Bạn đang ở đây

ĐỪNG COI THƯỜNG NHỮNG CƠN ĐAU BỤNG

Ngay khi thấy xuất hiện những cơn đau bụng dữ dội, Sherry Pollex đã không chủ quan và đi khám. Kết quả là cô đang bị ung thư buồng trứng.

 

Cách đây 2 năm, Sherry Pollex thường xuyên bị trướng bụng (“Tôi thấy giống như tôi mang thai 3 tháng”- cô nhớ lại) và có những cơn đau bụng dữ dội. Cảm thấy lo lắng, cô đi khám bác sĩ và kết luận trên siêu âm chỉ là nang buồng trứng lành tính.
 
Thật không may, các bác sĩ đã sai. Cơn đau của Pollex trở nên tồi tệ đến nỗi gây đau cả khung chậu. Vì vậy, trước một kỳ nghỉ cô đã gọi cho một người bạn và cũng là bác sĩ phẫu thuật tiêu hoá và yêu cầu cho chụp CT.
 
 
Kết quả, bác sĩ thông báo hình ảnh chụp CT cho thấy các khối u đã xuất hiện khắp nơi ở khu vực vùng chậu và ổ bụng. Pollex được chẩn đoán bị ung thư buồng trứng, cụ thể là ung thư phúc mạc nguyên phát giai đoạn III.
 
“Khi ai đó nói với bạn điều đáng sợ như thế, thời điểm đó là mãi mãi ăn sâu trong kí ức của bạn. Tôi đã bị sốc. Tôi mới 35 và hoàn toàn khỏe mạnh, không có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng", cô nói.
 
Bạn trai của Pollex, lái xe Martin Truex Jr., và mẹ cô chỉ biết khóc. Bác sĩ của Pollex yêu cầu cô điều trị gấp nếu không cô sẽ ra đi trước Giáng sinh. Đó là ngày 7/8/2014.
 
Con đường phục hồi
 
Năm ngày sau chẩn đoán, Pollex trải qua một cuộc phẫu thuật kéo dài 7 tiếng để loại bỏ càng nhiều khối u ác tính càng tốt nhằm nâng cao hiệu quả hoá trị. Pollex cũng cần hoá trị 17 tháng.
 
Đợt hoá trị đầu tiên với Pollex thật khó khăn, đặc biệt là khi thuốc được bơm vào bụng.
 
Pollex cho biết: “Tôi cảm thấy cơ thể tôi chỉ vừa phục hồi từ phẫu thuật và 8 giờ hoá trị mỗi tuần khiến tôi suy kiệt cả về thể chất và tình thần”. Cô đã bị mất vị giác, cảm giác thèm ăn, sút 12kg, rụng hết lông mày, lông mi và mái tóc.
 
Nhưng cô nói: “Bạn không còn lựa chọn nào khác khi đang chiến đấu với căn bệnh chết người. Bạn chỉ còn cách cố gắng để sống”.
 
Là người ủng hộ lâu năm cho nghiên cứu ung thư trẻ em qua Quỹ Martin Truex Jr, cô luôn cảm thấy cần thay mặt trẻ em để chiến đấu với bệnh tật. “Tôi sẽ là một kẻ đạo đức giả nếu như tôi từ trước tới giờ luôn động viên các em nhỏ chiến đấu với bệnh tật trong khi mình không cố gắng để chiến thắng bản thân”. Vì vậy, cô đã chiến đấu. 
 
Kết quả
 
Sau phẫu thuật lớn và gần 1,5 năm hoá trị, tới nay – sau 2 năm- Poleex nói cô thật may mắn khi đã chiến thắng bệnh ung thư. Nhưng cô không chủ quan vì biết rằng ung thư có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
 
Cô đã đúng vì thống kê từ Khoa ung thư bang Texas cho thấy tỷ lệ tái phát ung thư buồng trứng là 60-80%.
 
Mặc dù bị xơ hoá – khi mô sẹo tích tụ, gây đau, Pollex đang cảm thấy khá tốt. Cô đã có một số thay đổi về hoạt động thể chất. Vì các mô sẹo gây đau nên cô tập yoga, pilat và đi bộ mỗi ngày. Mặc dù mọi thứ đều không dễ dàng nhưng Pollex cho biết: “Thay đổi lối sống không phải là một sự hi sinh lớn khi nó mang lại cho bạn niềm hạnh phúc vì được sống”. 
 
