Bạn đang ở đây

20/11: Đau đầu với cái phong bì

Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi về quê để chuẩn bị thăm lại các thầy cô giáo đã từng dạy dỗ mình. Nhà có một đứa cháu học lớp 5, tôi hỏi: “Con đã chuẩn bị gì để tặng cô giáo nhân ngày 20-11 chưa?” Con bé tròn xoe mắt ngạc nhiên: “ Mẹ con chuẩn bị phong bì rồi cô ơi!” Tôi ngẩn người, cứ đâm hoang mang phải chăng chúng ta đã làm hỏng cả một thế hệ măng non vì cái phong bì.

Nhớ hồi còn nhỏ, tết 20-11 chúng tôi hái hoa trong vườn nhà lên tặng các thầy cô. Nhiều khi chỉ là bó hoa cúc dại nhưng các cô vẫn rất vui khi thấy học trò nghèo ngượng nghịu nói: “Con tặng cô 20-11”. Nhà đứa nào có xà bông, cuốn sổ thì mang lên tặng cô mấy hộp gói bằng giấy kiếng xanh đỏ. Các thầy cô ra về ai cũng tươi như hoa, vui mừng vì tấm lòng của học trò. Lớn lên một chút, tôi bắt đầu nhận ra văn hóa phong bì khi thấy món quà càng to càng được nâng niu tương ứng với học sinh tặng món quà đó. Nhưng cho đến khi chứng kiến cảnh các bậc phụ huynh lo sốt vó khi đến ngày 20-11 thì mới thực sự hiểu được chuyện phong bì và cái câu:

 “Muốn sang phải bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.

Các học sinh tặng hoa cho cô giáo( ảnh minh họa)

Bà mẹ của cháu tôi ngồi nhẩm tính số tiền cho con đi mừng thầy cô mà còn hơn một kế toán siêu hạng. Chị nhẩm tính, đứa lớp 5 tặng cô chủ nhiệm, đứa lớp 9 tặng thêm các cô bộ môn như Tiếng Anh,Toán…tính toán sao con nhỏ được quan tâm, con lớn không bị “đì”. Số tiền mừng thầy cô cũng làm chị mất một khoản lương nhưng “không thể không làm thế được, chẳng lẽ lại tặng cô bó bông thôi sao, làm vậy là con mình chết”.  Chị tính ra, nếu mỗi phụ huynh đều tặng cho các thầy cô 1 triệu như chị thì  cô giáo chủ nhiệm con nhỏ được 30 triệu cô môn Tiếng Anh, của con lớn cũng được gần 40 triệu… Như vậy, thì làm giáo viên đúng là nghề “làm giàu không khó”! Mà không chỉ mình chị, những gia đình giàu hơn, muốn con mình được chú ý hơn thì còn hình thành một cuộc đua “phong bì” đúng vào cái ngày ý nghĩa này.

Càng ngày, chuyện 20-11 không chỉ là chuyện tiền nong nữa mà biến thành chuyện “hàng độc”. “Giờ mọi người đều bảo phong bì cháu nào cũng đi, cũng giống nhau như thế thì cô biết quan tâm cháu nào hơn. Vậy nên, phải có quà gì đặc biệt hay độc đáo chút để các cô nhớ mà lưu tâm đến con mình.Thế là lại phải phân vân.”  Chị Thắng (Bình Thạnh) tâm sự. Những món quà ngàn đô liệu có làm các thầy cô vui hơn hay làm họ thêm khó xử và thấy mọi thứ đều được quy ra tiền? Người ta đong đếm sự kính trọng với thầy cô bằng những món tiền và tự cho rằng những người thầy cũng “ăn tiền” của học sinh như thường.

Những món quà trị giá cả ngàn đô

Nhưng thiết nghĩ, chuyện các em bị “đì” vì không tặng quà ngày 20-11 chỉ gặp ở một số thầy cô biến chất, chứ đa số nhà giáo tâm huyết đều phản đối và trả lại tiền. Dù cuộc sống của đa số giáo viên còn khó khăn nhưng có rất nhiều thầy cô hi sinh vì học trò. Suy đi nghĩ lại, văn hóa phong bì cũng là từ tâm lí muốn con mình “ghi điểm ấn tượng” với thầy cô của phụ huynh. Tiền thì bao giờ cũng quý, ai cũng cần. Nhưng không phải ai cũng sống vì tiền trên hết và cứ thấy tiền là hoa mắt. Nghề giáo hàng nghìn năm nay vốn được xã hội kính trọng, hẳn cũng vì sự hữu ích của nó và tư cách của những người làm nghề đó tạo nên. Các bậc phụ huynh không biết rằng, chính việc “đi phong bì”  đã vô tình làm hại con mình, khiến con trẻ phụ thuộc vào cha mẹ, vào đồng tiền ngay từ khi còn nhỏ, tạo cho trẻ suy nghĩ xấu khi chưa trưởng thành.  Chỉ khi xóa được tư tưởng đó thì mới không có những phát biểu kiểu như: “Nếu bây giờ không có thầy cô, ta vẫn sống được bình thường. Còn không có học sinh chúng ta thì sao? Thầy cô đói chứ sao. Cho nên thầy cô phải biết ơn chúng ta.”!

Những ngày này, các thầy cô giáo ở vùng cao nhận được rất nhiều khoai, sắn của cha mẹ học sinh. Họ bày tỏ lòng biết ơn chân thành bằng những món quà mộc mạc nhưng thầy cô ở nơi đó chắc là vui hơn thầy cô ở thành phố. Vì họ thấy được những đôi mắt biết ơn và kính trọng chứ không phải đau đầu đối phó với những món quà nặng nhẹ và thiếu chân thành kia. Còn những em học sinh, các em được gì khi mang phong bì của cha mẹ đến tặng thầy cô? Có chăng là sự ỷ lại, coi trọng đồng tiền mà vô ơn với người thầy của mình.

Lớp học vùng cao

Ngày 20-11, hãy thể hiện sự biết ơn của mình với những người đưa đò bằng những tình cảm chân thành và những bó hoa tươi thắm. Đó là cách tốt nhất để tri ân các thầy cô.

H.T/ Inlook.vn

people like INLOOK.VN fanpage