Bạn đang ở đây

Ấn Độ Dương mênh mông thách thức việc tìm kiếm MH370

Phía nam Ấn Độ Dương, nơi các nhà điều tra đang tìm chuyến bay MH370, là vùng biển mà nếu một máy bay chở khách rơi thì có thể không tàu nào nhìn thấy, không radar nào phát hiện và thậm chí không vệ tinh nào có thể ghi lại được.
 
an-do-duong3-3301-1395048521.jpg

Lực lượng cứu hộ Indonesia tìm MH370 trên Ấn Độ Dương. Ảnh: EPA

Vùng biển mở rộng của Ấn Độ Dương là một trong những nơi xa xôi nhất và sâu thẳm nhất trên trái đất. 

Australia, quốc gia có nhiều phần lãnh thổ nằm trên Ấn Độ Dương và đã cử các tàu cứu hộ tham gia tìm kiếm MH370, cũng không có hệ thống radar hoạt động ở nhiều vùng cách xa bờ biển của mình. 

"Hầu hết Tây Australia và hầu như cả Ấn Độ Dương đều không có radar bao phủ",Reuters dẫn một nguồn tin hàng không dân sự Australia cho hay. "Nếu có sự cố gì xảy ra cách bờ hơn 100 km, chúng ta cũng không nhìn thấy được".

Ấn Độ Dương, đại dương lớn thứ ba thế giới, có độ sâu trung bình hơn 3,6 km. Độ sâu của nó lớn hơn cả Đại Tây Dương, nơi các nhà điều tra từng mất đến hai năm để tìm ra xác chiếc máy bay gặp nạn năm 2009 của hãng hàng không Air France, dù những mảnh vỡ trôi nổi được phát hiện ngay sau tai nạn. 

Đến nay, hàng chục tàu và máy bay từ nhiều quốc gia vẫn chưa tìm thấy dấu vết nào của MH370, chuyến bay mất tích cách đây hơn một tuần sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh sáng sớm 8/3. 

Nỗ lực tìm kiếm diễn ra trên Biển Đông suốt một tuần trước hiện chuyển sang Ấn Độ Dương, sau khi các nhà điều tra nhận thấy chiếc Boeing 777-200ER đã chuyển hướng có chủ đích sang phía tây Malaysia, đi chệch hàng trăm, thậm chí hàng nghìn km so với lộ trình dự kiến. 

Có nhiều khu vực khả nghi, trong đó có cực bắc Ấn Độ Dương và Trung Á. Tuy nhiên, các nhà điều tra thiên về hành lang hàng không phía nam hơn, bởi chiếc phi cơ dễ dàng bị phát hiện nếu đi vào vùng không phận tấp nập phía bắc. 

Với ước tính nguồn nhiên liệu còn đủ cho 4 giờ khi MH370 được nhìn thấy lần cuối trên radar ở bờ biển tây bắc Malaysia, máy bay có thể bay thêm được 3.500 km nữa hoặc hơn, với tốc độ và độ cao thông thường. 

Dựa trên các dữ liệu đó, giới chức phỏng đoán chiếc phi cơ đã bay về phía nam cho đến khi cạn kiệt nhiên liệu và rơi xuống biển. Một khi rơi xuống nam Ấn Độ Dương, bất kỳ mảnh vỡ nào của MH370 cũng có thể bị các dòng hải lưu đánh trôi đi xa sau một tuần.

Các đảo rải rác

an-do-duong-9052-1395048521.jpg

Hành lang bay phía nam mà MH370 có thể đã bay qua, hướng về nam Ấn Độ Dương, tây Australia. Đồ họa: The Star

Vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, nằm giữa Indonesia và Australia, bị chia cắt bởi đảo Christmas và quần đảo Cocos. Cocos có một sân bay nhỏ để phục vụ 3.000 người trên đảo.

Xa hơn về phía nam, những nơi có thể trú ngụ là một vài trung tâm nghiên cứu nằm rải rác trên các đảo nhỏ của Pháp, trong đó có Kerguelen, một nhóm các mỏm núi lửa nằm giữa châu Phi, Australia và Nam Cực. Kerguelen có một số máy quét thiên văn và radar mạnh, nhưng đảo này lại không có sân bay và MH370 không thể nào đáp xuống đây.

Tuyến đường biển từ Tây Australia đến châu Á và châu Âu được xem là tương đối vắng vẻ so với toàn cầu, dù một lượng lớn quặng sắt và các tài nguyên khác vẫn được vận chuyển từ các cảng tây bắc Australia. Các tàu thường di chuyển rất gần với bờ biển Tây Australia, sau đó hướng lên phía bắc qua vùng biển Indonesia vào Biển Đông hoặc đi về phía tây bắc đến Biển Đỏ. 

Radar dân sự của Australia có phạm vi hoạt động tối đa chỉ 410 km ngoài bờ biển, và chỉ được dùng để theo dõi các máy bay nằm trong lịch trình hạ cánh xuống nước này và các lần hạ cánh sau đó.

Chỉ có hai radar chính ở bờ biển tây Australia, một tại thành phố Perth và một tại thị trấn Paraburdoo, với phạm vi thậm chí hẹp hơn và chỉ được dùng để giám sát các phương tiện đi vào vùng khai thác mỏ Pilbara gần đó. 

map-3569-1395053386.jpg

Đồ họa cho thấy phạm vi tìm kiếm máy bay và độ sâu của Ấn Độ Dương tính theo mét. Đồ họa: SCMP

Cơ quan Hàng không Dân dụng Australia dựa trên một thiết bị gọi là ADSB của máy bay để truyền tín hiệu thông tin đến các vệ tinh thương mại và truyền trở lại trung tâm kiểm soát ở mặt đất. Australia không có vệ tinh chính phủ nào.

Quân đội Australia có một mạng lưới radar gọi là JORN, cho phép quan sát tất cả các hoạt động trên không và trên biển ở bắc Australia trong phạm vi đến 3.000 km. Các tờ báo của chính phủ Australia mô tả nó như một "cái bẫy" trong hệ thống giám sát, giúp củng cố khả năng phòng thủ của quốc gia trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía bắc.

Truyền thông địa phương cho hay, mục đích chính của JORN gần đây là theo dõi những người nhập cư Australia trái phép bằng tàu. 

Cơ quan An toàn Hàng hải Australia (AMAS) có khả năng tìm kiếm và cứu hộ trong phạm vi 1.600 km tính từ bờ biển phía tây hoặc tây bắc của Australia.

Theo VnExpress

people like INLOOK.VN fanpage