Bạn đang ở đây

Ai cấm đám cưới đồng tính mà phải cho phép?

Rất nhiều tờ báo đã giật tiêu đề về việc “cho phép đám cưới đồng tính”, rất nhiều bạn trẻ trên facebook hoan hỉ trước thông tin ấy. Thế ai cấm đám cưới, cấm từ bao giờ mà lại phải cho phép?
Nghị định số 110/2013/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 12/11 đã loại bỏ “kết hôn giữa những người đồng tính” ra khỏi các trường hợp xử phạt hành chính. Và thế là một làn sóng tưng bừng trên mạng xã hội và báo chí xuất hiện. Người ta bảo nhau: “Chưa cho phép kết hôn, nhưng đã cho phép tổ chức đám cưới và chung sống”. Nhiều người mừng tủi.

Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là có gì đáng mừng trong câu chuyện này?
 
Ảnh minh họa

Hãy phân biệt rõ các khái niệm: “Đám cưới”, đơn thuần là một bữa tiệc, một hành vi mang tính tập quán, không được quy định thành khái niệm trong Luật Hôn nhân và gia đình. Còn “Kết hôn”, theo Luật Hôn nhân và gia đình, phải được thừa nhận bởi việc đăng ký kết hôn. 

Điểm 1, điều 11, chương II của Luật ghi rõ: 

“Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi là cơ quan đăng ký kết hôn) thực hiện theo nghi thức quy định tại Điều 14 của Luật này.
Mọi nghi thức kết hôn không theo quy định tại Điều 14 của Luật này đều không có giá trị pháp lý”.


Điều 14. Tổ chức đăng ký kết hôn 

Khi tổ chức đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ kết hôn. Đại diện cơ quan đăng ký kết hôn yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.

 
Ảnh minh họa

Nói tóm lại, kết hôn nghĩa là phải có tờ giấy đăng ký. Nghị định cũ xử phạt các hành vi “kết hôn giữa những người cùng giới tính” - nghĩa là hai người cùng giới tính phải có... giấy đăng ký kết hôn, thì họ mới vi phạm pháp luật và bị xử phạt. Ngay từ đầu, việc kết hôn đã được quy định là giữa nam và nữ, nên gần như không thể tồn tại “người đồng tính kết hôn” để mà xử phạt. Để có được một tờ giấy phi lý như thế, chắc phải rình ngày cô nhân viên ủy ban bị quáng gà mới cấp cho.

Phạt việc kết hôn giữa những người cùng giới tính, chẳng khác nào phạt trẻ em sơ sinh vì không mang chứng minh thư khi ra đường. Có ai cho phép cấp đâu mà có tồn tại thứ ấy?

Còn đám cưới, những bữa tiệc giữa hai họ gia đình, ngồi ăn cơm uống nước, không liên quan gì đến Luật hôn nhân và gia đình. Không ai cấm hành vi ấy. Nó là một bữa tiệc đơn thuần, và việc người ta trang trí nó bằng cổng hoa, treo chữ song hỷ, mặc áo dài cài hoa, không tạo ra được cái sự “kết hôn”. Kết hôn phải có giấy tờ, Luật đã quy định rồi. 

Nó cũng như tiệc đầy tháng, tiệc sinh nhật, tiệc khao xe mới, không cần ai “cho phép” để diễn ra vì chẳng vi phạm thứ gì. Người ta có được nhảy bổ vào tiệc sinh nhật lần thứ 18 của ai đó và xử phạt vì bữa tiệc này được tổ chức khi anh chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự không? Ngay từ đầu, đã không có luật nào xử phạt việc này. Ngay từ đầu, địa phương nào xử phạt việc này là đã sai.

 
Ảnh minh họa

Thế mà không hiểu sao mọi chuyện lại ồn ào lên như thế. Bây giờ đã lên cả báo nước ngoài. “Cho phép đám cưới” là một cụm từ lạ lùng khủng khiếp nếu ta ngẫm lại vấn đề. Đám cưới và kết hôn khác hẳn nhau.

Việc sử dụng cái từ “cho phép” này là sai. Và việc người ta vui mừng vì cái sự “cho phép” này là một trạng thái đáng buồn. Không hiểu luật và quyền lợi của mình, sống trong cái sai đã quen, đến mức tưởng cái sai là thực tế, để đến lúc hưởng một thứ hiển nhiên thuộc về mình, lại cảm thấy vui.

Không biết có liên tưởng xa xôi quá không khi nghĩ đến những lời cảm ơn của một người tù bị oan, nay được thả ra. Anh ta cảm ơn vì được hưởng những thứ đáng ra phải thuộc về mình từ lâu, nhưng anh ta nghĩ rằng đó là một món quà.


Theo Depplus.vn

 

people like INLOOK.VN fanpage