Bạn đang ở đây

Thi tốt nghiệp GDCD và Thể dục, tại sao không?

Các bậc phụ huynh và học sinh vẫn xem nhẹ môn Giáo dục công dân và Thể dục...

Chiều thứ 7 ngày 23/3, cộng đồng mạng xôn xao trước một trang web có nội dung về việc Bộ GD – ĐT đã công bố 6 môn thi tốt nghiệp dành cho khối THPT ngoài 3 môn chính là Văn – Toán – Anh thì 3 môn còn lại là: Thể dục, giáo dục công dân (GDCD) và công nghệ.

Thi tốt nghiệp GDCD và Thể dục, tại sao không?

Bạo lực trong học đường là do thiếu nhận thức về hành vi và đạo đức (Ảnh minh họa)


Thông tin được phát tán nhanh chóng vì giao diện của trang tin này thuộc về 1 tờ báo mạng có uy tín. Các bậc phụ huynh và sĩ tử vô cùng hoang mang và bức xúc khi 3 môn “được xem là phụ” lại xuất hiện trong một kì thi quan trọng.

Tin công bố giả trên giao diện một tờ báo uy tín Việt Nam

Nhiều trang tin và diễn đàn phát tán tin này

Ngay lập tức, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lập tức lên báo chí để bác bỏ tin đồn này. Việc bức xúc và hoang mang như thế chứng tỏ rõ ràng rằng rất nhiều người coi thường môn Đạo đức (GDCD) và không luyện tập thể thao. Từ đó đã gây ra nhiều tranh cãi xoay quanh việc tại sao không thi tốt nghiệp môn Giáo dục công dân và Thể dục dù nó đóng vai trò rất quan trọng.

“Riêng mình thì mình rất ủng hộ việc đưa môn GDCD và Thể dục vào thi tốt nghiệp, đặc biệt là môn GDCD. Đáng lẽ ra 2 môn này phải là môn chính bắt buộc trong kỳ thi từ lâu rồi. Vì ở hầu hết các nước khác, môn Đạo Đức hay Thể dục được xem như là môn quan trọng bắt buộc chứ không như ở Việt Nam, môn này bị khinh rẻ, coi thường vô cùng. Và tình trạng tội phạm vị thành niên có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây xuất phát từ chính nguyên nhân này”, Trần Phúc Bảo (sinh viên trường Đại học Sư Phạm, Tp.HCM) bày tỏ quan điểm.

“Tôi đồng ý với việc tăng cường dạy học môn GDCD. Nền giáo dục không chỉ cung cấp khoa học cơ bản mà điều cốt lõi, quan trọng nhất là Giáo Dục con người”, ý kiến của anh Nguyễn Văn Huy (trưởng phòng Nhân sự công ty U.L, Hà Nội).

Thể dục rất quan trọng đối với sức khỏe con người (Ảnh minh họa)

“Tôi thì lại mong sẽ có môn Thể dục, để cả học sinh lẫn giáo viên ở Việt Nam hiểu đuợc tầm quan trọng của môn này. Nước ngoài người ta rất coi trọng việc rèn luyện sức khỏe, người nào mà không tập thể thao sẽ bị bạn bè coi thường và chọc ghẹo. Còn ở Việt Nam, nhiều em chỉ học trên lớp thôi mà đã ngất lên ngất xuống, thử hỏi khi cần xây dựng đất nước hay làm công việc tay chân thì phải làm thế nào?”, Huỳnh Minh Thảo (du học sinh trường Đại học Wesley, Ohio, Hoa Kỳ) cho biết.

Thể chất và Đạo đức là 2 trong 4 mục tiêu giáo dục con người toàn diện của xã hội ta hiện nay (đức – trí - thể - mỹ) và là những bộ môn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục nhân cách con người. Giáo dục thể chất (Thể dục) góp phần bảo vệ và tăng cường sức khoẻ, tăng cao sức chịu đựng và đề kháng với bệnh tật, đồng thời phần nào còn giảm tải những áp lực, làm cho các em học sinh năng động, hưng phấn trong học tập. Ngoài ra, Giáo dục thể chất còn góp phần hình thành nhân cách học sinh thông qua sự kỉ luật cao, tinh thần và trách nhiệm trước tập thể, tác phong nhanh nhẹn, sự cố gắng…

Đừng để khi về già mới thấy hối tiếc vì không rèn luyện thể chất (Ảnh minh họa)

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Minh Anh (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Tp.HCM) cho rằng: “Môn thể dục thực ra là phương tiện để phát triển các tố chất như sức mạnh, độ bền, độ linh hoạt, dẻo dai, tính chính xác, sự nhanh nhạy, sự cân bằng, sự khéo léo, cảm xúc tích cực… của HS-SV. Chính các tố chất này mới làm nên sức khỏe và giúp làm việc hiệu quả”.

Còn môn Đạo đức (GDCD) hướng nhân cách con người đến sự tốt đẹp, nuôi dưỡng những tính tốt và loại bỏ những mặt xấu trong chính bản thân, không chỉ thế, việc truyền tải các kiến thức về xã hội từ nhỏ giúp các em nhìn nhận vấn đề theo đúng hướng, xử lý tình huống tốt hơn, hình thành thói quen và tạo nên nhân cách, góp phần xây dựng xã hội, đất nước.

Nhìn lại những tiêu cực trong hành vi của các em học sinh, việc bạo lực học đường dần trở nên quen thuộc với truyền thông, gian dối trong thi cử cũng không còn xa lạ, hay thậm chí, những vụ giết người bởi những tội phạm dưới 18 tuổi có dấu hiệu tăng cao.

Những vụ bạo lực học đường giờ đã "nhan nhản" trên mặt báo (Ảnh minh họa)

Ngọn nguồn dẫn đến các hành vi xấu đều xuất phát từ nhận thức lệch lạc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ. Chính nhân cách là yếu tố tác động đến hành vi, thái độ của con người. Nếu nhận thức không đúng đắn, phẩm chất đạo đức kém thì hành vi, thái độ không dễ kiềm chế, kiểm soát khiến gây ra những hậu quả đáng thương tâm cho bản thân và những người xung quanh.

Hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh là cách tốt nhất để đẩy lùi những hành động xấu ngày càng gia tăng và diễn biết hết sức phức tạp như hiện nay. Để làm được điều này cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội.

Thế nhưng, hiện nay, phần lớn các học sinh, phụ huynh học sinh và thậm chí ngay cả một số giáo viên vẫn chưa nhận thức rõ được tầm quan trọng của 2 môn học này. Họ coi chúng trong trường học chỉ là môn “phụ” nên việc giáo dục nhân cách thường không phát huy hết hiệu quả.

Thậm chí tại một số trường THPT, 2 môn này còn bị xem nhẹ tới mức có cũng được mà không cũng được. Một số nơi còn bớt giờ môn GDCD và Thể dục của lớp 12 để dành thời gian cho học sinh ôn thi “tốt nghiệp” và thi “đại học”.

Cần thiết kế buổi học sôi động khiến học sinh hào hứng tiếp thu kiến thức (Ảnh minh họa)

Có sự kiện này mới thấy cả phụ huynh và học sinh rất "coi thường" việc luyện tập thể chất và giáo dục tinh thần... Từ đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, thi tốt nghiệp môn GDCD và Thể Dục, sao lại không?

Theo NCĐT

people like INLOOK.VN fanpage