Bạn đang ở đây

SECRET BOX: Chúng tôi cuồng con hay em không đủ tư cách làm mẹ?

Đọc bài "Cuồng con hay hội chứng sĩ diện?" mà tôi thấy thương cho tác giả quá, chắc lúc nhỏ em chưa từng được mẹ khen ngợi và nói lời yêu thưong.

Đọc bài “Cuồng con hay hội chứng sĩ diện” mà tôi có cảm nhận ngay rằng người viết bài vẫn còn là một cô nhóc ham chơi, không biết thế nào là thiên chức của người mẹ. Bởi nếu đã làm mẹ, sao cô ta chỉ chăm chăm nghĩ tới bản thân mình, lo cho những thứ hạnh phúc phù phiếm của một người trẻ mà quên đi những trải nghiệm tuyệt vời khi làm mẹ. Một cô bé chưa trưởng thành mà dám lên tiếng dạy chúng tôi phải đối xử ra sao với con mình, với chồng mình thì thật quá quắt lắm.

Tôi lấy chồng năm 20 tuổi, sinh con năm 22 tuổi. Rất nhiều người tiếc cho tôi và thường xuyên hỏi : “ Sao lấy chồng sớm thế, vội gì…” tôi biết những niềm vui tuổi 20 vô cùng quý giá nhưng tôi cũng mong ước được sinh cho chồng mình một đứa con, cùng anh chăm sóc nó và trưởng thành cùng nó.

Tôi sinh khó! Khi bảo chồng: “Anh chờ em nhé, em vào một chút rồi hai mẹ con ra gặp anh” vợ chồng còn cười đùa với nhau. Nào ngờ khi vào phòng đẻ, nhìn thấy mọi người chạy ngược chạy xuôi rồi bác sĩ phán: “dị ứng thuốc, ngôi cao, khung chậu hẹp”, tận khi tử cung mở 4 phân rồi mà con vẫn chưa chịu xuống, tôi mới cảm thấy có thể tôi không ra gặp chồng được nữa. Khám lần thứ n, mở 5 phân những cơn đau bắt đầu kéo tới, dồn dập, đau khủng khiếp. Chồng tôi được gọi vào kí giấy cam kết.

Tôi nằm trên giường, nhìn thấy chồng, vừa thấy yên tâm hơn một chút vừa tủi thân vô hạn. Tháo hết nhẫn cưới, hoa tai đưa cho chồng, dặn dò: “Con là quan trọng nhất anh nhé”, lúc ấy mặt anh vừa lo vừa thương quá chừng. Đêm hôm trước đã có  một sản phụ vì dị ứng thuốc mà tim ngừng đâp ngay trên bàn đẻ nên lúc ấy tôi như cá nằm trên thớt, không ngừng cầu nguyện cho con mình được sống.

Hội chẩn khoa về ca sinh của tôi và quyết định làm thủ thuật kéo tách (đại ý là người ta sẽ dùng cái kẹo nhọn hoắt kẹp bông băng thuốc đỏ, lách vào vùng tử cung, chạm tới màng ối, kéo như giựt rách ra). Không có một biện pháp giảm đau nào. Và mình phải tự kìm không la, không nhúc nhích, vì kéo có thể sợt đi và bác sĩ sẽ nhát tay hơn khi thực hiện thủ thuật.
Sau khoảng 2h,  tim thai suy, bản thân tôi đã gần như kiệt sức vì đau. Bác sĩ bảo:

- Bây giờ tim thai con em suy rồi. Chỉ còn 50l/1p thôi. Giờ chị sẽ gọi chồng em vào kí giấy đồng ý cho em mổ. Em bị dị ứng thuốc nặng, nhưng bây giờ đường cùng rồi, nếu không mổ, con em sẽ không giữ được.
Lúc đó đau lắm rồi, chỉ còn thều thào được: 

- Miễn sao con em khoẻ mạnh chào đời thì em sao cũng được. 

Sau đó  các bác sĩ gây tê tủy sống, tôi rất buồn ngủ, các bác sĩ liên tục nhắc, kể chuyện để tôi không ngủ, đợi nhìn thấy con. Cuối cùng, trong cơn lơ mơ, tôi cố gắng vươn tay lên chạm lấy gót chân đỏ hỏn của con,chỉ còn có thể nhớ, lúc những ngón tay chạm tới cái gót chân nhỏ xinh ấy, nước mắt tôi trào ra và chìm vào giấc ngủ ngon lành.

Chồng tôi hơn tôi 10 tuổi, khi ẵm em bé từ tay bác sĩ, anh rớt nước mắt  và không ngừng cảm ơn tôi như một đứa trẻ. Khoảnh khắc đó, tôi dám đánh đổi tất cả để có được.

Kể chuyện sinh con ra đây để cho các bạn biết rằng, sinh ra một đứa con, tôi gần như chạm tới ranh giới sống chết, đứa con và tôi không chỉ là quan hệ mẫu tử nữa mà nó trở thành lẽ sống, là đức tin của tôi. Tôi khoe con trên FB, chúng tôi có những cách khác nhau để các bà mẹ liên lạc, tìm hiểu và học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm nuôi con. Đồng ý là chúng tôi coi con như bảo bối, “thần thánh” con mình nhưng chúng tôi đủ thông minh để tìm ra ưu khuyết của mỗi em bé. Chúng tôi không còn là đám phụ nữ nghe mọi thứ kinh nghiệm hay áp dụng chính sách” con nhà người ta” lên con mình. Em viện dẫn chứng bên Âu bên Mỹ nuôi con thế này thế nọ và sao chúng tôi không học theo họ thì sao em không nhìn lại để nhận ra rằng, bản thân em đâu dễ dàng để cho người ta dắt mũi? Mỗi xã hội đều có thế mạnh riêng và chúng ta phải chọn lọc ra cái hay  để học.

Tôi biết em còn là một cô gái nông nổi, hãy quay về với thế giới hoàng nhoáng của em với túi xách, giày hiệu, trai đẹp và trả lại nơi cho các bà mẹ chúng tôi thủ thỉ chuyện : “bé mọc răng nên làm sao chị? “con em bị tưa lưỡi.." Chúng tôi muốn con mình có những điều kiện tốt nhất, được yêu thương nhiều nhất và tự hào vì mình có thể làm hết sức vì con.

Nếu em có một đứa con, em sẽ không ác miệng nói các bà mẹ như tôi là sĩ diện, là khoe con khắp nơi vì chính em cũng muốn đứa trẻ cảm nhận được chúng được cả thế giới đón chào.

Mara/ Inlook.vn

 

people like INLOOK.VN fanpage