Bạn đang ở đây

Rợn người tục mẹ chết con phải chôn theo

Chuyện rùng rợn ấy tưởng như đã chìm vào dĩ vãng xa xôi bỗng dưng tái hiện. Chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, thân nhân những phụ nữ xấu số thường tính chuyện chôn luôn theo mẹ đứa bé vừa cất tiếng khóc chào đời.
Theo trung úy Trương Vĩnh Lê, người Mày ở Kai còn nhiều hủ tục mà mới nghe chẳng ai dám tin là đang tồn tại ở thời đại văn minh này. Mẹ chết thì chôn theo con cũng chỉ là một trong những hủ tục kinh hoàng ấy. Giúp người dân xóa bỏ những hủ tục đã bám rễ, ăn sâu từ ngàn đời nay là nhiệm vụ không phải một sớm một chiều có thể giải quyết triệt để. Bởi thế, ngoài nhiệm vụ trấn ải thì việc giúp người dân loại bỏ dần những luật tục không còn phù hợp cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng và vô cùng khó nhọc với những người lính mang quân hàm xanh nơi biên viễn xa xôi này.
 
Một mình ra lều ngoài rừng vượt cạn
 
Trời mua tầm tã đã mấy ngày nên đường vào bản K’ai lầy lội nhão nhoét. Những ngôi nhà gỗ đen nhẻm xiêu vẹo của người Mày dưới trời thâm u, ủ dột càng khiến chiều rừng thêm phần buồn bã.

Nhà sàn của Hồ Thị Lê, người đang nuôi bé suýt bị chôn theo mẹ Hồ Dưỡng ở giữa bản. Nhà không có cửa, gió lùa thông thốc. Trước khi vào đây, đồn biên phòng gần đó cho chúng tôi biết rằng, dân làng đang bị bệnh dịch … ghẻ hoàn hành. Phải gọi là dịch bởi vì ở đây nhiều người bị, nhất là trẻ con. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt theo kiểu cộng đồng khiến bệnh tình lây lan rất nhanh, cứ một người bị thì cả bản sẽ bị lây chỉ sau đó vài ngày.
 
Ngồi một lúc thì Hồ Thị Lê về, địu sau lưng là bé Hồ Dưỡng. Nó nằm nghẹo cổ, liu diu ngủ. Hồ Dưỡng cũng bị ghẻ, mẹ nuôi của nó cũng bị ghẻ. Nhìn ruồi bu theo những cái nhún vai gầy gò của Lê chúng tôi đoán biết điều này. Đúng thế thật. Những nốt ghẻ đã bu kín người thằng bé tội nghiệp. Thằng bé không mặc quần, chân tay nhăn nhúm, bủng beo. Nó bị suy dinh dưỡng nặng. Ở đây trẻ con có mẹ cũng thế huống chi nó mất mẹ từ khi mới lọt lòng.
 
Lê là mẹ nuôi của Hồ Dưỡng và cũng là chị ruột của thằng bé này. Mẹ mất, chị phải nuôi em, chuyện đó là lẽ đương nhiên với người ở nơi khác. Tuy nhiên, ở vùng đất ngó lên núi, ngó xuống thấy rừng này thì không thế và không ai được phép làm thế. Lê chấp nhận nuôi em là một kì tích, là chuyện không thể tưởng tượng ở đây. Có được việc làm tưởng như đương nhiên này có công rất lớn của bộ đội biên phòng, bởi nếu không có họ thì giờ này, Hồ Dưỡng đã chẳng còn sống trên cõi đời nữa.
 
Ông Hồ Tùng, trưởng bản K’ai kể về chuyện hãi hùng xảy ra ở nhà chị Hồ Thị Lon (sinh năm 1971, mẹ của Hồ Thị Lê và Hồ Dưỡng) gần một năm về trước. Hôm ấy, trời cũng nặng trĩu như hôm nay. Chị Lon thấy đau bụng quằn quại. Nghĩ đứa con trong bụng đã cựa mình đòi ra, chị dọn đồ chuẩn bị ra chòi để đẻ. Người Mày với người Khùa ở đây đều có “thói quen” lạ lùng này. 
 
Theo phong tục từ lâu đời thì viêc để phụ nữ đẻ ở trong nhà đều là điều cấm kỵ. Mọi người quan niệm, khi sinh nở, người phụ nữ không được sạch sẽ bởi thế, nếu ở trong nhà, ma nhà nó sợ, nó bỏ đi thì người trong nhà sẽ gặp phải chuyện chẳng lành hay chí ít là ốm đau bệnh tật. Bởi thế, cứ khi thấy cái bụng xuống thấp, người phụ nữ sẽ phải chuẩn bị hành lý để “dạt vòm”.