Tất nhiên, về mặt tình cảm, thật khó khăn vì Pollex biết rằng cô sẽ không thể có con được nữa (ca phẫu thuật đã cắt bỏ hoàn toàn tử cung của Pollex). Nhưng Pollex biết ơn vì mình còn được sống mỗi ngày. Và cô đã tìm ra mục đích mới khi mong muốn những người phụ nữ khác không phải trải qua những gì cô đã trải qua.
 
 
Một nhiệm vụ mới
 
Từ khi được chẩn đoán và điều trị, Pollex bắt đầu lập trang web sherrystrong.org để giúp phụ nữ hiểu biết về cơ thể và nhận ra những triệu chứng của ung thư buồng trứng. “Bạn phải là người lo cho sức khoẻ của chính bạn. Ngày hôm đó, nếu tôi không gọi cho anh bạn bác sĩ và nói với anh ấy rằng tôi bị đau thì tôi đã không có ngày hôm nay. Bạn là người hiểu cơ thể bạn rõ nhất, và đôi khi cần kiểm tra hoặc đặt câu hỏi.
 
Pollex mong muốn mọi người biết đến những lựa chọn mà họ có nếu chẳng may một ngày họ phải đối mặt với ung thư. Cô ấy rất ủng hộ xét nghiệm máu OVA 1, xét nghiệm máu đầu tiên được Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ phê chuẩn để đánh giá nguy cơ ung thư trong khối u vùng chậu. Bạn có thể yêu cầu thực hiện xét nghiệm này nếu được chẩn đoán có khối u vùng chậu. Pollex ước rằng cô đã biết về nó khi được chẩn đoán nang uồng trứng lành tính.
 
Các kết quả OVA1 giúp xác định nguy cơ ung thư và hướng dẫn các bước tiếp theo, cụ thể là tìm tới bác sĩ phẫu thuật ung thư phụ khoa nếu bạn có nguy cơ ung thư.
 
Tiền sử gia đình cũng đóng vai trò lớn trong việc xác định nguy cơ bệnh. Mặc dù Pollex không có nguy cơ do tiền sử gia đình, nhưng nếu là bạn, xét nghiệm đột biến gien BRCA 1 hoặc BRCA 2 có thể giúp bạn xác định bạn có nguy cơ hay không. 
 

Đây là loại ung thư phổ biến thứ 5 ở phụ nữ và được gọi là “sát thủ thầm lặng” đối với phụ nữ trên tuổi 55. Mỗi năm, trên toàn thế giới có hơn 20.000 phụ nữ phát hiện mắc ung thư buồng trứng. 

Ung thư buồng trứng thường không có các dấu hiệu sớm, thường đến giai đoạn muộn mới xuất hiện. Hãy lắng nghe cơ thể mình nếu thấy các dấu hiệu này có thể nghĩ tới ung thư buồng trứng: Khó chịu và/hoặc đau ở vùng bụng, vùng chậu dữ dội, kinh nguyệt không đều, lông, tóc mọc quá mức, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc đi tiểu thường xuyên; kém ăn; đầy bụng ngay cả sau bữa ăn nhẹ; tăng hoặc giảm cân không rõ lý do; chảy máu âm đạo bất thường.

Ung thư buồng trứng thường gặp ở những người tiền sử gia đình có mẹ, chị em gái bị bệnh; Những người từ 50 tuổi trở lên; Phụ nữ chưa từng sinh con; bản thân có tiền sử bị ung thư vú hoặc ung thư đại tràng; dùng thuốc kích thích phóng noãn; dùng bột talc nhiều năm; điều trị thay thế hoóc-môn. Có 1 số bằng chứng cho thấy những phụ nữ điều trị hoóc-môn thay thế sau khi mãn kinh cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 1 chút.

(Nguồn: DailyMail/Pre)

Theo Nguyễn Hà/ Trí Thức Trẻ

people like INLOOK.VN fanpage