Bạn đang ở đây

Phát hoảng vì những thủ đoạn lừa tiền ngày càng "tinh vi"

Nạn nhân bị lừa tiền không thể ngờ, cô gái có ngoại hình xinh xắn, dễ thương đang mếu máo vì chuyển nhầm tiền ở cây ATM lại là một chuyên gia lừa đảo.

Từ "mỹ nhân kế" đến "khổ nhục kế" lừa đổi tiền giả ở cây ATM

Nạn nhân bị người đẹp lừa đổi tiền giả là anh Phan Hồng Nam. Anh kể lại, ngày 25/5, anh đến cây ATM của một ngân hàng trên đường Trần Quang Khải (Hà Nội) để rút tiền. Lúc đó, bên trong có khoảng 3-4 người 

Khi anh đang chuẩn bị lấy thẻ để rút tiền thì có một cô gái tầm 22-23 tuổi, xinh xắn, ăn mặc lịch sự giống nhân viên văn phòng, hỏi chuyện. Sau khi chào, cô gái hỏi anh Nam rút bao nhiêu tiền thì anh trả lời rút 7 triệu.

Cô gái mừng rỡ bảo mình cũng vừa mới rút lương, nhưng lỡ tay ấn nhầm nên rút hơi nhiều. Cô sắp phải gửi tiền cho khách ở trong Nam, mà hôm nay cuối tuần nên các ngân hàng đều nghỉ, cô không thể gửi tiền vào ngân hàng được, nên muốn gửi anh Nam 7 triệu tiền mặt. Sau đó, anh sẽ chuyển khoản số tiền đó cho cô. 

Phát hoảng vì những thủ đoạn lừa tiền ngày càng "tinh vi" 1


Nhiều "nữ quái" lợi dụng ngoại hình xinh đẹp để lừa đổi tiền giả ở cây ATM. Ảnh minh họa.

Vừa nói cô gái vừa nũng nịu, với một khuôn mặt rất dễ thương. Lưỡng lự một lúc, anh Nam liền đồng ý. Cô gái liền rút ví ra một đống tiền và bắt đầu đếm để đưa cho anh chàng tốt bụng. Ban đầu là 5 tờ 500.000 đồng, anh Nam cầm lấy, kiểm tra kĩ và đều là tiền thật. Sau đó, cô gái đếm và đưa tiếp một xấp tiền 200.000, 100.000, 50.000 đồng (trong đó 50 và 100 là chủ yếu).

Bởi số lượng tiền lẻ lớn, lại nhận tiền liên tục và là chỗ công cộng nên anh Nam bắt đầu rối trí. Anh chỉ có thể đếm xem số lượng tiền đưa có đủ không mà thôi Khi đếm đủ 7 triệu rồi, anh liền chuyển khoản đủ số tiền vào tài khoản cô gái yêu cầu. Xong xuôi, cô gái xinh xắn còn đưa anh Nam thêm 50 nghìn đồng bảo đó là phí chuyển khoản, rồi nhanh chóng biến mất.

Về đến nhà, anh Nam mới có thời gian đếm lại số tiền và phát hoảng khi thấy trong số tờ 200, 100, 50 nghìn đồng có rất nhiều tiền giả được nhét xen kẽ với tiền thật, và số tiền giả lên đến 2 triệu 800 ngàn đồng.

 

Một thủ đoạn khác của những kẻ lừa đảo là ra vẻ gia đình, người nhà đang có chuyện để đánh vào lòng trắc ẩn, khiến nạn nhân mất cảnh giác. 

Vào cuối năm 2012, chị Hoàng Ngọc Linh, công tác tại Học viên Y dược cổ truyền vừa rút tiền xong tại cây ATM trên đường Khuất Duy Tiến, Hà Nội, đang định lên xe về thì có hai người lái xe Wave - một nam, một nữ - đi tới. Người đàn ông nói giọng gấp gáp: “May quá, gặp chị, chị có dùng thẻ Agribank không, chuyển giúp em hai triệu cho người thân ở quê. Nhà đang có việc gấp mà bây giờ ngân hàng đóng cửa hết rồi. Chị làm ơn, em sẽ đưa tiền mặt cho chị”.

Thấy hai người này ăn mặc tử tể, chị Linh nghĩ mình cũng chẳng mất gì mà người ta lại đang cần gấp nên đồng ý chuyển giúp. Chuyển khoản xong, người phụ nữ ngồi sau xe vui vẻ lấy ví đưa trả chị Linh 10 tờ 200.000 đồng. Đếm đủ tiền, chị Linh yên tâm lên xe ra về. Nhưng vừa về đến nhà, linh tính mách bảo, chị Linh mang số tiền đó ra xem lại thì phát hiện chỉ có 5 tớ 200.000 đồng là thật, 5 tờ còn lại là tiền âm phủ mệnh giá 200.000 đồng.

