Bạn đang ở đây

Biến người dân thành “chuột bạch” gây chấn động thế giới

Trong những ngày trung tuần tháng 11 này, các trang báo đình đám như BBC, AFP, The Sun, Abcnews, Telegraph… rầm rộ đưa tin Người dân nghèo Ấn Độ trở thành “chuột bạch” cho các hãng dược phẩm, gây chấn động toàn thế giới.

Điều đáng nói là những bệnh nhân này không hề hay biết gì về việc họ đã trở thành vật thí nghiệm nhằm phục vụ cho mưu đồ của các “đại gia dược phẩm”.

Biến người dân thành… “chuột bạch” gây chấn động thế giới 1

Trò đùa tai ác… thử thuốc

Câu chuyện đầu tiên được đề cập ở đây là trường hợp của chị Nitu Sodey khi đưa mẹ chồng đến Bệnh viện Maharaja Yeshwantrao thuộc Indore, thành phố lớn nhất của bang Madhya Pradesh, một bang nghèo nhất Ấn Độ. Lần đó, vì bà Chandrakala Bai đau ngực. Mẹ con chị Sodey là những người Dalit thuộc đẳng cấp thấp nhất trong xã hội, vì thế theo thông lệ, họ phải đứng chờ cho đến khi những người thuộc đẳng cấp cao hơn khám bệnh xong mới dám vào gặp bác sĩ.

Nhưng kỳ lạ thay, lần đó hai mẹ con chị lại được mời vào ngay. Nhận tờ phiếu khám bệnh giá 5 ru-pi Chính phủ cấp cho những người nghèo, bác sĩ dặn mẹ con chị Sodey đừng lo, phần tiền thuốc còn thiếu sẽ được một quỹ đặc biệt của Chính phủ thanh toán. “Chúng tôi là dân thường hạng bét. Để có thể đi khám bệnh, người ta phát cho chúng tôi những tờ phiếu trị giá 5 ru-pi, nhưng thật ngạc nhiên khi bác sĩ tiêm cho mẹ tôi thuốc ngoại giá 125.000 ru-pi (bằng 1.400 bảng Anh)”, chị Nitu Sodey ngạc nhiên nhớ lại.

Sau khi được tiêm thuốc, bà Chandrakala Bai cảm thấy tim mình có vấn đề. Bà được nằm lại để theo dõi. Vài ngày sau, người ta cho bà xuất viện, nhưng chưa đầy một tháng, bà lên cơn đau tim và qua đời ở tuổi 45.

Mẹ con chị Sodey không hề biết, mẹ chồng chị đã trở thành nạn nhân tiếp theo của một cuộc thử nghiệm thuốc mới. Thứ thuốc người ta tiêm cho bà là Tonapofylline, do hãng dược Biogen Idec chế tạo. Là người không biết chữ, chị Sodey không nhớ nổi là chị có ký hay điểm chỉ vào tờ giấy đồng ý cho thử nghiệm thuốc hay không. Cuộc thử nghiệm lâm sàng với thuốc Tonapofylline sau đó bị dừng lại vì gặp nhiều tai biến. Hãng dược phẩm này không chịu trách nhiệm về cái chết bất thường của bà Bai.

Bà Chandrakala Bai không phải là nạn nhân duy nhất của những cuộc thử nghiệm thuốc như thế. Đến bệnh viện khám vì chân đau, mẹ của anh Narayan Survaiya chẳng hề được hỏi xem có đồng ý hay không, thậm chí chẳng ai thông báo là bà được dùng loại thuốc mới đang thử nghiệm. Cũng tương tự trường hợp chị Sodey, người ta báo với anh Survaiya, tiền thuốc sẽ do một hội từ thiện chi trả giúp.

Vài tuần sau khi dùng thuốc mới, sức khỏe của mẹ anh Survaiya xấu đi nghiêm trọng, bà không nhấc nổi chân. “Tôi có báo lại tình trạng sức khỏe xấu của mẹ tôi với bác sĩ, nhưng ông ta dặn đừng ngưng dùng thuốc. Đây chỉ là tê liệt tạm thời, sau đó thuốc sẽ phát huy tác dụng, chân của mẹ tôi sẽ hồi phục chức năng”. Ít tuần sau, mẹ anh Survaiya qua đời. Trong số 53 người thử cùng thứ thuốc mà mẹ anh Survaiya dùng, được tài trợ bởi các hãng dược lớn của Anh và Đức, thì có 8 người chết (chiếm 15%). Không có bằng chứng là họ chết vì thuốc mới, nhưng cũng không có bất cứ một cuộc khám nghiệm tử thi nào để điều tra.

