Bạn đang ở đây

MegaStar bị "mua lại"

"CJ CGV không "mua lại" Mega Star" - Đó là lời khẳng định của ông Brian Hall, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của MegaStar.

Đổi chủ không ảnh hưởng đến việc nhập phim Mỹ

 

Một sự kiện gây chấn động lĩnh vực rạp chiếu trong tháng 7 này chính là việc tập đoàn kinh doanh rạp chiếu số 1 của Hàn Quốc CJ-CGV đã bỏ ra 73,6 triệu đô la để mua lại phần lớn cổ phần của Envoy Media Partners (Mỹ), đơn vị sở hữu MegaStar. Điều này có ảnh hưởng gì đến những ưu tiên của MegaStar trong việc kinh doanh rạp chiếu  sắp tới không? 

 

Ông Brian Hall, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của MegaStar trả lời VietNamNet: "Đầu tiên chúng tôi có một lưu ý quan trọng là CJ CGV không “mua lại” MegaStar. Họ chỉ đang nắm phần lớn các cổ phiếu của các cổ đông ban đầu của công ty thông qua việc mua lại cổ phần của Envoy Media Partners. Đối với chủ đầu tư trong nước, Phuong Nam Corporation vẫn duy trì vị trí sở hữu của mình trong công ty cũng như vẫn giữ vị trí quản lý cấp cao tại MegaStar. Hiện tại giao dịch này không ảnh hưởng đến bất kỳ hoạt động kinh doanh nào của MegaStar cả về kinh doanh rạp chiếu phim lẫn công tác phát hành phim tại thị trường Việt Nam".

 

Lãnh đạo cao nhất của "đại gia" về kinh doanh rạp chiếu và phát hành phim Mỹ tại VN này khẳng định việc chuyển đổi chủ sở hữu Hàn Quốc không tác động đến việc nhập phim Mỹ từ các studio lớn của Hollywood về VN. "MegaStar đã xây dựng những mối quan hệ tích cực với các hãng phim lớn ở Hollywood trong một thời gian dài và hiện tại mối quan hệ của chúng tôi đang tiến triển rất tốt đẹp.

Phòng chiếu của Mega Star được đầu tư cao cấp

CJ CGV cũng đã và đang kinh doanh trong lĩnh vực phát hành phim và chiếu bóng và họ cũng có những mối quan hệ hết sức tích cực và mạnh mẽ với các hãng phim Hollywood trong vòng 15 năm nay. Do đó sự thay đổi chủ sở hữu sẽ không ảnh hưởng gì đến việc nhập phim và phát hành phim tại thị trường Việt Nam của MegaStar", ông Brian Hall cho hay.

 

Không chỉ là "đại gia" trong lĩnh vực kinh doanh rạp chiếu tại VN, MegaStar còn là nhà nhập khẩu và phát hành phim Mỹ lớn nhất tại thị trường Việt Nam với đối tác là những studio và nhà phát hành hàng đầu Hollywood. Đến sau các nhà nhập phim Galaxy, BHD... nhưng MegaStar hiện gần như thâu tóm các đầu mối nhập phim lớn và giành quyền phát hành hầu hết những bộ phim lớn trong năm của Hollywood.

 

Khoảng cách phát hành các bom tấn của Mỹ tại thị trường VN so với thế giới liên tục được rút ngắn, từ 3 tuần, 2 tuần, 1 tuần đến việc công chiếu đồng thời, thậm chí sớm hơn khu vực Bắc Mỹ. Khán giả Việt ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận sớm với những bộ phim đình đám ngoài rạp và hoà vào những cơn sốt phim ảnh lớn với khán giả toàn cầu. 

Cuộc đua giữa các rạp chiếu cao cấp

Hiện tại việc thay đổi chủ sở hữu không ảnh hưởng đến bất kỳ kế hoạch nào của MegaStar tại thị trường Việt Nam. Kế hoạch khai trương cụm rạp thứ 2 tại Pico Mall Hà Nội vẫn đang diễn ra đúng tiến độ và dự định sẽ mở cửa vào tháng 8 tới. Tính đến thời điểm này MegaStar có trong tay 7 cụm rạp với 54 phòng chiếu (chưa kể cụm rạp sắp khai trương tại HN). Được biết trong thời gian tới MegaStar sẽ xây thêm một số cụm rạp chiếu phim ở TP.HCM, Hà Nội và sau đó là các thành phố lớn khác.

 

Như vậy là phải chờ tới hơn 5 năm, kể từ thời điểm MegaStar mở cụm rạp đa năng đạt tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Hà Nội mới lại có một cụm rạp thứ hai. Một điều dễ nhận thấy là sự có mặt của MegaStar trong vòng 1 nửa thập kỷ qua không chỉ làm thay đổi thị trường rạp chiếu mà còn làm thay đổi toàn bộ thị trường phim ngoại nhập cũng như văn hoá thưởng thức phim ảnh ngoài rạp của khán giả các thành phố lớn mà tiêu biểu là HN và TP.HCM.

 

Sự xuất hiện của cụm rạp đa năng hiện đại này buộc các rạp chiếu phim khác phải thay đổi, nâng cấp để cạnh tranh. Bằng chứng là nhiều rạp chiếu tại HN đã được xây mới theo mô hình cụm rạp từ tư nhân (Platinum) đến nhà nước (Trung tâm chiếu phim Quốc gia - TTCPQG). Sau MegaStar, các rạp khác cũng đua nhau mua thiết bị đầu tư cho các phòng chiếu 3D như Tháng 8, Trung tâm chiếu phim Quốc gia... và đã bắt đầu biết khai thác lợi nhuận từ kinh doanh rạp chiếu.

 

Cuộc cạnh tranh khốc liệt ở phân khúc rạp chiếu chất lượng cao đã buộc nhiều rạp chiếu thuộc sở hữu nhà nước phải đầu tư mạnh để hút khách. Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc TTCPQG cho hay TTCPQG sẽ cải tạo, nâng cấp xong cả 5 phòng chiếu hiện có trong 2011. Tại đây một phòng chiếu 3D với trang thiết bị mới nhất được nhập về từ Mỹ cũng đã được đưa vào khai thác từ đầu năm.

 

Đầu tháng 8 này, khi MegaStar khai trương cụm rạp thứ 2 tại HN thì cũng là lúc TTCPQG dự kiến đưa hệ thống 4D (cảm giác mạnh) vào hoạt động. Theo kế hoạch, TTCPQG sẽ mở thêm 2 phòng chiếu (6 và 7) vào năm tới và không ngoại trừ khả năng sẽ trang bị thêm thiết bị cho phòng chiếu 3D thứ hai. TTCPQG đang phát triển theo mô hình kinh doanh cum rạp chiếu đa năng như MegaStar và hút lượng lớn khán giả bình dân với giá vé mềm hơn.

 

Sắp tới, cùng với sự ra đời của những cụm rạp mới như Galaxy, Lotte chắc chắn sự cạnh tranh sẽ mạnh hơn và phân khúc cụm rạp cao cấp tại Hà Nội sẽ sôi động hơn nhiều.

 

Theo VNN

people like INLOOK.VN fanpage