“Lúc đó tôi đã đếm đủ rất cẩn thận, không hiểu sao lại không phát hiện ra 5 tờ tiền giả kia. Nhìn mặt họ rất đáng tin, ai ngờ mình bị lừa mất cả triệu đồng”, chị Linh nhớ lại.

Phát hoảng vì những thủ đoạn lừa tiền ngày càng "tinh vi" 2


Nhiều người gặp lừa đảo khi đi rút tiền tại ATM. Ảnh minh họa.

Cũng bị lừa khi đi rút tiền tại cây ATM, anh Nguyễn Đức Thuận, đang làm việc tại một công ty nước ngoài trên đường Duy Tân, Cầu Giấy cho hay mình bị mất oan gần 500.000 đồng chỉ vì đổi giúp tiền lẻ.

“Hôm đó, lúc nhá nhem tối, tôi ra cây ATM trên đường Cầu Giấy rút tiền, vừa rút được 1,5 triệu đồng tiền 500.000 đồng, 200.000 đồng, 100.000 đồng đủ cả thì có một phụ nữ ăn mặc tử tế, trông đàng hoàng lắm đứng đó bảo đổi giúp 1 triệu đồng lấy tiền lẻ có chút việc. Tôi hơi ngần ngừ nhưng sau đó cũng đổi giúp. Không hiểu trong lúc đổi, người phụ nữ kia nói những gì mà tôi vui vẻ cất 2 tờ 500.000 bà đó đưa vào ví không kiểm tra lại. Về tới nhà mới biết chỉ có 1 tờ 500.000 đồng là tiền thật còn lại là 1 tờ tiền giả”, anh Thuận nhớ lại.

Còn trường hợp của một thành viên trên diễn đàn lamchame là kẻ lừa đảo đóng vai người tốt. Nickname huong177 cho biết: “Em đi rút tiền ở ATM, lúc đó nhá nhem tối, em rút 10 triệu đồng, nhưng toàn ra tờ 100.000 đồng với 200.000 đồng. Trong lúc luống cuống không biết làm thế nào để nhét vào ví thì có một người phụ nữ nhanh nhẹn chạy ra bảo chị vừa rút tiền đây, đổi tạm cho em 2 triệu tiền 500.000 nhé, nhìn chị ta lịch sự, em cũng không mảy may nghi ngờ nên đếm 20 tờ 100.000 đồng và nhận lấy tiền của chị ta về thầm nhủ trên đời có người vừa xinh vừa tốt. Nhưng về nhà mang tiền ra đưa mẹ tiền Tết thì ngớ người ra, trong chỗ 2 triệu đó có 1 tờ 20.000 đồng, chị ta nhân lúc trời nhá nhem tối để tráo tờ 20.000 đồng mà e không hề biết. Tờ tiền 20.000 đồng khéo léo kẹp giữa 3 tờ 500.000 đồng”.

 

Nhiều thủ đoạn "tinh vi" lừa tiền người sử dụng di động

Tháng 4 vừa qua, một số người phản ánh về tình trạng lừa tiền bằng cách "nạp lộn" tài khoản điện thoại. Một trong số các nạn nhân, chị Ngọc Trai, cho biết có nhận được tin nhắn từ tổng đài thông báo có 300.000 đồng nạp vào tài khoản, nâng số tiền từ tài khoản chính hơn 160.000 đồng lên thành 460.000 đồng.

Chỉ vài giây sau, có một số điện thoại từ Hà Nội gọi đến nói vừa nạp lộn tiền vào tài khoản của chị và yêu cầu chuyển lại số tiền đó cho một số điện thoại khác. Lát sau, một số điện thoại gọi đến liên tục và gửi tin nhắn hướng dẫn cách chuyển lại số tiền bị nhầm thông qua tổng đài. Chị kiểm tra trên mạng thì thấy nhà mạng có dịch vụ này, nên đăng ký và chuyển thử 50.000 đồng (giới hạn của 1 lần chuyển).

Phát hoảng vì những thủ đoạn lừa tiền ngày càng "tinh vi" 3

Người dùng di động chịu không ít thiệt hại bởi các chiêu lừa đảo. Ảnh minh họa.

Hôm sau, vẫn giờ làm việc, người đó liên tục gọi điện cho chị Ngọc Trai, rồi gửi liền mấy tin nhắn trình bày hoàn cảnh: chỉ là người bán sim điện thoại, đang nuôi con nhỏ thiếu sữa...

Chị gửi lại tin nhắn yêu cầu không quấy rối nữa và sẽ chuyển trả lại thêm 250.000 đồng. Tối đó, về kiểm tra tài khoản còn hơn 410.000 đồng, chị gửi tổng đài liền 5 tin nhắn nhưng chỉ được chấp nhận 1- chuyển đi 50.000 đồng, vì mỗi tin nhắn chỉ được chấp nhận sau 2 phút.

