Bạn đang ở đây
'Mốt' ăn 'hùa' của giới trẻ
Những món ăn “phong trào” độc hại…
Người trẻ Việt Nam thích sự mới lạ. Bởi thế hễ có món ăn nào mới du nhập từ Tây sang Ta hay từ Bắc xuống Nam, hoặc ngược lại, đều gây chú ý và thu hút đông đảo sự tò mò của các bạn trẻ. Những món ăn này nổi lên như “nấm mọc sau mưa”, từ trong quán đến lấn chiếm vỉa hè đều thấy xuất hiện.
Những phong trào này không cần đến sự giúp sức của truyền thông mà vẫn nổi như cồn. Chỉ cần 1 nhóm người biết thì cả thành phố đều biết. Chỉ cần 1 nơi bán thì không lâu sau, đi đâu trong thành phố cũng thấy bán.
Không khó kể tên một số những món ăn “sớm nở” nhưng “chưa tàn” được giới trẻ chú ý. “Trà chanh chém gió” là một ví dụ điển hình. Trà chanh phổ biến ở Hà Nội cũng khá lâu trước khi du nhập vào Tp.HCM. Đâu đâu cũng thấy từng nhóm từng nhóm bạn trẻ tụ tập ngồi trên vỉa hè vừa nhâm nhi ly trà chanh và “chém gió” với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất. Không bao lâu, báo chí đưa tin trà chanh được pha chế bằng nguyên liệu độc hại có xuất xứ từ Trung Quốc khiến nhiều người nơm nớp lo sợ.
"Trà chanh chém gió" từng khiến giới trẻ "điên đảo" dù một ly trà chanh tận 8.000đ - 16.000đ
Cơn sốt phô mai que cũng không phải là một ngoại lệ. Bắt nguồn từ chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh (giá 28.000đ/que), sau vài năm, phô mai que trở thành món ăn quá quen thuộc với giới trẻ bởi giá thành rẻ chỉ từ 5.000-6.000đ/que. Thưởng thức món ăn Tây này chưa thỏa thì trên mạng xã hội lan truyền thông tin phô mai que được làm từ… cao su khiến dư luận nháo nhào.
Phô mai que kéo hoài không đứt...
Phong trào gần đây nhất có lẽ là chè khúc bạch. Giữ vững món chè độc quyền mấy năm dành cho khách tráng miệng, cửa tiệm nổi tiếng với "bánh canh Trảng Bàng" giờ chắc cũng ngỡ ngàng khi đi ra ngoài đường sẽ thấy nhan nhản bảng hiệu “chè khúc bạch” đủ màu đủ sắc với giá rẻ hơn. Món ăn cũng được thêm bớt, gia giảm nguyên liệu để tạo nên sự khác biệt, nhưng khúc bạch luôn là thứ phải có trong chén chè. Giới trẻ mê là mê miếng khúc bạch giòn giòn, dai dai, thơm phức mùi bơ sữa. Thế mà truyền thông lại cho biết khúc bạch vỉa hè có thể làm từ gelatin rẻ tiền xuất xứ từ Trung Quốc, có thể gây ra ung thư.
Chè khúc bạch cũng dính tin đồn có chất độc hại
…nhưng “chợ vẫn đông”
Khi những thông tin tiêu cực được đưa ra dư luận, nhiều bạn trẻ tỏ ra sợ hãi kèm theo sự phản đối tẩy chay những món ăn độc hại. Ấy vậy mà khi đi qua các con đường, quán xá vỉa hè với những món như trà chanh, phô mai que, chè khúc bạch… không những ít đi mà còn đông hơn, chen chúc nhau đến từng diện tích nhỏ. Chẳng thấy quán nào phải “sập tiệm” vì thông tin trên báo chí mà chỉ thấy dòng người nườm nượp chờ được thưởng thức.
Hầu hết những khách ngồi ăn đều biết những rủi ro và tác hại của hóa chất có xuất xứ từ Trung Quốc. Thế nhưng khi được hỏi có lo sợ gì khi bỏ vào bụng những thức ăn vỉa hè mỗi ngày thì Phạm Hồng Ngọc (sinh viên trường quốc tế RMIT, Tp.HCM) trả lời tỉnh bơ: “Trời kêu ai nấy dạ chứ biết sao bây giờ. Chắc cả ngàn cả triệu người ăn uống mà có thấy ai bị gì đâu nào. Với lại chẳng lẽ bạn bè rủ mà không đi thì kì lắm”.
“Mình có nghe đọc được mấy thông tin trên báo, cũng thấy hoang mang lắm nhưng tụi mình là sinh viên, làm gì có nhiều tiền mà ăn sang nên nhắm mắt ăn cho vui cùng bạn bè. Ăn uống mà phải suy nghĩ chuyện tiền bạc thì nhức đầu lắm!”, Hoàng Quân (sinh viên trường Kinh tế quốc dân, Hà Nội) chia sẻ.
Một quán trà chanh nượm nượp khách
Biết là độc hại nhưng ...vui mà!
Còn có những người chê lên chê xuống, tự hỏi tại sao những món ăn này lại nổi tiếng trong giới trẻ như vậy, nhưng cũng là những người góp mặt không ít trong các quán xá vỉa hè. “Nghe bạn bè kháo nhau ghê quá nên mình tò mò đi ăn. Mà sao mình ăn mấy món như trà chanh, nem chua rán, phô mai que, chè khúc bạch… thấy bình thường mà sao mấy bạn làm quá vậy? Thật không thể hiểu nổi tại sao những món này lại nổi tiếng như vậy!”, Thanh Trúc (học sinh THPT trường Mạc Đĩnh Chi, Tp.HCM) lắc đầu.
Thế nhưng khi hỏi có định ăn lại những món “bình thường” kể trên không thì Trúc cười bẽn lẽn: “Chắc là có… Mấy món đó tuy không ngon đến mức phải nổi tiếng rầm rộ nhưng cũng đáng để ăn lại mà. Sài Gòn có mấy nơi để đi chơi đâu, loay quanh rồi cũng phải ăn thôi mà. Không ăn thì tụi nó lại bảo mình quê mùa, không nắm bắt xu hướng”.
“Ăn vì ham vui”, “ăn vì rẻ”, “ăn vì tò mò”… là những lý do chủ yếu trong vô vàn lý do để các bạn trẻ có thể thỏa thích chạy theo trào lưu. Chỉ cần một món ăn có yếu tố độc, lạ, một phong trào rộ lên thì coi như sẽ được lan truyền với tốc độ chóng mặt, và ít hôm sau sẽ thấy đông đảo bạn trẻ sẵn sàng đứng chờ để một lần được biết hoặc để theo kịp cái gọi là ...“phong trào của giới trẻ”.
Theo Mốt & Cuộc sống