làm việc...

- Thường thì những khi ngủ đông và đi tìm như thế, anh làm gì, ngoài việc bấm liên tục thang máy?

- Tôi đi bơi, ở cái bể bơi trên nóc nhà, rồi khi nằm phơi nắng thì mở phonebook tìm lại những số điện thoại đã lâu không gọi, những người bạn đã lâu bỏ phí vì guồng quay công việc. Cũng có lúc tôi tắt điện thoại. Có lúc lại quyết định đi xa. Đi chơi, gặp gỡ nhiều người nhiều giới. Làm thằng nghệ sỹ, nhất lại còn là đạo diễn, muốn làm tốt, theo tôi không nên chỉ biết có chuyên môn. Rồi thì kiếm vé xem show ngoại…

- Cảm giác mỗi lúc xem show ngoại về là gì? Có nản, vì nghĩ không có tiền thì đừng mơ công nghệ?

- Trước thì thấy tủi, nhưng giờ thì chỉ thấy thèm. Thèm chứ không tủi nữa! Việc gì phải tủi! Phải vui chứ, khi nhìn thấy những đồng nghiệp của mình vẽ ra được giấc mơ của họ, và đó cũng chính là giấc mơ của mình, khác chăng là mình chưa vẽ nó ra được. Học được gì thì cứ học, nhưng so sánh là điều không nên, không nên một chút nào vì cái gì cũng phải đặt trong mặt bằng chung của nó, môi trường riêng của nó. Nhà Phật có câu tôi thấy rất hay: Biết đủ là đủ! Sợ nhất là sống nhạt nhẽo, chả vì cái gì, chả sống cho ai, kể cả cho mình…


 




- Trong điều kiện làm nghề ở nhà mình, anh thấy làm đạo diễn hay ca sĩ khổ hơn?

- Làm gì cũng khổ, trừ khi tính làm giả ăn thật. Chỉ có một cách hoặc là làm ở đây, hai là đi chỗ khác chơi. Còn một khi đã chọn nghề này, môi trường này thì phải cố tìm mọi cách mà thích nghi, thay vì ngồi mâm này mà nhìn qua mâm khác.

Stop thì không, nhưng Pause thì OK!

- Thất bại nào với anh là đáng sợ hơn: một chương trình không thành công, hay sự rã đám của êkip?

- Sự lạc lối mới là đáng sợ! Nhớ “cơn ác mộng của người thợ may” không? Làm cái đó, tôi không nghĩ về sau đôi lúc nó lại vận vào mình. Người nghệ sỹ, sau khi đạt được đến một đỉnh cao sáng tạo nào đó, sẽ có những lúc bị chững lại và chìm vào ác mộng, rồi rơi vào một cái hố đen, nơi những cây kim, cái thước… bỗng chốc quay ra chống lại chính anh. Điều tệ hại này xảy ra với tôi cách đây hơn năm khiến tôi cảm thấy mình đang bị rơi vào một cái hố đen tương tự thế. Không được làm việc, không được sống đúng là mình, với tôi đó thực sự là một cơn ác mộng.  

- Cách nào để ra khỏi ác mộng?

- Lời khuyên này tôi nhặt được trên máy bay: Khi máy bay gặp sự cố, mời quý khách đeo mặt nạ cho mình trước rồi hãy đeo mặt nạ cho trẻ em. Phải tự mình cứu mình đã rồi mới có thể giúp được người khác!

- Một đồng nghiệp đàn anh của Tú nhận xét rằng: Lợi thế, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm duy nhất của Tú – không gì khác - chính là… tuổi trẻ. Trẻ thì nhiệt huyết, dám phá cách, nhưng cũng có thể rất dễ chảnh, dễ tổn thương và làm người khác tổn thương nữa…

- Làm nghề này, tối kỵ nhất là để tin thất thiệt, dù vẫn biết là khó mà kiểm soát được. Nhiều khi trăm sự cũng bởi cầu toàn, và như đã nói, nghề này áp đặt là điều khó tránh. Cũng có những thời điểm, có thể do cách truyền đạt thông điệp của mình chưa đủ gãy gọn để được hiểu…

- Sự hiểm nhầm nào là đáng tiếc?

- Đời tôi có một lần bỏ cuộc mà sau đó tôi ân hận mãi: đó là lần bỏ làm show Phương Thanh, lúc đó làm gần xong rồi còn bỏ cuộc, chỉ vì hiểu nhầm với một người trong êkip. Hay như trục trặc vừa qua với êkip của mình, chung quy cũng tại hiểu nhầm. Nói chung thành công trong nghề này trước khi nói chuyện thông điệp, thì quan trọng không kém, còn là chuyện kiểm soát thông tin.

- Ý nghĩ bỏ cuộc thường lung lạc con người ta khi nào?

- Biết cảm giác của người tập chạy trên bàn chạy không: càng gần đến đích lại càng chính là lúc dễ bỏ cuộc nhất. Có gì đâu, chỉ cần đưa tay nhấn nút stop, là xong, cần thì mai tập tiếp! Một cuộc đua chỉ có mình mình biết, việc gì phải sợ. Bỏ cuộc vì thế dễ lắm! Làm một người vớ vẩn cũng dễ lắm! Vì nhấn stop được một lần thì sẽ nhấn được mãi…

- Vậy sao anh không chọn nút pause?

- Thì đó chính là hai năm vừa qua đấy, chính là những kỳ “ngủ đông”. Stop thì không, nhưng Pause thì OK! Pause đôi khi cần là khác!

- Anh bảo hai năm rồi anh đối diện với khủng hoảng. Vậy chương trình Hoa hậu VN 2010 thì sao?