Kiểm tra tài khoản, thấy vẫn còn hơn 360.000 đồng, nên tối về chị Ngọc Trai chuyển trả hết số tiền 200.000 đồng còn lại.

Nhưng sau khi tin nhắn thứ nhất chuyển đi, chị kiểm tra tài khoản thì chỉ còn hơn 9.000 đồng nên lập tức gọi tổng đài thì được biết số hay gọi đến cho chị là đại lý. Họ đã gọi điện đến tổng đài rút lại số tiền 300.000 đồng chuyển lộn. Như vậy, chị Ngọc Trai đã bị lấy đi 450.000 đồng trong tài khoản. Và chỉ vì 3 tin nhắn trả lại tiền, chị đã mất 150.000 đồng. 

Tổng đài không rút lại tiền chị Ngọc Trai chuyển cho thuê bao qua dịch vụ được vì chị chuyển là tự nguyện, chỉ có thể thỏa hiệp với số thuê bao đó yêu cầu chuyển lại. Tuy nhiên, khi chị gọi điện và nhắn tin đến hai số điện thoại, thì đều không có trả lời.

Vào cuối năm 2012, những kẻ lừa đảo thường sử dụng các đầu số lạ từ nước ngoài có mã như: +881xxxxxx, +882xxxxxx (điển hình là 881945110601, 881935211504, 88213090879,….) thực hiện các cuộc gọi nháy máy để mồi, tạo nên những cuộc gọi lỡ đến điện thoại người dùng. Nếu gọi lại, bạn sẽ bị trừ cước rất lớn, có thể lên tới 150.000 đồng/phút. Những đầu số này rất dễ nhận ra, nên chỉ sau một thời gian ngắn, đa phần người dùng điện thoại đều đã biết và không gọi lại nữa.

Phát hoảng vì những thủ đoạn lừa tiền ngày càng "tinh vi" 4


Số lạ từ nước ngoài gọi nhỡ.

Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau đó, chiêu “nháy máy” đã quay trở lại với phương thức tinh vi hơn nhiều. Cụ thể là số máy được dùng để “mồi” giờ đây giống hệt một thuê bao bình thường, khiến cho việc phân biệt trở nên bất khả thi. Rất nhiều người đã dính phải chiếc bẫy hoàn hảo này và mất ngay vài chục ngàn vì gọi lại.

Anh Doãn, một nạn nhân từng dính bẫy chia sẻ: “Mình mở máy ra thấy có cuộc gọi nhỡ từ số máy 0904870726, tưởng là ai đó cần liên lạc nên gọi lại thì nhận được trả lời tự động kiểu em nào đó nhớ mình, mời gọi vào số… Biết là đã bị lừa nên mình dập máy và làm việc tiếp, một lúc sau kiểm tra tài khoản thì đã mất khoảng 15.000 đồng cho cuộc gọi dài 30 giây đó”.

Phát hoảng vì những thủ đoạn lừa tiền ngày càng "tinh vi" 5

 

Nhật ký gọi của anh Doãn.

Hiện tại, vẫn chưa có cách nào nhận biết được đâu là số điện thoại lừa đảo, đâu là số thường, do đó mọi người nên cẩn thận trước số lạ gọi lỡ. Nhắn tin hỏi rõ trước khi gọi lại là phương pháp hiệu quả nhất để tránh bị mất tiền oan.

Cuối tháng 2-2013, Trung tâm an ninh mạng Bkav cho biết, theo thống kê từ hệ thống giám sát chặn cuộc gọi không mong muốn của Bkav, chỉ trong 3 ngày liên tiếp, đã có 855.000 cuộc gọi nhỡ lừa đảo được thực hiện tới các thuê bao di động tại Việt Nam. Đây là một con số nhiều “kinh khủng”. Nếu tính thời gian lâu hơn nữa thì không biết con số còn lớn đến mức nào.

 

Rõ ràng, tình trạng lừa đảo tiền tại cây ATM hay qua điện thoại ngày càng trở nên phức tạp, với nhiều chiêu trò tinh vi hơn nhằm gài bẫy người dùng. Kẻ xấu thường cố tình ngụy tạo đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đáng thương, cần giúp đỡ để khơi gợi lòng trắc ẩn của mọi người. Sau đó, chúng sẽ sử dụng những thủ thuật tâm lý khiến nạn nhân bị đánh lạc hướng và sập bẫy. Chính vì thế, mỗi một người nên tự nâng cao tinh thần cảnh giác để những kẻ lừa đảo không có cơ hội ra tay.

 

 

Theo Tri Thức Trẻ

people like INLOOK.VN fanpage