Bạn đang ở đây

Nghề 'phù thủy' âm thanh

Dù phải thức thâu đêm bên dàn mix với những âm thanh sôi động, chát chúa, hay bị mang tiếng là nghề của những kẻ ăn chơi... nhưng DJ vẫn là nghề thu hút nhiều bạn trẻ. Thù lao mỗi giờ lên tới 250.000 - 300.000 đồng.

Gần 20h30, không khí quán cà phê Myfa (quận 10, TP HCM) được khuấy động bởi sự xuất hiện của DJ (Disc Jockey - người chỉnh nhạc) Phạm Minh Đăng. Tai đeo headphone, tay thoăn thoắt xoay đĩa, anh chỉnh các nút trên dàn Mix. Âm thanh sôi động vang lên, nhiều khách lắc lư theo điệu nhạc. "Nhìn khán giả đắm chìm, hòa theo từng giai điệu, tôi cảm thấy thật sảng khoái và càng yêu thích công việc của mình" - Đăng tâm sự khi kết thúc phần biểu diễn.

Công việc chính của DJ là phối nhạc, trộn giai điệu của các bài hát lại với nhau, tạo nên phong cách riêng, mang lại không gian sôi động cho các vũ trường, quán bar... Vì thế, DJ phải biết sử dụng nhiều kỹ thuật như phân nhịp, đảo nhịp, thả kim đĩa hát, chuyển đoạn, quay ngược đĩa hát... làm cho các bài hát được chuyển đổi một cách sáng tạo, độc đáo. Để làm được điều đó, đòi hỏi cả quá trình khổ luyện.

Khi mới chập chững vào nghề, thấy mọi người chơi nhạc, nên Đăng cũng tập theo, không có trường lớp đào tạo bài bản phải phần lớn phải tự quan sát, học hỏi. Những lúc rảnh rỗi, anh lại lên mạng tìm hiểu thêm. "Đối với nghề DJ, khó nhất là phải thuộc lòng từng nút công tắc, nút ấn tempo trên mỗi hiệu máy", Đăng chia sẻ.

DJ Hoàng Anh với công việc hằng ngày. Ảnh: Người Lao Động.

 

Vốn có ngoại hình ưa nhìn, gương mặt cá tính, nữ DJ Bi (tên thật là Nguyễn Thị Diễm Trinh) trở thành tâm điểm của quán cà phê Ozone (quận Phú Nhuận). Nghề này đến với Bi thật tình cờ. Ngay từ lần đầu theo bạn vào vũ trường giải trí, chị đã bị cuốn hút bởi những bản nhạc sôi động và luôn muốn tự tay mình thể hiện được giống như các DJ.

Tuy nhiên, theo Bi, vào nghề rồi mới biết mọi thứ không đơn giản. Ngoài lòng đam mê, có năng khiếu, DJ phải có kiến thức để xếp nhạc, bắt tempo, phối khí... Đặc biệt, phải sử dụng thành thạo các dàn Mix, các thiết bị điều chỉnh âm thanh.

Hiện nay, nhiều bạn trẻ xem DJ là một nghề để kiếm sống chứ không chỉ là thú vui. Do đó, giữa các DJ luôn có sự cạnh tranh và muốn phát triển, mỗi người phải biết tạo cho mình phong cách riêng thông qua cách hòa âm, phối khí... Ngoài ra, môi trường làm việc của các DJ thường là ở các quán bar, vũ trường hay phòng thu âm. Chính những nơi làm việc khá đặc biệt này mà DJ thường bị mang tiếng là nghề của những kẻ “ăn chơi”.

Từng đoạt giải nhất cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ DJ Việt Nam” và có 9 năm là DJ chuyên nghiệp kiêm sáng tác nhạc, hòa âm cho các ca sĩ nổi tiếng, Vũ Hoàng Anh - DJ vũ trường High Club (quận 1, TP HCM) chia sẻ, DJ là công việc vất vả phải thức thâu đêm nhưng bù lại, thu nhập từ công việc DJ giúp anh và gia đình có cuộc sống thoải mái.

Không chỉ với Hoàng Anh, hiện nay, các DJ đều có thu nhập khá ổn định. Theo DJ Phạm Minh Đăng, mỗi đêm anh thường chơi nhạc tại 3-4 quán bar với thù lao khoảng 250.000 - 300.000 đồng một giờ. Còn với DJ Bi, sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm và mối quen biết, chị chơi nhạc ở các quán bar và các câu lạc bộ với thu nhập hơn 10 triệu đồng một tháng.

Tuy nhiên Bi cũng chia sẻ: "Gần đây, có nhiều bạn nữ theo nghề DJ nhưng thường khó phát triển vì tuổi nghề của DJ nữ không cao. Đặc biệt, cảm thụ của các bạn nữ không bằng nam. Môi trường làm việc ồn ào và thức khuya nên không phải ai cũng đủ sức khỏe để theo nghề. Không những thế, công việc của DJ rất nhạy cảm, dễ ảnh hưởng đến các mối quan hệ khác, nhất là gia đình".

 

Theo Người Lao động

people like INLOOK.VN fanpage