Trong vòng 7 năm qua, tại Bệnh viện Maharaja Yeshwantrao ở Indore, 73 đợt thử nghiệm thuốc mới đã được áp dụng trên cơ thể của 3.300 bệnh nhân, trong số đó có 1.833 bệnh nhi (chiếm 55,5%). Hàng chục bệnh nhân đã thiệt mạng trong các cuộc thử nghiệm này, tuy nhiên không có bất kỳ khoản bồi thường nào được chi trả cho gia đình các bệnh nhân.

Tình nguyện có rõ ràng?

Biến người dân thành… “chuột bạch” gây chấn động thế giới 2

Theo Cơ quan kiểm soát dược phẩm, số tổ chức nghiên cứu hợp tác ở Ấn Độ có đăng ký với Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã tăng lên gần gấp 3 lần, từ 60 tổ chức trong những năm 2000 lên đến 150 tổ chức hiện nay. Đã có hơn 1.000 cuộc thử nghiệm lâm sàng được đăng ký chính thức với Hội đồng nghiên cứu thuốc Ấn Độ.

Tất cả những tên tuổi hàng đầu trong ngành như Quintiles, Covance, Charles River hay PPD… đều bắt đầu triển khai hàng nghìn cơ sở nghiên cứu lâm sàng, không chỉ mọc lên như nấm tại nhiều thành phố lớn như Hydearbad và Ahmedabad mà cả những thị trấn nhỏ. Các công ty này khẳng định họ giữ được 99,5% người Ấn Độ tình nguyện gắn bó với cuộc thử nghiệm.

Có nhiều lý giải vì sao thị trường Ấn Độ được “ưu ái” nhất cho khâu nghiên cứu lâm sàng của các công ty dược phương Tây. Nhất là với dân số đông gần 1,2 tỷ nhưng các cơ sở y tế lại thiếu đến mức báo động. Cho nên, người dân ở đây, nhất là người dân nghèo khi ốm đau ít khi có cơ hội được “tiếp xúc” với thuốc. Sự khan hiếm thuốc, cộng với chiêu dụ “tài trợ” miễn phí, trình độ hạn chế, nên giảm được số lượng các yếu tố gây nhiễu trong nghiên cứu của thuốc, cũng như việc người dân dễ tiếp nhận.

Còn nhớ cuối năm ngoái (2011), dư luận Ấn Độ bàng hoàng khi thông tin các nhà khoa học tại Học viện Y học Delhi đã thử nghiệm một số loại thuốc mới trên cơ thể trẻ em gây ra những cái chết thương tâm. Trong buổi chất vấn của Hiệp hội Bảo vệ quyền trẻ em Uday (Ấn Độ), người phụ trách học viện thừa nhận đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới đối với 2.728 trẻ em dưới 1 tuổi. Hậu quả, 49 trẻ em trong số này (chiếm 1,8%) đã chết trong quá trình thử nghiệm thuốc. Có ít nhất 5 công ty nghiên cứu và sản xuất thuốc nổi tiếng của phương Tây tham gia vào việc thử nghiệm lâm sàng này.

Người phát ngôn của Hiệp hội Bảo vệ quyền trẻ em Uday phẫn nộ cáo buộc: “Bố mẹ của những đứa trẻ đáng thương này nằm trong 39% dân số mù chữ hoặc có trình độ văn hóa thấp. Họ cho biết con của họ chỉ mắc phải các căn bệnh thông thường như cảm cúm, viêm họng hoặc sốt... Tuy nhiên, sau khi đưa đến Học viện Y học Delhi, chúng đã phải nằm điều trị ở đây trong một thời gian dài và có nhiều trẻ em trong số đó đã không còn cơ hội sống để xuất viện”.

Kết quả cuộc điều tra cáo buộc rằng, các nhà nghiên cứu đã không có được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía bệnh nhân và gia đình, những người đã không hiểu bản chất của dự án thử nghiệm. Một người mẹ còn tin rằng cuộc thử nghiệm lâm sàng là một phần trong chương trình tiêm chủng của Chính phủ Ấn Độ.

