Bạn đang ở đây

Miền Tây dưới ngòi bút Tống Phước Bảo

Gây ấn tượng với độc giả bằng những câu chữ gợi thương gợi nhớ, một lần nữa nhà văn Tống Phước Bảo vừa cho ra mắt tập tản văn Linh đinh tình phù sa - những số phận bé nhỏ hiện rõ nét cơ cực nhưng vẫn đượm lên một chữ “tình” của những con người ở miền Tây được nhà văn ôm ấp bằng chính những câu từ ấm áp, dịu dàng.

Cái tình cái nghĩa của người con miền Tây, dù ngặt nghèo chông chênh đến đâu thì cái tình trong người con miền Tây vẫn cứ hào sảng. Linh đinh tình phù sa tập hợp 12 truyện ngắn của nhà văn Tống Phước Bảo, mang đến cho độc giả cảm nhận được rõ cái chữ tình chữ nghĩa của người miệt thứ, cuộc đời bể dâu gian truân đến đâu nhưng cái “tình” của con người nơi đây cứ quấn lấy những nhân vật trong truyện, dắt dìu họ đi qua nỗi buồn, rồi chạm đến niềm vui.

12 truyện ngắn, những nhân vật, những số phận bé nhỏ ở xứ bưng biền trong tuyến các câu truyện gắn liền với những hình ảnh đặc trưng, về mùa màng, những yếu tố thiên nhiên quen thuộc của miệt đồng bưng chín dòng sông: Như lục bình trôi, Mùa so đũa trổ bông, Dòng sông, Ráng chiều cù lao, Chiếu không,...

Những số phận nhỏ bé trong Linh đinh tình phù sa, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở đời thường: bà bầu đoàn lô tô, chú Tám Đờn, thầy cô giáo trẻ về trường làng dạy học... những số phận như những nhánh lục bình lênh đênh trôi xuôi theo dòng nước rày đây mai đó. Những số phận trong ngòi bút của Tống Phước Bảo, dù lênh đênh, lo toan cuộc sống nhưng họ luôn được sống trong cái “tình” hào sảng của những con người miệt thứ. Cái tình cái nghĩa kéo họ xích lại gần nhau và không thấy trống trải ở đất khách quê người. Người miền Tây sống tình nghĩa, quý mến, giúp đỡ không câu nệ hoặc không cần nhận lại như nhân vật Út Trong tập truyện Chiếu không.

Chỉ gặp và biết nhân vật Thiệt trong những lần giao gạo nhưng vô tình thấy Thiệt mặc cái áo thun cũ, vậy mà Út Trong đã gửi cho một túi đồ to, trong đoạn “Nè, cái này là áo nỉ dày cho ngoại, Thiệt nói ngoại sớm trời còn sương khoác cái áo dày cho ấm. Bữa chị qua đưa mấy xấp bánh tráng thấy áo ngoại sờn bâu rồi. Còn mấy cái áo thun này là của Thiêt. Con trai lớn rồi, mặc cáo áo cho đàng hoàng. Áo gì mà vá chỗ này thủng chỗ nọ. có hủ mắm tép, chị mới làm, đem về hai bà cháu ăn cơn nghen!” bấy nhiêu chi tiết thôi cũng đủ thấy tánh tình con người nơi đây hào sảng, sống trọn tình trọn nghĩa.

Con chữ mộc mạc, phương từ đậm chất miền Tây: hổng, hông, mọt gong, liệng... cùng những hình ảnh quen thuộc miền sông nước: đoàn lô tô, ghe bẹo, con kinh, bông điên điển, cù lao, vàm sông... Tống Phước Bảo đã đưa mọi cung bậc cảm xúc đến lòng độc giả, từ những hình ảnh xót xa theo những số phận rồi hả hê với những điều thiện lành được hồi đáp sau bao đoạn trường trầm luân. Lối dẫn dắt vào câu truyện của tác giả một cách trực diện vào vấn đề như tính thẳn thắn, thật thà của người miền Tây. Vừa vào đầu tập truyện thứ nhất Như lục bình trôi là cảnh xung đột của gia đình nhân vật Dũng, “Một tối, má Dũng hoảng hồn khi thấy thằng con quấn cái mền, lấy cây son của chị nó tô môi đỏ choét, đứng trong phòng múa hát”.

Xuyên suốt 12 câu truyện, người đọc dễ thấy được “món ăn” tinh thần của người miệt thứ mà Tống Phước Bảo đã đưa vào một cách rất khéo léo với những chi tiết nhỏ nhưng gây ấn tượng rất mạnh, đó là những câu hò câu hát cải lương. Những giai điệu cải lương, điệu lý với những câu từ mộc mạc thường ngày dường như đã thấm vào máu của người miệt thứ, như ai cũng biết Nam bộ là cái nôi của đờn ca tài tử và bằng cách dùng từ khéo léo, sáng tạo mà nhà văn Tống Phước Bảo đã đưa vào Linh đinh tình phù sa, giống như cái cách nhắc khéo của nhà văn dù đi đến đâu thì cội nguồn của người con miền Tây vẫn là một thứ gì đó luôn khắc khoải không thể quên, như trong đoạn “Tía bắt đầu rao. Tay trái tía giữ dọc nhị rồi bấm dây đờn bằng lòng ngón tay. Tay phải kéo cung vĩ đẩy đưa. Tía hát “Đờn cò lên trục kêu vang. Qua còn thương bậu, bậu khoan lấy chồng”” của mẫu chuyện Đò qua sông vắng.

Từng câu truyện, từng những số phận ẩn sâu trong đó là tâm hồn, trái tim cùng cái tình cái nghĩa hào sảng như tính cách đặc trưng của con người miền Tây qua bao đời nay, lắng động đi qua những sự buồn vui của Tống Phước Bảo đã viết “người miệt thứ buồn đó rồi lại vui đó, như sóng nước xứ này vơi rồi lại đầy, như phù sa châu thổ muôn đời vẫn dâng người những mùa màng tốt tươi.

Hồng Lĩnh - Mỹ Anh

people like INLOOK.VN fanpage