Bạn đang ở đây

Sa sút trí tuệ: nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

Bệnh không thể khỏi trong thời gian ngắn mà cần uống thuốc đều đặn để hồi phục tốt hơn.

Sa sút trí tuệ là sự suy giảm khả năng nhận thức gồm trí nhớ, sự lý luận, khả năng thực hiện hành vi, nói, viết... diễn tiến nặng dần và không thể hồi phục. Bệnh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống người bệnh, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Nguyên nhân gây sa sút trí tuệ

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thi Hùng - Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế City, nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ có nhiều nguyên nhân: do di truyền, ảnh hưởng từ bệnh alzheimer, đột quỵ não, parkinson, lạm dụng nhóm thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm... trong thời gian dài. Bệnh thường xuất hiện ở đối tượng người cao tuổi nhưng không phải quá trình lão hóa bình thường mà là một bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị sớm.

Lý giải vì sao bệnh ngày càng có xu hướng tăng lên, PGS.TS.BS Nguyễn Thi Hùng giải thích bởi vì dân số thế giới già đi, người già được chăm sóc tốt hơn nên tỷ lệ sống thọ cao. Bên cạnh đó y học hiện nay rất phát triển, có nhiều phương tiện kỹ thuật giúp tầm soát tốt bệnh. Ngoài ra lối sống ở xã hội văn minh, đất nước đang phát triển nên việc phát hiện các bệnh về thần kinh nói chung và sa sút trí tuệ nói riêng ở người cao niên là rất lớn.

Các bệnh như đái tháo đường, tiểu đường, bệnh mỡ máu... là nguy cơ dẫn đến bệnh tai biến mạch máu não, sa sút trí tuệ, Alzheimer (giảm trí nhớ)...

Triệu chứng của sa sút trí tuệ

Triệu chứng thể hiện qua nhiều giai đoạn.

Giai đoạn nhẹ: người bệnh có thể suy giảm trí nhớ ngắn hạn, thay đổi tính tình, dễ nóng giận và kích động.

Giai đoạn trung bình: người bệnh khó khăn trong tắm rửa, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân; mất khả năng tiếp thu thông tin mới, rối loạn định hướng về không gian và thời gian. Bệnh nhân có thể gặp hoang tưởng bị ám hại, vô cớ tấn công người khác.

Giai đoạn nặng: người bệnh mất toàn bộ khả năng sinh hoạt, hoàn toàn lệ thuộc vào người chăm sóc. Người bệnh không nhận biết được người thân trong gia đình, mất khả năng đi lại. Các biến chứng của giai đoạn cuối là suy kiệt, thiếu dinh dưỡng, viêm phổi hít và loét do tỳ đè.

Thực tế, dấu hiệu bệnh thường hay bị bỏ sót, nếu phát hiện thì đã bước vào giai đoạn trung bình hoặc nặng. Việc nhận biết và phòng tránh những nguyên nhân gây bệnh là điều rất quan trọng, giúp giảm những ảnh hưởng xấu và cũng giúp quá trình điều trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí hơn.

Phòng ngừa và điều trị sa sút trí tuệ như thế nào?

Với những bệnh nhân được chẩn đoán là sa sút trí tuệ, bên cạnh việc sử dụng thuốc để điều trị các triệu chứng nhận thức, rối loạn hành vi tâm thần thì việc chăm sóc người bệnh đúng cách, tập luyện chức năng nhận thức góp phần quan trọng trong việc khôi phục và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Ngoài ra, cần phải chú ý điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson... khi điều trị cho người bệnh sa sút trí tuệ.

"Bệnh này đòi hỏi sự kiên trì của gia đình. Bệnh không thể khỏi trong thời gian ngắn mà cần uống thuốc đều đặn để quá trình hồi phục và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được tốt hơn", bác sĩ Hùng khuyến cáo.

Tình trạng sa sút trí tuệ có thể được cải thiện nếu phát hiện sớm và can thiệp đúng cách, cần nâng cao sự hiểu biết và cách phòng ngừa bệnh trong cộng đồng. Đối với người cao tuổi, nên ăn uống cân bằng, đủ chất, tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối. Tăng cường luyện tập thể thao, chơi các trò chơi trí tuệ, tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội, sống vui vẻ, lạc quan. Bên cạnh đó, người bệnh nên hạn chế rượu, bia, thuốc lá và điều trị tốt các bệnh phối hợp như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, parkinson, phòng ngừa đột quỵ...

Nguồn: Bệnh viện Quốc tế City

people like INLOOK.VN fanpage