Quyền con người hay bí mật thương mại?

Theo các văn bản luật pháp quốc tế (ví dụ như Luật Nuremberg năm 1947, Tuyên bố Helsinki của Hội Y khoa thế giới năm 1964, sửa đổi năm 2004), việc có được sự đồng thuận từ phía bệnh nhân là yêu cầu cơ bản của tất cả các thử nghiệm lâm sàng. Việc thử nghiệm thuốc trên cơ thể con người đều có những quy định cụ thể. Các cơ quan chức năng như bệnh viện, trung tâm thử nghiệm thuốc... phải hoạt động theo quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp.

Khi tiến hành thử nghiệm, người có chức trách không được che giấu bệnh nhân những tác hại của thuốc có thể xảy ra trong quá trình thử nghiệm. Đồng thời nghiêm cấm các hành vi ép buộc hoặc đe dọa những bệnh nhân không đồng ý tham gia thử nghiệm.

Tuy nhiên, theo nhiều nhân chứng, những điều kiện trên ngày càng ít được đáp ứng. Thực tế, tại Ấn Độ đã có hàng nghìn bệnh nhân thiếu nhận thức bị lôi kéo vào các cuộc thử nghiệm thuốc mới của các công ty dược phẩm nước ngoài mà không có được sự đồng thuận rõ ràng. Riêng các cuộc thử nghiệm lâm sàng về thuốc chữa ung thư, tâm thần phân liệt hay thần kinh dễ dàng hơn khi hầu hết bệnh nhân ung thư đều rơi vào tình trạng tuyệt vọng trong quá trình chữa bệnh và đối với các bệnh nhân tâm thần, họ đâu ý thức được cần phải có sự đồng thuận, rõ ràng.

Trong khi đó, sự giám sát của các tổ chức quản lý của châu Âu và Mỹ gần như không có. Đối với các tổ chức này, các cuộc thử nghiệm diễn ra ở nước ngoài có giá trị như ở trong nước. Tuy nhiên, các nhà sản xuất không buộc phải khai những cuộc thử nghiệm được thực hiện ở nước ngoài. Cụ thể là về sự tàn phá của tác dụng phụ và ảnh hưởng từ cuộc thí nghiệm lâm sàng đến cuộc sống của những cá nhân tham gia thử nghiệm ra sao.

Tai hại là hầu hết các bệnh nhân khi ký vào những dòng chữ “đồng ý” này không có được sự hiểu biết tường tận về bản chất cũng như hậu quả của những gì mà người ta sắp thử nghiệm trên họ.

Phạm vi các cuộc thử nghiệm thuốc của các tập đoàn dược phẩm khổng lồ phương Tây diễn ra ở các nước đang phát triển là không rõ ràng. Các luật bảo vệ thương mại cho phép họ giữ bí mật các thử nghiệm lâm sàng của mình. Ngay cả những ủy ban về đạo đức được thành lập bởi Chính phủ cũng thường xem xét những cuộc nghiên cứu như vậy giống như “việc kinh doanh của công ty” ở cả phương Tây lẫn các nước đang phát triển.

Và rằng, việc kinh doanh của các công ty dược phẩm thông qua việc “tuyển” những bệnh nhân nghèo khổ, kém hiểu biết và không có nhiều sự lựa chọn để bảo vệ sức khỏe của mình đang trở thành những việc làm bất hợp pháp và phi đạo đức.

Chưa bao giờ lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng của các tập đoàn dược phẩm khổng lồ phương Tây lại nở rộ tại các quốc gia đang phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm thuốc mới có nguy cơ trở thành một nghề kinh doanh phi đạo đức khi nó đẩy hàng nghìn bệnh nhân nghèo đang tuyệt vọng vào vòng nguy hiểm hơn.

Đây là mặt trái của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe con người. Chỉ tính riêng thị trường Ấn Độ trong 7 năm qua, sau khi nới lỏng luật về thử nghiệm thuốc, có tổng cộng 2.000 đợt thử nghiệm với số người tử vong do tai biến tăng từ 288 người (năm 2008) lên 668 người (năm 2010) trước khi giảm xuống còn 438 người (năm 2011).

 
Theo Afamily
people like INLOOK.VN fanpage