Họ chuyển ra ở hẳn chiếc chòi mà bất cứ gia đình nào khi có người chuẩn bị sinh nở cũng đều phải làm sẵn để chờ. Ra đó, nếu ông chồng nào tâm lý thì còn lại qua giúp vợ, không thì chị em cứ vượt cạn một mình. Cơm nước tự lo, tự ăn tự ngủ, tự chăm sóc con khi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời. Sau khi sinh được một tuần, người chồng mới dọn dẹp nhà cửa, làm lễ báo cáo với ma mút (ma nhà) và đón vợ con vào.
 
 
Cái chòi hay còn gọi là “Nhà ở tháng” được dựng cho những người phụ nữ sắp sinh.
 
Đây là lầ thứ năm chị Lon phải ra ở chòi. Những lần sinh trước, mấy ngày cữ, chị Lon cứ ở biệt trong chòi, không cho bất cứ ai thấy mặt. Người trong nhà cũng chẳng dám lai vãng lại qua. Mọi người biết sự tồn tại của chị qua những tiếng động sột soạt, rồi nhận biết sự xuất hiện của một sinh linh qua tiếng khóc khi thì khọt khẹt, khi thì oe oe chói tai trong đêm thanh vắng. Lần sinh này cũng vậy. Tuy nhiên, đã hơn một giờ trôi qua mà đứa bé vẫn khóc, giọng lạc đi. Sao lần này nó khóc nhiều thế nhỉ, mẹ nó đâu, hay mẹ nó có chuyện gì? 
 
Những câu hỏi ấy khiến những người trong nhà nằm nghe và ruột gan như lửa đốt. Chắc chắn mẹ nó bị sao rồi, nghĩ vậy, anh Hồ Hoàng không thể nằm yên được nữa, vùng dậy cầm đèn chạy bổ ra chòi. Lật tấm bạt chắn ở cửa chòi lên, anh rụng rời chân tay khi thấy vợ mình nằm bất động, toàn thân lạnh ngắt vì băng huyết sau sinh. Lay mấy lần nhưng vợ vẫn nằm im, biết có chuyện chẳng lành, anh hô hoán mọi người đến giúp. Thế nhưng, việc đó cũng chẳng ích gì bởi chị Lon đã không thở nữa.
 
Cả bản chực kết liễu mạng sống của đứa trẻ vừa mới lọt lòng
 
Người Mày sợ ma hơn sợ cọp. Họ tin rằng “con ma” hiện hữu trên cõi đời này. Bởi thế từ xưa, khi giữa hoang vu, bốn bề chỉ có rừng xanh ngắt cùng đá núi thâm u, bất cứ người phụ nữ dân tộc Mày nào không may lìa đời lúc sinh nở thì y rằng, đứa con còn đỏ hỏn vừa nhìn thấy ánh sáng mặt trời đó cũng phải chôn theo mẹ. 
 
Theo quan niệm của người Mày ở xã Dân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), đứa bé mới chào đời thuộc về người mẹ. Bởi thế, trước sau gì thì người mẹ đã chết ấy cũng về bắt đứa bé đi. Ai cố nuôi đứa bé cũng bị hồn ma người mẹ phạt vạ, đặc biệt là người đàn bà nào dám cả gan cho đứa bé bú mớm. Do thế, ngay khi chị Lon chết, dù đau đớn, dù tiếc thương, nhưng gia đình anh Hồ Hoàng cũng nghĩ ngay đến việc… kết liễu cuộc đời đứa con máu mủ của mình.
 
Thấy dân bản ra ngoài mua thừng, bộ đội biên phòng cắm bản ở ngay đầu bản đã với theo hỏi. Nghe chuyện người ta đi mua thừng về để cột đứa bé theo mẹ, ngay lập tức các anh có mặt tại nhà chị Lon. Trung úy Trương Vĩnh Lê - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cha Lo kể, vận động người dân bước qua hủ tục kinh hoàng trên là việc khó hơn bạt núi ngăn sông. Ai cũng ngoảnh mặt, ai cũng lắc đầu, ai cũng khăng khăng bảo: “Không giữ đứa bé được đâu, con ma nó không nghe đâu! Nếu cố giữ thì nó về nó bắt cả bản đấy”. 
 
