Bạn đang ở đây

Người già sáng nắng, chiều mưa

Sự thay đổi tính tình hay còn gọi là “trái tính trái nết” ở người già là chuyện bình thường. Thế nhưng, cha mẹ già thay đổi, nhưng con cái lại không hiểu, vì thế cha mẹ già trở nên “trái” với con cái.

Bên cạnh đó, đa số những người trẻ hiện nay có khả năng về kinh tế, đều gắn chữ hiếu với sự đáp ứng đủ đầy về vật chất, mà bỏ quên, hoặc lơ là việc chăm sóc yếu tố tinh thần cho người già nên tính tình họ càng khó chịu hơn.

mẹ già

Trái tính trái nết

Với những thành viên trong gia đình cô Nhật Minh, tất cả đều đã qua bậc đại học, đều đi làm với mức lương kha khá, thì việc hiếu đễ với cha mẹ già tưởng chừng quá đơn giản. Họ có thể mua cho cha mẹ những món ngon nhất, đưa ông bà đi du lịch ở bất cứ nơi nào ông bà thích trong nước hay nước ngoài, có thể sắm đủ các loại máy đo huyết áp, máy thử đường trong máu, máy mátxa chân tay… Nhưng họ lại không thể chịu nổi sự thay đổi, mà họ coi là “trái tính trái nết” của cha mẹ.

Cô Nhật Minh kể, trước khi đi làm cô hỏi cả cha và mẹ, có thích ăn gà tiềm thuốc bắc thì chiều về cô sẽ ghé mua, cha bảo có, mẹ bảo ngán không ăn. Đến chừng mang về một hộp cho cha, mẹ cô lại nói hờn mát: “Ông thật có phúc, được con dành cho miếng ngon, còn tôi vô phúc quá, mang nặng đẻ đau ba đứa con, mà chẳng đứa nào ngó đến mình.” Cô Nhật Minh bèn nhắc lại chuyện hồi sáng, thì mẹ cô bảo: “Tôi có thèm ăn, cũng ráng nhịn vì sợ tốn tiền con cái”. Đó chỉ là một trong vô số chuyện xảy ra hàng ngày, mà nhắc đến là cô cảm thấy nhức đầu.

Anh Khánh Trung, ngụ ở phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM điên đầu vì không biết làm sao cho cha mẹ vui lòng. Nhà có hai anh em, tất cả đều đã yên bề gia thất. Thấy cha mẹ lớn tuổi, anh tình nguyện dọn về ở chung để sớm khuya chăm sóc. Mỗi lần cha mẹ bệnh, anh đưa đến bệnh viện đa khoa Tân Bình gần nhà, thì bị trách là sợ tốn tiền, nên không dám đưa đi bác sĩ tư. Có lần anh đưa đến bác sĩ nổi tiếng, thì bị trách là phí phạm, là không biết tiết kiệm, cha mẹ già chỉ cần ra nhà thuốc mua thuốc về uống là khỏi, đi bác sĩ làm chi tốn tiền. Các cháu trong nhà đang tuổi lớn, chỉ cần mặc váy ngắn, áo thun màu sặc sỡ, nói chuyện có chêm tiếng Anh… là hai cô con dâu bị la không biết giáo dục con, không quan tâm đến con cái…

Lắng nghe câu chuyện than phiền của nhiều nhân viên văn phòng, những người có thể coi là thành đạt trong các công sở hiện nay, có thể thấy họ thương cha mẹ, sẵn sàng mua sắm đủ thứ cao cấp, đắt tiền mang về phụng dưỡng đấng sinh thành. Thế nhưng dường như do áp lực công việc, do căng thẳng của nhịp sống hàng ngày, họ rất dễ nổi nóng nếu bị trách – mà họ cho là không đúng, họ rất dễ giận nếu cha mẹ rầy la và xem họ như đứa trẻ con. Như anh Thanh Tùng, ngụ ở quận 10, TP.HCM chia sẻ: “Thương thì thật là thương, nhưng ông bà già khó tính quá, bực bội, chịu không nổi, phải chọn cách thuê người đến chăm sóc cơm nước hàng ngày, mua bảo hiểm y tế ở bệnh viện quốc tế…”

bố mẹ già

Nhẫn nhịn cũng là hiếu

Trong ngày giỗ thất tuần (49 ngày) của mẹ, cô Ngọc Liên, 31 tuổi, một nhân viên ngân hàng đã khóc khi chia sẻ với bạn bè: “Con mình mười tháng tuổi, khi nuôi con lúc nào mình cũng nghe các hãng sữa, các chuyên viên dinh dưỡng khuyên phải chăm lo cho bé phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Mình ngẫm lại, mẹ già như con trẻ, mà mình mới chỉ lo cho mẹ thức ăn, thuốc uống, sữa mỗi ngày, cả tháng mới về thăm mẹ một lần…”

Anh Khánh Trung kể, lý do mà anh chịu quay về ở với cha mẹ, trong khi em trai anh nhất định không về, chính vì vợ anh đã bảo: “Nhịn cũng là hiếu”. Theo vợ anh Khánh Trung, cha mẹ già, có khó chịu trong người mới càu nhàu, la mắng cả ngày, còn người khoẻ không ai làm thế. Nhẫn nhịn cha mẹ, luôn ở bên cha mẹ khi cần, chịu ngồi nghe cho cha mẹ giải toả phiền muộn, cũng là cách trả hiếu.

Mỗi ngày giỗ cha, năm chị em nhà cô Thanh Mai ngụ ở khu Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.HCM đã ngồi ôn lại chuyện xưa. Đã ba năm nay, lần nào cũng vậy, cô Thanh Mai thường khóc và ân hận, vì khi cha già bị lẫn, thường mắng mỏ con cái để ông đói và không cho ông ăn, cô hay cãi lại. Đến lúc lẫn nặng, ông tiêu tiểu ra quần, cô lại bực bội và cho rằng do ông ghét cô, nên làm vậy để cô phải dọn dẹp. Đến chừng ông bị hôn mê, bác sĩ kiểm tra mới biết ông có khối u não, và được bác sĩ giải thích chính khối u đã làm người bệnh thay đổi tính nết, cô Thanh Mai hiểu ra thì không còn thời gian sửa sai.

Cô Ngọc Liên, sau những điều đã xảy đến, nghiệm ra rằng chỉ có “tình thương vượt lên tất cả”. Cô nói: “Con cái ốm đau, quậy phá, tính tình ngỗ nghịch cỡ nào thì cha mẹ cũng chiều được, cớ sao cha mẹ mình nói nghịch nhĩ một chút là mình tức giận quay lưng đi. Cha mẹ cũng từng phải chịu đựng mình suốt thời ấu thơ đến lúc trưởng thành mấy chục năm, còn mình có chiều cha mẹ già nhiều lắm cũng chỉ vài năm”.

Theo SGTT

people like INLOOK.VN fanpage