Bạn đang ở đây

Về lại ấp 5 năm có 100 trẻ em chết ở Bình Phước

“Ấp không chồng” hay ấp “góa phụ” là cái tên mà mọi người đặt cho ấp Sở Líp (xã Phước An, H.Hớn Quản, Bình Phước). Trong vài năm, ấp này có đến 100 trẻ em tử vong vì sốt xuất huyết và hàng chục đàn ông chết vì ung thư.

Trẻ con, đàn ông... đồng loạt chết

Chúng tôi đến ấp Sở Líp trong một ngày đầu tháng 8/2013. Trời bắt đầu mưa, con đường đất đỏ càng khó đi hơn. Vật lộn với bùn đất chừng hơn 30 phút, chúng tôi mới đến nơi. Ấp Sở Líp diện tích rất rộng nhưng chỉ có 120 hộ dân - chủ yếu là người miền Bắc vào lập nghiệp từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Người dân chủ yếu mưu sinh bằng nghề nương rẫy và làm công nhân cạo mủ cao su.

Đường vào “ấp không chồng” sâu hun hút, lầy lội

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, ấp phó Sở Líp, cho biết những năm 70 của thế kỷ trước, người dân từ ngoài Bắc ồ ạt vào lập nghiệp. Lúc đó, nơi đây là rừng cao su bạt ngàn và sâu thẳm - mảnh đất bị cày xới, tàn phá dữ dội bởi bom đạn chiến tranh.

Những tưởng cuộc sống được yên ấm, nhưng bất ngờ từ năm 1981, tai họa ập xuống cái làng nhỏ bé này. Cái chết đầu tiên là những em bé. Từ năm 1981 - 1985, cứ 3 đến 4 ngày lại có một đứa trẻ qua đời. Kinh hoàng hơn, có những gia đình trong một tháng có đến 3 đứa con chết. “Thần chết” cứ liên tục gọi những sinh linh bé bỏng khiến cuộc sống trong ấp trở nên u ám và ảm đạm.

Mỗi lần có một cháu bé qua đời, mọi người thường để ở đầu ấp rồi xin ván gỗ cao su nông trường về đóng quan tài, sau đó đưa đi chôn cất ngay. Vì chuyện xảy ra thường xuyên nên người dân cũng không làm lễ cúng tế, mà chỉ chôn cất là xong. Gần 5 năm ròng, người dân trong ấp sống trong nỗi tang thương.

Ông Sơn lý giải: “Không phải như mọi người đồn thổi là "vùng đất bị ma ám", mà do nơi đây rừng cao su bạt ngàn và heo hút, thời tiết khắc nghiệt, đời sống khó khăn nên bệnh tật ngày một nhiều, nhất là đối với trẻ con. Chỉ trong vòng 5 năm, tại đây có hơn 100 đứa trẻ qua đời do mắc bệnh sốt xuất huyết”.

Bà Lê Thị Hòa sống cô độc nuôi con gần 30 năm.

Vài năm sau căn bệnh này giảm dần, người dân bớt lo lắng. Tuy nhiên, bất ngờ đến năm 1990 tai họa khác lại ập đến: Những người đàn ông ở độ tuổi 25 - 40 lần lượt qua đời. Chị Nguyễn Thị Huyền (47 tuổi), một người có chồng chết, kể: “Tôi vẫn nhớ rõ những năm tháng kinh hoàng ấy, một tháng có tới 4 - 5 đàn ông qua đời. Những cái chết thường rất đột ngột, với nhiều lý do như tai biến mạch máu não, thận hư, nhiều nhất là bệnh ung thư. Họ mất khi tuổi đời còn rất trẻ. Chồng tôi mất năm 1990, lúc mới 34 tuổi do bị sỏi thận. Vì gia cảnh cảnh nghèo khó, chỉ biết làm lụng kiếm ăn, đến khi phát bệnh thì đã muộn”.

Chị Huyền cho biết, những năm đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, hơn nửa dân số sống xa trạm y tế, trong khi đó cả ấp chỉ có 3 chiếc xe đạp, nên việc khám chữa bệnh rất hạn chế. Đến khi biết trong người có bệnh thì đã muộn. Ông Lương Viết Hùng, Trưởng ban mặt trận tổ quốc ấp Sở Líp, cho hay ngày ấy già trẻ cứ theo nhau chết nên dân cư trở nên thưa thớt. Điều kỳ lạ là người chết đa số là đàn ông. Ấp chỉ vỏn vẹn 70 hộ mà gần 30 hộ có chồng chết, 10 hộ có vợ mất".

Góa phụ thờ chồng, nuôi con

Những căn nhà lụp xụp được bao bọc bởi tấm cót tre và tôn cũ kỹ, rách nát, nằm cuối lô cao su hiu quạnh là nơi mà những góa phụ sinh sống. Ông Sơn cho biết hơn 20 năm trôi qua, ấp có gần 30 phụ nữ mất chồng. Tuy nhiên, những người này không tái giá mà ở vậy nuôi con.

Bà Nguyễn Thị Hòa (49 tuổi, quê Quảng Bình) vào lập nghiệp ở ấp Sở Líp từ năm 1981, vài năm sau chồng bà qua đời vì bị ung thư, để lại 3 đứa con nhỏ. Trong căn nhà được làm bằng vách tre nứa, cuộc sống của gia đình chỉ dựa vào nghề mót mủ cao su.

Bà Lê Thị Tính một mình trong căn nhà tồi tàn vì các con đã đi lập gia đình riêng.

“Chồng mất lúc tôi mới 30 tuổi, cũng có nhiều đàn ông khác để ý và ngỏ lời kết duyên. Nhưng cứ nghĩ đến đàn con thơ mà quặn lòng, liệu người ta đối xử tốt với những đứa trẻ... Là người phụ nữ ai chẳng muốn lấy chồng để đỡ đần những lúc khó khăn, nhưng vì thương các con nên quyết định ở vậy”, bà Hòa nói.

Chung cảnh ngộ với bà Hoa là bà Lê Thị Tính (54 tuổi) cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Tính chia sẻ: “Chồng mất lúc tôi 33 tuổi, từ đó tôi phải bươn chải kiếm tiền để nuôi các con khôn lớn. Mọi người và các con khuyên tôi nên đi bước nữa, nhưng vì sợ người ta đối xử không tốt với chúng nên đành ở vậy thờ chồng nuôi con”.

Kế đó không xa là gia đình bà Nguyễn Thị Ý (73 tuổi). Người dân trong ấp thường gọi đùa là "hộ góa phụ" vì gia đình này có 3 người phụ nữ không chồng. Người chồng qua đời đã 30 năm trước vì mắc bệnh hiểm nghèo, bà Ý ở vậy nuôi 4 đứa con. Con gái lớn của bà lập gia đình được một thời gian thì chồng chết vì ung thư. Cô con gái còn lại mang tiếng không chồng mà lại có chửa. Những đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha nên phải mang họ mẹ.

Gia đình bà Nguyễn Thị Ý có 2 thế hệ góa phụ.

 Theo Tri Thức

people like INLOOK.VN fanpage