- Thì cơ hội đến là nó cứ đến thôi, mình đâu thế yêu cầu nó nên đến vào lúc nào. Cũng vì thế mà “Hoa hậu VN” với tôi lúc ấy là một sức ép lớn. Nhưng một phần cũng nhờ nó mà mình ít nhiều xốc lại được mình. Song nếu để vui, để giúp thoát ra khỏi khủng hoảng thì chưa, vì bấy nhiêu mới chỉ là một đốm, chưa đủ thành vệt.

- Bây giờ thì thành vệt rồi đấy thôi!

- Chưa biết được! Có khi phải đợi đến cuối chu kỳ mới biết nó là đốm hay vệt.

Có duyên quan trọng hơn có lý!

- Thế mạnh nào ở mình được anh cho là vừa vặn nhất với nghề đạo diễn?

- Một cái đầu có thể bao quát và kiểm soát công việc từ đầu đến cuối, đủ để làm tròn vai đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi sức ép thay cho êkip với một điều kiện duy nhất: lòng tin mình nhận được từ cộng sự. Có được lòng tin ấy thì mọi sức ép từ bên ngoài sẽ không còn đáng sợ nữa, không thể mạnh bằng. Về mặt bản chất mà nói, con người ta lúc vui đến với nhau thì dễ lắm, nhưng lúc đối diện thất bại mà còn tin được nhau và cùng nhau vượt qua được thất bại thì đó mới là quý. Con người mới là gốc, và tình người mới là quan trọng. Có được thứ ấy sẽ có những thứ khác.

- Trong ba thứ “thiên thời địa lợi nhân hòa”, thứ nào anh quan trọng nhất?

 

- “Nhân hòa” thì còn có thể kiểm soát được, chứ “thiên thời, địa lợi” thì chịu!

 

 

- Vậy “Con đường âm nhạc” – thương hiệu của anh từng giữa đường đứt gánh là vì sao? “Nhân hòa” đâu dễ kiểm soát!

- “Con đường âm nhạc”, tôi thấy nó như một “cuộc chơi đồ hàng”. Làm gì cũng toàn phải đi nhờ mọi người – một cơ chế như vậy không thể tính chuyện dài hơi. Giờ đây, với “Không gian âm nhạc”, tôi mới thực sự được thỏa sức làm điều mình thích và cho là đúng, được tự chủ cân đong đo đếm nhưng đồng thời cũng không phải đánh mất đi con người nghệ sỹ của mình.

- Nghệ sỹ tới mức dám làm cả những cuộc “cưỡng hôn chưa từng có trong lịch sử”: Lê Cát Trọng Lý + Tùng Dương, Tuấn Ngọc + Nguyên Thảo…? Vụ này phải gọi là “Ăn gian âm nhạc” mới phải!

- Đến nỗi, Lê Cát Trọng Lý khi được mới thì ngớ ra, Nguyên Thảo thì kêu run. Thanh Lam – Quốc Trung tái hợp trong âm nhạc, tôi ngờ rằng xuất phát điểm có thể là từ một lời mời đã lâu của tôi…   
    
- Làm đám cưới mà không mảy may lưu tâm đến “tình ý” của cô dâu chú rể, quan viên hai họ?

- Lẽ thường ra thì hai bên cũng phải thấy thinh thích nhau một tý, hay có với nhau một điểm chung nào đó, chẳng hạn như Nguyên Thảo và Tuấn Ngọc thì có điểm chung là… đồng hương Đà Lạt. Cũng có cặp, thậm chí còn chả kịp quen nhau trước khi “cưới”.

- Trong các cuộc “cưỡng hôn” đó, anh thấy thú vị cuộc nào nhất?

- Nếu như phép cộng Dương + Lý là một món mù tạt xộc thẳng vào mũi người ta thì Nguyên Thảo + Tuấn Ngọc lại là một thứ bột rất mịn, mịn đến nỗi khi nếm nó, người ta chịu không biết nó được làm từ gì. Nó cũng giống như những vị vang mà người ta lắc mãi, ngửi mãi cũng chịu không biết nó có mùi gì, chỉ có thể nói một câu: Ngon! Tôi khoái nhất là cặp Nguyên Thảo + Tuấn Ngọc.

- Bằng những cuộc “cưỡng hôn” đó, anh có nghĩ anh đang làm một việc “phi pháp” nhưng có lý, giữa thời buổi mà làng nhạc Việt đầy rẫy những cái hợp pháp nhưng lại vô lý đến mức không thể ngửi?

- Cái gì cũng phải có duyên, về mặt bản chất mà nói! Có duyên quan trọng hơn có lý!

- “Về mặt bản chất mà nói”, anh thấy showbiz Việt hiện nay có “ngửi được”?

- Showbiz Việt không phải là việc của tôi. Việc của tôi chỉ là làm cho tốt phần việc của mình, ngoài ra không có tham vọng cứu rỗi thế giới. Biết chuyện “mười ông uống rượu” chứ? Ông nào cũng nghĩ 9 thằng kia mang rượu đến là đủ, vậy mình mang nước lã, kết quả là cả bọn phải núc nước lã.  Nhiều thứ ở mình kém đi, có khi cũng vì cái ý nghĩ mang rượu là việc của người khác ấy…

- Người mang rượu, anh cầm tinh con gì?

- Tôi sinh đúng hôm 30 Tết năm 1976 – gạch nối giữa Bính Thìn và Đinh Tỵ, đáng là rắn, sau lại được là rồng, may thế!


 

Theo Đẹp
people like INLOOK.VN fanpage