Là người từng lăn lộn khắp các bản làng ở nơi biên giới hoang vu này, trung úy Lê từng đối diện với nhiều tình huống khó nhưng bằng cái tâm của người lính sống hết mình với đồng bào, anh cũng đã vượt qua và chiến thắng. Thế nhưng, trước tình huống hiếm gặp này, anh thực sự bối rối, không biết xử lý làm sao. Khuyên giải, vận động chán chê mà mọi người vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Sau cùng, anh và anh em trong đội, có cả đại diện chỉ huy đồn phải cam kết như một lời “thề độc” là sẽ đứng ra chăm lo cuộc sống cho đứa bé và chịu mọi trách nhiệm nếu “con ma” bắt vạ. 
 
Nghe “những người anh em” của mình nói những lời tâm can và chắc như đinh đóng cột đó, hết cách chối từ, dân làng mới buộc lòng ưng thuận. Vậy là đứa bé thoát khỏi án tử. Cũng chính từ sự gợi ý của bộ đội biên phòng, bởi đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ nên chị ruột của đứa bé là Hồ Thị Lê sẽ thay mẹ nuôi em.
 
Đứa bé được đặt tên là Hồ Dưỡng. Tên ấy cũng được bộ đội biên phòng đặt cho. Không có công sinh nhưng bộ đội và dân làng có công dưỡng dục. Cái tên mang ý nghĩ là như vậy. Theo trung úy Trương Vĩnh Lê, thì bây giờ, cứ đều đặn hằng tháng, đoàn thanh niên của đồn đều trích một số tiền nhỏ để giúp Lê mua đường sữa cho Hồ Dưỡng.
 
Hủ tục ngày xưa manh nha sống dậy
 
Mẹ chết khi sinh nở thì phải chôn theo con, đó là hủ tục từ ngàn xưa để lại. Chính thế, ở bản Kai này, thằng bé Hồ Dưỡng cũng không phải là trường hợp đầu tiên thoát khỏi “án tử” khi đã bước một chân lên chuyến tàu về bên kia thế giới.

Theo sự giới thiệu của bộ đội biên phòng, chúng tôi tìm đến bản Bãi Dinh để tìm gặp chị Hồ Thị Phúc - người cũng may mắn được cứu sống khi vừa lọt lòng mẹ. Chị Phúc cũng là người Mày, được sinh ra ở bản Kai. Nhắc tới nơi mình cất tiếng khóc chào đời đó, tuy chẳng có chút hoài niệm nào nhưng chị cũng thấy rùng mình sợ hãi. Nếu không có sự cưu mang, cứu giúp của bố mẹ nuôi cùng sự quyết liệt của bộ đội biên phòng thì chắc chắn chị đã theo mẹ về đất mất rồi.
 
Bà Hồ Thị Xa - mẹ nuôi của chị Phúc kể, vợ chồng bà lấy nhau đã lâu mà trời không thương, chẳng cho lấy mụn con để cửa nhà bớt phần quạnh quẽ. Bởi thế năm ấy, khi nghe người ta kháo nhau ở bản Kai người ta đang làm lễ chôn sống một đứa bé do mẹ nó bị “ma bắt” khi sinh nở, bà đã tức tốc đến ngay. Người ta mong có con không được, đằng này… Nghĩ thế, bà gạt đám đông, gặp già làng dập đầu sống chết xin đứa bé về. “Khóc xin hết nước mắt, người ta mới cho đấy! Thực ra, nhìn đứa bé mắt trong veo ngơ ngác, chẳng ai nỡ giết nó nhưng luật tục là thế, không khác được nên mới khó!”, bà Xa hồi tưởng.
 
Thoát khỏi hủ tục, chị Phúc được cha mẹ nuôi chăm chút hệt như con đẻ của mình. Năm tháng trôi qua, từ đứa trẻ đỏ hỏn, quặt quẹo, chị Phúc đã thành thiếu nữ và đã lấy chồng, sinh con đẻ cái. Chuyện trò với chúng tôi, chị bảo, chị chẳng thể ngờ chuyện đau đớn từng xảy ra với mình giờ vẫn còn dai dẳng tồn tại. Và, cứ mỗi lần nghe đâu đó tái diễn hủ tục kinh hoàng này, chị lại thêm một lần rùng mình kinh hãi.

Theo Gia đình và Cuộc sống

people like INLOOK.VN fanpage